Được biết đến với tên gọi viêm nướu thai kỳ, hiện tượng này phổ biến nhất trong giai đoạn mang thai từ tháng thứ 2 tới tháng thứ 8. Khoảng 40% sản phụ có thể bị viêm nướu. Nguyên nhân của viêm nướu thai kỳ và những nguy cơ tiềm ẩn cũng như biện pháp xử trí mà bạn có thể thực hiện là gì?
Nguyên nhân của viêm nướu thai kỳ
Nếu bạn đánh răng và làm sạch thêm bằng chỉ tơ nha khoa, bỗng phát hiện một lượng máu nhỏ khi nhổ ra, bạn có thể đã bị viêm nướu thai kỳ.
Nguyên nhân là khi mang thai, hàm lượng hormone progesterone tăng cao, thúc đẩy sự sinh trưởng của các vi khuẩn gây viêm nướu trong miệng bạn. Mô nướu cũng trở nên nhạy cảm hơn. Tất cả dẫn đến tình trạng nướu bị sưng hay còn gọi là viêm nướu thai kỳ.
Những thay đổi về hormone kể trên cũng can thiệp vào phản ứng thường ngày của cơ thể bạn đối với vi khuẩn. Điều này có nghĩa là nguy cơ mắc các bệnh về nướu. Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng, mảng bám cũng dễ dàng tích tụ trên răng khi bạn mang thai.
Trong khi bạn có thể lần đầu đối mặt vớiviêm nướu thai kỳ khi mới mang thai ở tháng thứ hai, bệnh thường tăng nặng hơn ở tháng thứ tám.
Dấu hiệu viêm nướu thai kỳ:
- Nướu bị thụt vào
- Nướu chảy máu
- Nướu bị sưng
- Nướu bị đau
- Hơi thở có mùi
Viêm nướu thai kỳ có tiềm ẩn nguy cơ gì không?
Nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh các nguy cơ liên quan đến thai kỳ do viêm nướu. Trong số đó, nguy cơ đáng kể nhất là sinh non.
Trong một nghiên cứu đăng tải trên tờ tạp chí của Hội Nha khoa Mỹ (The Journal of the American Dental Association), phụ nữ mang thai bị bệnh nướu có nhiều hơn 7% nguy cơ sinh non (trước tuần thai thứ 37) so với phụ nữ có nướu khoẻ mạnh.
Những bà bầu bị viêm nướu nghiêm trọng thậm chí có thể sinh con trước tuần thai thứ 32.
Ngăn ngừa sưng nướu trong giai đoạn đầu thai kỳ
Ngay từ những ngày đầu mang thai, bạn hãy tuân thủ các quy tắc vệ sinh răng miệng nghiêm túc để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị viêm nướu thai kỳ.
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Đánh răng ngày 2 lần bằng kem đánh răng có chứa flouride. Nếu nướu của bạn dễ bị kích ứng, hãy chuyển sang dùng loại bàn chải đánh răng có sợi tơ mềm. Đừng bỏ qua phần trên cùng của răng, nơi răng được nối với nướu.
Ngoài việc đánh răng kỹ, điều quan trọng không kém là chải răng bằng chỉ tơ nha khoa. Việc này giúp loại bỏ những mẩu thức ăn nhỏ xíu và mảng bám có thể bị kẹt giữa răng và nướu mà sợi tơ trên bàn chải đánh răng không thể với tới.
2. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối
Nếu bạn bị sưng nướu ở giai đoạn đầu thai kỳ, súc miệng bằng nước muối có thể giúp xoa dịu cảm giác sưng đau.
Chỉ cần hoà một thìa cà phê muối biển vào một cốc nước ấm. Sau đó, súc miệng kỹ sau khi đánh răng rồi nhổ nước muối đi.
3. Đi khám nha sĩ
Đây là một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa viêm nướu thai kỳ. Nha sĩ có thể nhận ra những dấu hiệu nhỏ nhất mà bạn có thể không tự phát hiện được. Và nhờ đó, vấn đề có thể được giải quyết nhanh chóng, kịp thời trước khi diễn biến nghiêm trọng hơn.
Cách điều trị viêm nướu thai kỳ
Nếu bạn không thể bảo vệ nướu khỏi tình trạng viêm nướu thai kỳ, lập tức tới gặp nha sĩ. Họ có thể kê cho bạn một liều kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu. Ngoài ra, còn có các loại dung dịch súc miệng đặc biệt khác mà nha sĩ có thể khuyên bạn dùng.
Tin tốt là ngay cả khi bạn bị sưng nướu trong giai đoạn đầu thai kỳ, các triệu chứng cũng sẽ biến mất sau khi em bé chào đời. Tuy vậy, tốt nhất, vẫn nên tìm hiểu về viêm nướu thai kỳ để biết cách phòng ngừa và đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn cho cả bạn và em bé.
Nguồn: Parents
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!