Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

Thời sự - 11/24/2024

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ khẩu trang luôn cháy hang, các loại nước rửa tay cũng được cộng đồng 'săn lùng'. Nhưng bạn đã biết khi nào nên dùng dung dịch rửa tay khô, khi nào phải dùng xà phòng với nước để sạch khuẩn tối ưu?

Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

Gel khô tiện dụng, nhưng không thể thay thế xà phòng

Hiện số đông vẫn cho rằng chỉ cần rửa tay thường xuyên sẽ phòng tránh được sự lây lan của virus Corona, sử dụng xà phòng hay dung dịch rửa tay khô đều được. Tuy nhiên, cần hiểu đúng rằng dung dịch rửa tay khô chỉ nên là phương án dự phòng ở những nơi không có nước sạch, và như vậy không thể dùng để thay thế hoàn toàn việc rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy.

Trong một thí nghiệm của chuyên gia hành vi Jaralee Metcalf tại một trường tiểu học ở Illinois (Mỹ), rửa tay với xà phòng đã cho thấy sức mạnh trong việc ngăn chặn vi khuẩn phát triển và lây lan. Miếng bánh mì được bàn tay rửa qua xà phòng sạch khuẩn chạm vào hầu như còn mới sau 1 tháng đựng trong túi trong suốt, trong khi đó lát bánh mì bị đụng chạm bởi những đôi tay chưa rửa lẫn rửa với nước rửa tay khô đều có vi khuẩn sinh sôi, trú ngụ.

Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

Kết quả cho chúng ta lý do mạnh mẽ để tin rằng gel/dung dịch rửa tay khô không thể thay thế hoàn toàn cho việc rửa tay với xà phòng/nước rửa tay sạch khuẩn dưới vòi nước chảy. Đây cũng là khuyến cáo của hầu hết các tổ chức/đơn vị/chuyên gia về y tế, sức khoẻ trên toàn cầu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Rửa tay phòng dịch: Khi nào rửa ướt, khi nào dùng khô?

Nhiều nghiên cứu cho thấy các dung dịch rửa tay khô chuyên dụng hoạt động tốt trong môi trường lâm sàng như bệnh viện, nơi tay tiếp xúc với vi trùng nhưng không bị dính đất cát hay dầu mỡ.

Tuy nhiên, bàn tay có thể trở nên rất nhờn hoặc dính bẩn trong hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như chế biến thực phẩm, chơi thể thao, trồng cây làm vườn hoặc cắm trại, câu cá... Tay dây bẩn nhiều, gel khô sẽ không hoạt động tốt. Rửa tay bằng xà phòng và nước đặc biệt được khuyến khích trong những trường hợp này. Xà phòng sẽ gột sạch dầu mỡ và bụi bẩn, rửa trôi, mang đi phần lớn vi khuẩn.

Thậm chí trong cả các thời điểm bàn tay nhìn không lấm bẩn bằng mắt thường như dùng laptop, chạm tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bấm nút thang máy nơi công cộng… thì xà phòng và nước sạch vẫn cần được ưu tiên.

Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

 Cần bắt buộc rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy sau khi chạm vào vật nuôi, trẻ con chơi đồ chơi, đi vệ sinh, hắt hơi, nấu nướng, ăn uống, xử lý dọn dẹp rác thải hay tháo kính mắt, trước và sau khi rời khỏi những nơi đông người như công sở, trường học...

So với nước rửa tay khô thì việc dùng xà phòng không chỉ hiệu quả hơn nhiều mà còn là một giải pháp tiết kiệm, dễ dàng duy trì lâu dài. Nếu không có điều kiện rửa tay dưới vòi nước sạch với xà phòng thì mới cân nhắc đến gel/dung dịch rửa tay khô với độ cồn tối thiểu 60% như là một biện pháp thay thế.

Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

Các trạm rửa tay dã chiến được lắp đặt miễn phí phục vụ nước sạch và xà phòng sạch khuẩn cho người dân tại bến xe, nhà ga và khu vực công cộng khác.

Theo khuyến nghị từ WHO, chúng ta có thể sử dụng dung dịch rửa tay khô trong những trường hợp gấp rút hay thiếu nước sạch và xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh tay. Tuy nhiên, nên thận trọng khi chọn lựa thương hiệu dung dịch rửa tay khô cũng như tránh lạm dụng để hạn chế các tác hại không mong muốn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Hiện có rất nhiều loại dung dịch diệt khuẩn nhanh được quảng cáo và bán trên thị trường với các 'tác dụng thần kỳ' không thể kiểm chứng, khó biết được chính xác chất lượng, nguồn gốc cũng như hiệu quả diệt khuẩn. Do vậy, nên tìm mua những sản phẩm có uy tín, thương hiệu.

Rửa tay phòng dịch: Rửa nước, dùng khô khi nào là đúng?

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đó đều là những căn bệnh có thể phòng chống được nếu giữ được thói quen vệ sinh tốt, đặc biệt là rửa tay với xà phòng. 

Chúng ta cần duy trì thói quen rửa tay với xà phòng thường xuyên để không chỉ hỗ trợ phòng dịch Covid-19 hiệu quả trong thời điểm hiện tại mà còn giúp giảm 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn... vốn dĩ luôn tồn tại đe doạ sức khoẻ cộng đồng.

Chỉ sử dụng gel khô khi không có nước sạch và xà phòng bạn nhé!

Kim Phượng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!