'Vỡ kế hoạch' là chuyện thường thấy, hầu hết phụ nữ đã lập gia đình đều từng gặp. Trước kia, mỗi lần có thai ngoài ý muốn, chị em phải đến cơ sở y tế để giải quyết.
Suýt mất mạng vì tự phá thai
Phá thai gây ra viêm nhiễm sau nạo hút, nặng hơn là chảy máu, thậm chí vô sinh.(Ảnh minh họa: Internet)
Bệnh nhân tự phá thai không phải là ca bệnh mới. Lâu nay, có nhiều trường hợp phải cầu cứu bác sĩ sau khi tự làm bác sĩ cho mình.
Tuy nhiên, phần lớn những ca bệnh trên là giới trẻ chưa lập gia đình. Do nếm trái đắng quá sớm lại không có điều kiện kinh tế, không muốn người thân biết nên nhiều em khi biết mình có thai đã nhảy dây, tập thể dục cường độ nặng, ăn nhiều đu đủ xanh, uống nước rau ngót sống với mong muốn thai sẽ tự chui ra.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của kiểu phá thai trên đều phải vào viện.
Giới trẻ thiếu kiến thức đã vậy, còn mới đây, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân từ Chương Mỹ trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp 80/50mmHg, lơ mơ, âm đạo ra nhiều máu loãng lẫn máu cục với chẩn đoán băng huyết do bệnh nhân phá thai bằng thuốc 1 tháng.
Xác định đây là 1 ca cấp cứu rất nặng, bệnh nhân mất nhiều máu và đang rơi vào tình trạng sốc mất máu, các bác sĩ sản khoa đã hồi sức tích cực để duy trì huyết áp, giảm đau để nạo buồng tử cung cầm máu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, máu vẫn chảy nhiều, tử cung co hồi kém nên để bảo toàn tính mạng, bác sĩ đã bàn với gia đình cắt tử cung để cầm máu.
Qua theo dõi hồ sơ bệnh án, bệnh nhân từng mổ đẻ hai lần và tiếp tục dính bầu. Bệnh nhân tự mua thuốc phá thai về uống, sau đó không đi khám lại.
Theo nhận định của bác sĩ sản, có thể đây là trường hợp chửa trên nền vết mổ cũ, khi thai sảy mới gây chảy máu nhiều và dữ dội. May mắn, bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, bệnh viện có đầy đủ thuốc, phương tiện.
Phá thai: Thủ thuật nào cũng do bác sĩ thực hiện
Vài năm trở lại đây, chị em có thêm lựa chọn mỗi khi muốn dừng thai kỳ là dùng thuốc thay vì nạo hút như trước kia. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng dùng được thuốc và dùng thuốc không có nghĩa là không phải nạo hút.
Bác sĩ sản khoa Trần Kim Phượng cho biết: Nạo thai là việc làm khó vì nếu không khai thác hết tiền sử của bệnh nhân, tay nghề không vững thì ngay cả với phương pháp truyền thống cũng dễ để lại hậu quả với người bệnh. Nhẹ thì viêm nhiễm sau nạo hút, nặng hơn là chảy máu, thậm chí vô sinh.
Do vậy, với người sinh thường, sau phá thai cần kiểm tra lại xem còn sót không, dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề đúng chỉ định.
Người có sẹo tử cung lại càng phải cẩn thận hơn bởi trong quá trình bỏ thai dễ chạm vào vết mổ cũ gây chảy máu, thủng… nếu không phát hiện kịp thời sẽ chảy máu ồ ạt.
Với phương pháp phá thai bằng thuốc, bác sĩ cũng phải tùy theo tiền sử bệnh, cơ địa mỗi người mới có chỉ định. Nếu phù hợp, ngoài việc uống thuốc theo hướng dẫn cũng phải đến cơ sở y tế để kiểm tra xem thai ra chưa. Nếu chưa thì áp dụng phương pháp bỏ thai truyền thống.
Nói như vậy để thấy rằng nạo phá thai dù bằng thuốc là việc làm không đơn giản. Bởi cũng như nhiều thuốc khác, thuốc phá thai có thể gây dị ứng đối với những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc hay gây ra các tác dụng phụ như đau bụng kéo dài, buồn nôn, sốt, ớn lạnh, băng huyết, rong huyết… trong quá trình sảy thai.
Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như thai chết lưu, viêm nhiễm, xuất huyết, nhiễm trùng tử cung.
Đây là lý do thuốc phá thai chỉ được phép lưu hành và được kê đơn tại các cơ sở được cấp phép và nhất thiết phải uống thuốc dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Chị em đừng vì ngại ngùng hay vì cái lợi trước mắt mà tự làm bác sĩ cho mình.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp phá thai không an toàn đã bị vô sinh vĩnh viễn hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân đến từ Chương Mỹ kể trên là minh chứng điển hình cho việc tự phá thai ở nhà.
Tuy nhiên, bệnh nhân này đã gặp may còn với người khác, sẽ ra sao nếu may mắn không mỉm cười?
>> Xem thêm: Phá thai bằng thuốc: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!