Hội chứng tiền đình do đâu?
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cân bằng cho các hoạt động của cơ thể khi di chuyển, đứng, nằm, cúi người hay xoay người… Khi cơ thể có các hoạt động, chuyển động, hệ thống tiền đình sẽ điều chỉnh phù hợp để giữ tư thế cân bằng. Hoạt động này được điều khiển bởi nhóm thần kinh cao cấp.
Hệ tiền đình có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể, vì thế, khi cơ quan này có vấn đề, mắc bệnh RLTĐ sẽ có triệu chứng mất cân bằng cơ và tái phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc và cuộc sống của người bệnh.
Về nguyên nhân gây nên hội chứng RLTĐ được chia theo 2 nhóm chính. Nếu là hội chứng tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân như: Bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, viêm dây WIII do thuốc (ví dụ như nhóm kháng sinh aminosid), chấn thương (vỡ xương đá), cơn chóng mặt tư thế lành tính, u góc cầu tiểu não (u dây WIII), viêm dây tiền đình do virut.
Hội chứng tiền đình trung ương do nguyên nhân như: thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, xơ cứng dải rác, áp-xe não...
Vị trí của hệ thống tiền đình.
Dễ nhầm lẫn
Chóng mặt là triệu chứng hay gặp nhất của hội chứng tiền đình. Người bệnh có cảm giác các đồ vật xung quanh họ quay tròn, thường cảm giác quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu. Kèm theo là các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã... Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu hiện của chóng mặt dễ nhầm lẫn các cơn chóng mặt của thông thường.
Nếu bệnh nhân mắc hội chứng RLTĐ thì triệu chứng chủ yếu mà bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc chính bản thân bệnh nhân xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang.
Tuy nhiên, có trường hợp chóng mặt không rõ ràng, bệnh nhân chỉ có cảm giác dịch chuyển hoặc lắc lư thân mình hoặc cảm giác bay lên, rớt xuống hay cảm giác mất thăng bằng. Chính vì thế mà nhiều bệnh nhân mắc RLTĐ thường đi khám muộn vì nghĩ rằng các cơn chóng mặt.
Rối loạn thăng bằng là những biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên. Có nhiều mức độ khác nhau, rối loạn nặng khi bệnh nhân không thể đứng được, rối loạn nhẹ hoặc vừa với các triệu chứng như đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía, bước đi loạng choạng...
Khi thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu rung giật nhãn cầu (nystagmus): đó là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục, có nhịp, khá đều đặn và liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau (một nhanh và một chậm).
Ngoài ra, tuỳ theo vị trí tổn thương có thể gặp các triệu chứng như: ù tai, giảm thính lực, điếc, liệt nửa người, rối loạn nuốt, hội chứng tiểu não...
Để nhận biết được hội chứng RLTĐ, cần lưu ý những đặc điểm của chóng mặt (xuất hiện đột ngột và có tính chất xoay tròn hoặc có thể xuất hiện từ từ với những cơn chóng mặt nhỏ nối tiếp nhau hoặc chỉ mất thăng bằng nhẹ lúc đi lại và sau đó triệu chứng này trở thành mạn tính. Hoặc chóng mặt xảy ra lúc thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi không, chóng mặt có lệch về một bên nào không).
Ngoài ra, cần chú ý đến tiền sử của bệnh nhân về tai mũi họng (viêm tai kéo dài), về thần kinh, chấn thương (chấn thương sọ não), về ngộ độc (ngộ độc thuốc, đặc biệt là các kháng sinh độc với tai), về mạch máu, về dị ứng.
Hiểu đúng để điều trị
Hội chứng tiền đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hệ thống tiền đình ngoại biên chủ yếu dựa vào vị trí giải phẫu.
RLTĐ ngoại biên:biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung.
RLTĐ trung ương:là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.
Để xác định chính xác, người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Bác sĩ sẽ chỉ định đo não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp Xquang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI) để tìm đúng nguyên nhân gây hội chứng RLTĐ. Ngoài ra, RLTĐ còn xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc căng thẳng, ít ngủ, thường uống rượu bia hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Cần phòng tránh nguy cơ
Để phòng ngừa hội chứng RLTĐ, cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng, cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.
Khi bệnh nhân đã mắc hội chứng RLTĐ thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt...
Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay tại chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh. Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống (vì dân mình có thói quen trị bệnh theo chứng), vì ngoài RLTĐ, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!