Tăng đột biến, bất thường
Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.Cần Thơ cho biết: 'Theo báo cáo gần đây nhất, 4 tháng đầu năm 2016 số ca mắc SXH ở 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2015. Riêng TP.Cần Thơ, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng 1,80 lần so với cùng kỳ. Cụ thể: 4 tháng đầu năm TP.Cần Thơ có 306 ca mắc SXH (2015 là 168 ca), trong đó độ C có 46 ca (năm 2015 là 22 ca), chưa có trường hợp tử vong'.
Bác sĩ Trần Văn Dễ - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ thông tin thêm: '4 tháng đầu qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị bệnh nhi bị SXH tăng 3,6 lần so với cùng kỳ 2015 (năm 2015 là 182 ca, thì năm 2016 là 656 ca)'.
Tại An Giang (1 trong 5 tỉnh, thành có dịch SXH tăng đột biến), bác sĩ Phạm Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang lo lắng nói: 'Vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016, đặc biệt là 2 tuần gần đây nhất, tỉ lệ ca mắc SXH ở tỉnh tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 1.290 ca mắc SXH, tăng 160% so với cùng kỳ'.
Riêng tại Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 người bị SXH, tăng gần 70% so cùng kỳ năm ngoái.
Mùa mưa sắp tới, bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp hơn (Ảnh minh họa: Internet)
Nâng cao ý thức, bảo vệ sức khỏe
Bác sĩ Hà Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết: 'Từ đầu năm đến nay, bệnh SXH gia tăng bất thường, đặc biệt có nhiều ca sốc nặng, biến chứng tăng đáng kể; một số tỉnh lân cận thường xuyên chuyển nhiều ca nặng đến. Đặc biệt gần đây bệnh SXH chuyển từ trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sang trẻ lớn và cả người lớn. Trong đó lứa tuổi từ 9 - 15 tuổi chiếm tới 90% số ca mắc SXH mà khoa tiếp nhận'.
Phân tích nguyên nhân bệnh SXH tăng cao vào mùa khô và diễn biến phức tạp, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cho biết, do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng dẫn đến chu kỳ sinh sản của muỗi ngắn lại. Bên cạnh đó, ý thức tự giác của người dân về diệt muỗi, loăng quăng chưa thường xuyên; sự chuyển tiếp của vi-rút từ týp này sang týp khác.
Cùng quan điểm, bác sĩ Tâm cho rằng: 'Người dân cũng nhận biết mầm bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác là từ muỗi nhưng họ vẫn chưa thay đổi được hành vi tự bảo vệ mình bằng cách chủ động, thường xuyên diệt muỗi, loăng quăng và các biện pháp khác. Chính vì thế kết hợp cùng nhiều nguyên nhân khác, dịch bệnh vào mùa khô tăng mạnh. Dự kiến vào mùa mưa sắp tới bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn.
'Trước giờ mọi người cứ chủ quan bệnh SXH thường xảy ra ở trẻ nhỏ 3-4 tuổi, nên khi trẻ lớn từ 9-15 tuổi và người lớn mắc thường hay bị hiểu lầm là cảm cúm nên chủ quan, không đưa đến trung tâm y tế điều trị mà tự mua thuốc uống sẽ rất nguy hiểm. Chính gì vậy mọi người cần cảnh giác, vì SXH càng phát hiện sớm càng có cơ hội chữa trị thành công; không nên tự ý mua thuốc uống, có những loại thuốc kỵ với SXH, sau khi uống dễ dẫn đến tử vong' - bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Trước tình hình bệnh SXH đang diễn biến phức tạp vào mùa khô, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình để phòng bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!