Mặc dù nạo phá thai chỉ là một thủ thuật đơn giản của sản khoa, nhưng thủ thuật này dễ dẫn đến các tai biến sót thai, sót nhau, nhiễm khuẩn, chấn thương tâm lý, nhiễm khuẩn gây viêm dính buồng tử cung dẫn đến vô sinh... Vì vậy, nạo hút thai cần thực hiện ở các tuyến y tế có đủ điều kiện, nhằm giảm các tai biến có thể xảy ra.
Có thể xảy ra tai biến
Phương pháp nạo hút thai hiện nay đã có những cải tiến, tuy vậy vẫn không tránh được việc phải dùng dụng cụ nong bằng kim loại để nong rộng cổ tử cung; dùng que kim loại để dò hướng khoang tử cung và đo độ dài khoang tử cung; dùng ống hút bằng kim loại để hút phôi thai và đế cuống rốn; cuối cùng phải dùng muôi nạo bằng kim loại để nạo sạch khoang tử cung. Từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc đều phải dùng dụng cụ bằng kim loại đưa vào đưa ra, vì vậy có khả năng làm xước tử cung, thậm chí có thể làm thủng cổ tử cung.
Đối với tai biến đặc trưng của phá thai nội khoa (uống thuốc) có thể xảy ra là: thất bại của thuốc phá thai nên vẫn phải hút lại buồng tử cung; sảy thai không hoàn toàn cũng bắt buộc phải hút lại buồng tử cung tránh băng huyết và nhiễm khuẩn; băng huyết; nhiễm khuẩn tử cung.
Chăm sóc sức khỏe sau khi nạo hút thai
Sau khi nạo hút thai tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ yêu cầu nghỉ ngơi tại chỗ (cơ sở y tế) từ 1 - 6 giờ. Bạn có thể có ra máu âm đạo và đau bụng dưới giống như đau bụng khi có kinh nguyệt như vậy là bình thường. Khi đó bạn cần dùng băng vệ sinh hoặc khăn vải xô để thấm máu như máu kinh bình thường. Sau khi về cần uống thuốc theo đơn và tái khám đúng lịch của bác sĩ.
Cần vệ sinh thân thể và bộ phận sinh dục bằng nước ấm sạch. Có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ có nguồn gốc từ thảo dược, dịu nhẹ. Thay băng vệ sinh ít nhất từ 3 đến 4 lần trong một ngày (sáng, trưa, chiều và buổi tối trước khi đi ngủ). Không được thụt rửa âm đạo hoặc cho bất cứ vật gì vào âm đạo.
Không quan hệ tình dục đến khi hết ra máu âm đạo (ít nhất là 2 - 3 tuần sau nạo hút thai). Cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng từ 2 - 4 tuần. Cần ăn uống bồi dưỡng bồi bổ lại sức khỏe, không phải ăn kiêng.
Khi có biểu hiện bất thường như: Đau nhiều ở bụng dưới, đau cơ, bụng ấn đau. Bị sốt hoặc thấy ớn lạnh. Ra máu nhiều (nhiều hơn ra máu kinh bình thường), kéo dài hơn 10 ngày. Âm đạo tiết ra nhiều khí hư có mùi hôi,… cần đến cơ sở y tế khám ngay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!