Thận trọng với sốt xuất huyết khi mang thai

Làm mẹ - 11/24/2024

Mọi người đều có thể mắc sốt xuất huyết Dengue, trong nhiều trường hợp có biểu hiện giống cúm nhẹ và một số trường hợp biểu hiện nặng.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

Thai phụ nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần nhập viện theo dõi

Biểu hiện sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai rất khó lường. Do vậy, khi đang có thai mà mắc sốt xuất huyết, cần nhập viện điều trị ngay. Bệnh diễn biến nhanh và đa dạng gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt:Sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Có thể chảy máu dưới da, chân răng, chảy máu cam. Mệt nhiều.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt, có thể có các biểu hiện sau: vật vã hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kẹt, tiểu ít. Xuất huyết dưới da. Xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, ra máu âm đạo bất thường. Cận lâm sàng: máu cô đặc, tiểu cầu giảm, men gan tăng. Trong trường hợp nặng, rối loạn đông máu.

Giai đoạn hồi phục: Sau 1 - 2 ngày của giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định, tiểu nhiều.

Vì vậy, thai phụ cần cẩn trọng hơn, đi khám bệnh ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm siêu vi. Việc dùng thuốc trong thai kỳ cũng rất nghiêm ngặt nên nhất thiết thai phụ phải đến gặp bác sĩ, không tự mua thuốc uống.

Thận trọng với sốt xuất huyết khi mang thai

Dấu hiệu và triệu chứng sốt xuất huyết.

Cách nhận biết mức độ nguy hiểm

Sốt xuất huyết Dengue có 3 mức độ:

Ở mức độ nhẹ (sốt xuất huyết Dengue): có thể có các dấu hiệu như sốt, da sung huyết, phát ban.

Ở mức độ vừa (sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo): Phụ nữ có thai có sốt xuất huyết Dengue phải được nhập viện khi có các dấu hiệu sau: vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít...

Xét nghiệm: Máu cô đặc, tiểu cầu giảm nhanh.

Ở mức nặng (sốt xuất huyết Dengue nặng): Bệnh nhân có sốt xuất huyết Dengue nặng phải nhập viện điều trị tích cực khi có các triệu chứng sau: Bệnh nhân sốc: vật vã, li bì, lạnh đầu chi, da ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, kẹt. Xuất huyết nặng: chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa, chảy máu âm đạo... Suy tạng.

Ngoài các dấu hiệu trên, phụ nữ có thai phải lưu ý thêm các dấu hiệu: thai ít máy, ra máu âm đạo, đau bụng cơn và bụng co cứng liên tục, đau dữ dội có thể triệu chứng của suy thai, rau bong non, sinh non, trẻ sinh nhẹ cân. Trong lúc chuyển dạ trẻ có thể bị suy thai cấp, khi người mẹ có chỉ định sinh mổ thì có nguy có chảy máu nặng đe dọa đến tính mạng.

Không có bằng chứng khoa học có sự truyền virut Dengue từ mẹ sang con khi trong bào thai khi chưa có chuyển dạ.

Trong lúc chuyển dạ, mẹ bị sốt xuất huyết Dengue có thể em bé sẽ bị sốt trong 1-2 tuần tuổi, điều đó rất khó khăn để điều trị. Những dấu hiệu cần chú ý với em bé như sau: sốt cao từ 40 độ trở lên hoặc hạ nhiệt độ dưới 36 độ, cáu gắt, kích động hoặc li bì, bỏ bú, phát ban.

Về điều trị

Do không có vắc-xin dự phòng sốt xuất huyết Dengue cho phụ nữ mang thai và không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh thai phụ cần đi khám để có chỉ định điều trị. Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi trong vòng vài ngày và có thể điều trị, theo dõi bệnh tại nhà. Điều trị sốt xuất huyết Dengue vừa và nặng phải được điều trị ở bệnh viện chuyên khoa lây hoặc khoa hồi sức có kết hợp với sản khoa.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thai phụ nếu mắc bệnh này sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Do tác động của tình trạng sốt cao và rối loạn đông máu, thai có nguy cơ bị sẩy, chết lưu trong giai đoạn đầu. Nếu bệnh ở cuối thai kỳ và trong khi chuyển dạ, có thể gây xuất huyết nhiều, tử vong cho cả mẹ lẫn con.

Bệnh này cũng dễ bị chẩn đoán nhầm với tình trạng nhiễm virut thông thường, nhất là ở thai phụ đã có sẵn tình trạng pha loãng máu sinh lý nên rất khó phát hiện thông qua xét nghiệm tình trạng đông máu.

Vì vậy, thai phụ cần cẩn trọng hơn, đi khám bệnh ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virut. Việc dùng thuốc trong thai kỳ cũng rất nghiêm ngặt nên nhất thiết thai phụ phải đến gặp bác sĩ, không tự mua thuốc uống. Dưỡng bệnh đúng cách, kỹ lưỡng cũng là cách bạn hạn chế những nguy cơ cho mình và con.

Trên hết, thai phụ cần giữ tâm trạng bình tĩnh, không quá lo lắng, tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc trị bệnh sốt xuất huyết lẫn thầy thuốc theo dõi thai. Nếu đã gần kỳ sinh nở mà đang bệnh, nên sắp xếp để đi sinh tại bệnh viện phụ sản lớn, bệnh viện tuyến tỉnh - nơi có đầy đủ phương tiện và nhân lực để ứng phó với các tình huống xấu.

Tốt nhất nên chủ động phòng bệnh trong mùa mưa, vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ màn kể cả ban ngày, khai quang môi trường, không để nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh đẻ...

Khi bị sốt xuất huyết, không tự truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ. Không dùng các thuốc hạ sốt khác không phải paracetamol (nếu dùng phải hỏi bác sĩ). Cần theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây và có sự kết hợp chuyên môn của bác sĩ sản khoa. Sốt xuất huyết khi chuyển dạ là cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ băng huyết sau sinh và có thể tử vong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!