Điều trị ung thư vòm họng thường phối hợp giữa xạ trị và hóa trị liệu nên có rất nhiều tác dụng phụ cho hệ tạo huyết và các cơ quan khác. Chỉ có khoảng 60% bệnh nhân là có thể hoàn thành quá trình hóa – xạ trị và 50% số đó tiếp tục hoàn thành tiếp được lộ trình hóa trị bổ trợ do các tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ của hóa trị liệu thường là:
1. Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa
+ Buồn nôn, nôn, chán ăn:
Dấu hiệu chán ăn, buồn nôn xảy ra ở hầu hết các trường hợp, tăng dần trong lộ trình hóa-xạ trị. Nhiều khi nôn liên tục, nôn ra nước vàng đắng (dịch mật), không thể ăn uống, thậm chí nghe hoặc nói đến ăn là đã nôn, buồn nôn.
+ Viêm loét niêm mạc miệng:
Biến chứng viêm loét niêm mạc miệng, họng thường xảy ra sau tuần đầu điều trị, mức độ thay đổi từ viêm đau miệng nhẹ không có tổn thương đến viêm đau và loét nặng ảnh hưởng đến khả năng ăn uống.
+ Ỉa chảy:
Thường xảy ra ở bệnh nhân có hóa trị bằng 5-FU gây tổn thương cấp tính cho niêm mạc ruột dẫn đến mất lớp biểu mô ruột, số lượng dịch bài tiết thường không nhiều nhưng có thể rất nhiều lần trong ngày gây suy kiệt, mất nước.
Khi hóa trị liệu ung thư, người bệnh sẽ gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn (Ảnh: Internet)
2. Ảnh hưởng trên hệ thống tạo huyết
+ Suy tủy xương:
Triệu chứng thường gặp là thiếu máu, giảm số lượng các tế bào máu ngoại vi nhất là bạch cầu hạt và tiểu cầu gây biến chứng chảy máu, nhiễm trùng do giảm khả năng đề kháng.
+ Rối loạn huyết học:
Gây giảm thành phần magie, natri, kali trong máu, thay đổi tăng hoặc giảm canxi huyết, giảm các yếu tố đông máu….
3. Các cơ quan khác
+ Điển hình là rụng tóc xảy ra sau 3-4 đợt hóa trị liệu, tóc phần lớn sẽ mọc lại sau khi ngừng liệu trình hóa chất từ 4 – 5 tháng sau, đôi khi cũng có trường hợp không xảy ra rụng tóc.
+ Hóa trị liệu ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, tùy theo mức độ mà có các biểu hiện nặng nhẹ khác nhau, cơ quan tổ chức nào phân chia càng nhanh, càng chịu tác động mạnh của hoá chất và sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư vòm họng
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!