Ngày 13/2, chị P.T.H (30 tuổi) - người đầu tiên được ghép phổi do mắc bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam quay lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để kiểm tra sức khỏe sau 2 tuần xuất viện.
Trước đó, chị H mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, do phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay, không còn giải pháp điều trị.
Nếu không được ghép phổi kèm với sửa chữa bệnh tim bẩm sinh, chắc chắn chị H sẽ phải đối mặt với tình huống xấu nhất.
Sau 2 tuần xuất viện, sức khỏe của chị H đã có nhiều cải thiện, dần quay lại cuộc sống thường ngày
Trước tình hình 'ngàn cân treo sợi tóc' ấy, giữa lằn ranh sự sống và cái chết, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quyết định tiến hành ca ghép phổi kết hợp sửa chữa bệnh tim bẩm sinh. Với sự chuẩn bị kĩ càng, ca mổ ghép phổi diễn ra trong 12 giờ đã thành công tốt đẹp.
Các chuyên gia đánh giá, sự thành công này khẳng định năng lực của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã từng bước làm chủ kỹ thuật ghép phổi - một trong những loại ghép tạng khó nhất trên thế giới.
Từ chỗ đối mặt với án tử, hơn 2 tháng qua, mọi thứ quá đỗi ngọt ngào như một kỳ tích lớn nhất cuộc đời chị.
Cùng chồng quay trở lại bệnh viện sau 2 tuần xuất viện, gặp lại các bác sĩ trong tình trạng sức khỏe ổn định, chị H vui mừng chia sẻ, chị đã quay trở lại cuộc sống thường ngày, có thể chủ động sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, thậm chí còn tham gia buôn bán ở cửa hàng của gia đình.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, hiện còn rất nhiều bệnh nhân mắc tim bẩm sinh không quá phức tạp ở trẻ lớn và người lớn nhưng do hoàn cảnh khó khăn chưa đi điều trị hoặc được phát hiện quá muộn nên đã hỏng mất phổi - không thể sửa chữa được nữa.
Vì thế, thành công của ca ghép phổi kết hợp sửa bệnh tim bẩm sinh đặc biệt nói trên có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam.
Trước chị H, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã thực hiện thành công 2 ca ghép hai phổi đơn thuần từ nguồn hiến tạng chết não. Tất cả người bệnh đã hồi phục và xuất viện.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!