Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh viêm nấm miệng (P2)

Chăm sóc răng miệng - 04/26/2024

Hello BACSI - Làm thế nào để phát hiện bệnh nấm miệng? Bệnh nấm miệng có thể điều trị thế nào? Những biến chứng thường gặp và phương pháp phòng tránh.

Ở phần 1, bạn đã tìm hiểu về triệu chứng, biểu hiện và nguyên nhân của bệnh nấm miệng. Trong phần tiếp theo, mời bạn cùng theo dõi các cách chẩn đoán và chữa trị hiệu quả.

Làm thế nào để phát hiện bệnh nấm miệng?

Bằng các phương pháp kiểm tra miệng và lưỡi đơn giản, các bác sĩ có thể phát hiện ra bạn có mắc bệnh nấm miệng hay không nhờ vào những vết bợn trắng xuất hiện trong khoang miệng.

Trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết để kiểm tra bạn có nhiễm nấm không. Mẫu sinh thiết cạo đi một phần nhỏ vết bợn trắng trong miệng. Sau đó, mẫu này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm, và người ta sẽ tìm xem có sự hiện diện của Candida albicans hay không.

Nếu thực quản của bạn bị nhiễm nấm, các bác sĩ sẽ phải tiến hành nhiều thủ thuật hơn để chẩn đoán chính xác. Có thể họ sẽ nội soi và nuôi cấy vi sinh vùng họng.

Trong quá trình nuôi cấy, bác sĩ sẽ sử dụng một tăm bông để lấy ra một mẫu mô ở sau họng. Mẫu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Đối với nội soi, các bác sĩ sử dụng một ống soi có gắn đèn và camera đưa vào sâu trong miệng và thực quản để kiểm tra vùng bị viêm nhiễm. Sau đó, họ có thể lấy một ít mẫu mô để nghiên cứu.

Bệnh nấm miệng có thể điều trị thế nào?

Phương pháp điều trị bệnh nấm miệng phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn. Mục đích của việc điều trị này là để ngăn ngừa sự phát triển và lan rộng của nấm.

Các loại thuốc dùng cho việc điều trị bao gồm:

  • Thuốc chống nấm dạng uống fluconazole;
  • Thuốc chống nấm dạng ngậm clotrimazole lozenge;
  • Nước súc miệng nystatin, sau khi súc miệng, bạn sẽ uống thuốc kháng nấm itraconazole (thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân kháng trị với các phương pháp ban đầu hay bệnh nhân HIV, AIDS);
  • Thuốc amphotericin B dùng trong trường hợp nhiễm nấm nặng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà theo hướng dẫn dưới đây:

  • Dùng bàn chải mềm để chải răng, tránh gây đau những chỗ đang bị thương tổn;
  • Thay bàn chải mỗi ngày cho đến khi bạn hết nhiễm nấm;
  • Không sử dụng nước súc miệng hay xịt thơm miệng thông thường;
  • Súc miệng bằng dung dịch nước muối pha loãng mỗi ngày;
  • Duy trì lượng đường trong máu ổn định nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường;
  • Ăn sữa chua không đường để bổ sung và cung cấp thêm vi khuẩn có lợi.

Nếu bạn đang trong giai đoạn cho con bú, cả mẹ và con nên được điều trị để tránh tái nhiễm. Những phương pháp điều trị cho những trường hợp này bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống nấm dành cho trẻ và bôi kem chống nấm lên ngực của người mẹ;
  • Súc rửa núm vú giả, bình vắt sữa và tất cả những dụng cụ lấy sữa trong dung dịch pha nước và giấm theo tỉ lệ 1:1, sau đó sấy khô;
  • Sử dụng gạc y tế để ngăn ngừa lây nhiễm nấm sang quần áo;
  • Khi bạn điều trị, bệnh nấm miệng thường sẽ biến mất sau 2 tuần.

Tuy nhiên, nấm có thể nhiễm lại trong tương lai. Một liệu trình điều trị đầy đủ sẽ mang lại kết quả chắc chắn nếu bạn có sức đề kháng mạnh và miễn nhiễm với các bệnh khác.

Những biến chứng thường gặp của bệnh nấm miệng

Bệnh nấm miệng hiếm khi gây ra các biến chứng nguy hiểm ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bị một số bệnh tấn công hay do thuốc phần lớn sẽ phải trải qua những biến chứng nghiêm trọng. Nếu bạn bị suy yếu hệ miễn dịch, nấm có thể xâm nhập vào đường máu và lây lan ra toàn bộ cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề đối với não, tim và gan.

Trẻ sơ sinh bị nấm miệng còn có thể bị chứng hăm tả trầm trọng.

Những phương pháp phòng tránh nấm miệng

Bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc viêm nấm miệng nếu tuân thủ những thói quen đơn giản sau đây:

  • Tập thói quen giữ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày;
  • Bạn cùng nên dùng chỉ nha khoa mỗi ngày. Việc này càng trở nên quan trọng nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc đeo răng giả;
  • Rửa sạch miệng sau khi dùng xịt mũi chứa chất corticosteroid;
  • Ăn bổ sung sữa chua ngay khi uống thuốc kháng sinh kê đơn.
  • Không nên trì hoãn việc điều trị viêm nấm âm đạo, đặc biệt là khi bạn đang mang thai.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!