Thạch vĩ đằng còn có tên khác là thòng bong, bòng bong, tên khoa học: Lygodium japonicum (Thunb.) Sw... Cây mọc leo, thân mảnh và cứng, màu nâu nhạt, phân nhánh chằng chịt vào nhau như mớ bòng bong. Lá dài luôn luôn xanh, mọc đối, xẻ 2-3 lần lông chim; lá chét nhỏ mọc so le và tận cùng là lá chét hình mác. Lá chét sinh sản mang túi bào tử ở dưới mép lá, trông như răng ưa nhọn.Túi bào tử mang nhiều bào tử hình 4 mặt màu trắng xám hay vàng nhạt gọi là Hải kim sa. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất (dây bòng bong) và bào tử (hải kim sa).
Theo Đông y, hải kim sa có vị ngọt, tính hàn; vào các kinh tiểu trường và bàng quang. Có tác dụng lợi niệu; ngoài ra có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Dây bòng bong có tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt hơn hải kim sa; nhưng tác dụng lợi niệu kém hơn. Liều dùng: 12 - 63g. Dây bòng bong: 20 - 63g.
Thạch vĩ đằng (bòng bong) thanh nhiệt, lợi niệu, trị sỏi niệu.
Cách dùng thạch vĩ đằng làm thuốc:
Lợi niệu thông lâm: trị tiểu ít, tiểu đỏ, tiểu có nhớt, có sỏi, tiểu đau buốt.
Bài 1: Lá bòng bong 15 – 30g. Sắc uống trong ngày. Dùng lợi tiểu chữa tiểu buốt, rắt. Có thể kết hợp với rễ cỏ tranh 20g.
Bài 2: hải kim sa 63g, hoạt thạch 63g, cam thảo cành 12g. Nghiền thành bột. Mỗi lần uống 8g bột, uống bằng nước sắc mạch môn đông 20g, đăng tâm thảo 10g. Trị chứng lâm, tiểu rắt, buốt.
Bài 3: hải kim sa 63g, hoạt thạch 20g, bạch mao căn 20g, kim tiền thảo 80g, cây mã đề 12g. Sắc uống. Trị tiểu nhỏ giọt, tắc do sỏi niệu đạo.
Bài thạch, thông lâm, làm tan sỏi niệu:
Bài 1: bòng bong 40g, kim tiền thảo 40g, ý dĩ 20g, hoạt thạch 20g, miết giáp 12g, thương truật 12g, hạ khô thảo 12g, bạch chỉ 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
Bài 2: bòng bong 20g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20g, hoạt thạch 20g, xa tiền tử 12g, đông quỳ tử 12g, ngưu tất 12g, chỉ xác 12g, hậu phác 12g, vương bất lưu hành 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
Bài 3: bòng bong 30g, hoạt thạch 30g, bạch mao căn 20g, kim tiền thảo 60g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
Hệ thống tiết niệu.
Thạch vĩ đằng còn được dùng làm thuốc trị các chứng:
Trị viêm vòm miệng do nấm: dây bòng bong 63g, rễ mã lam 63g. Sắc uống.
Trị viêm tuyến vú: hải kim sa 30 - 63g. Sắc bằng rượu loãng để uống.
Chữa bỏng nước, bỏng lửa: dây bòng bong sao tồn tính; nghiền thành bột mịn; lấy dầu vừng trộn đều, bôi vào chỗ bị bỏng.
Trị lên sởi nổi mụn: dây bòng bong tươi giã nát; đắp vào chỗ đau, mỗi ngày 2 lần.
Trị giun móc: hải kim sa, ké đầu ngựa, nhân trần, phèn chua, phèn sắt, phèn đồng, thục địa với liều lượng như nhau. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần (sáng, tối), mỗi lần 12g, chiêu với nước đun sôi.
Kiêng kỵ: Người âm hư không bị thấp cấm uống.
TS. Nguyễn Đức Quang
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!