Ngộ độc thai nghén (sản giật) là một cấp cứu sản khoa, sản phụ những tháng cuối lên cơn co giật, huyết áp tăng đột biến đe dọa tính mạng của cả mẹ và con, hiện tượng co giật sẽ hết sau khi khối thai ra khỏi tử cung người mẹ.
Bà bầu cần đề phòng các cơn tiền sản giật giai đoạn cuối của thai kỳ (Ảnh minh họa: Internet)
1. Triệu chứng lâm sàng cơn sản giật
Cơn sản giật điển hình có 4 giai đoạn: Xâm nhiễm, giật cứng, giãn cách và hôn mê.
Giai đoạn xâm nhiễm: Xuất hiện những cơn kích thích ở mặt, cổ là chủ yếu, không lan tới tay, nét mặt nhăn nhúm, hai mắt hấp háy.
Giai đoạn giật cứng:Các cơ toàn thân co giật cứng, thân uốn cong và co cứng. Co thắt cơ thanh quản làm cho bệnh nhân thở rít lên, tình trạng ngạt thở làm bệnh nhân tím tái, tay giật như người đánh trống, lưỡi thè ra thụt vào nên dễ cắn phải lưỡi, nhãn cầu đảo đi đảo lại.
Giai đoạn giãn cách:Sau cơn co giật toàn thân, bệnh nhân thở vào được một hơi dài, tình trạng thiếu oxy tạm thời chấm dứt, nhưng sau đó lại có những cơn kích động, nét mặt lại nhăn nhúm, lưỡi thè ra thụt vào rồi chuyển sang giai đoạn hôn mê.
Giai đoạn hôn mê:Tuỳ theo tình trạng của bệnh nặng hay nhẹ mà xuất hiện hôn mê nông hay hôn mê sâu. Bệnh nhân mất tri giác, đồng tử giãn, tiểu tiện không tự chủ và có thể chết trong tình trạng hôn mê kéo dài, trong khi hôn mê vẫn có thể xuất hiện những cơn giật.
Ở bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật) với các triệu chứng: Phù, tăng huyết áp, protein niệu… tự nhiên xuất hiện các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn phải được điều trị kịp thời, ngăn chặn cơn sản giật.
Nếu thai đã đủ tháng cần chủ động mổ lấy thai sau khi cắt được cơn sản giật (Ảnh minh họa: Internet)
2. Phác đồ xử trí tiền sản giật và sản giật
Nếu thai chưa đủ tháng, chưa có dấu hiệu chuyển dạ: Điều trị nội khoa tích cực, sau 5 - 7 ngày nếu các triệu chứng không thuyên giảm phải chủ động lấy thai ra để cứu mẹ, không ưu tiên sự sống của thai nhi. Nếu điều trị nội khoa có kết quả tốt, có thể giữ thai cho tới khi đủ tháng nhưng phải theo dõi chặt chẽ, sau khi cắt cơn sản giật, nếu thai sống chủ động mổ lấy thai.
Nếu thai đã đủ tháng cần chủ động mổ lấy thai sau khi cắt được cơn sản giật. Việc mổ lấy thai trong cơn sản giật là một việc bất đắc dĩ vì tiên lượng xấu, nguy hiểm cho cả mẹ và con.
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!