Kỷ lục Guinnesss về bệnh đái tháo đường týp 2
Trang tin y học Medscape.com (MSC) của Mỹ số ra mới đây cho hay, năm 2014, một bé gái da trắng 3 tuổi người Texas, Mỹ (giấu tên) đã xô đổ mọi kỷ lục, trở thành bệnh nhân bệnh ĐTĐ týp 2 trẻ nhất thế giới xưa và nay sau khi trọng lượng tăng vọt 75 pound (34kg).
Bé gái đã được nhận vào điều trị sau khi bị khát và đi tiểu nhiều, đây là dấu hiệu khởi phát của căn bệnh ĐTĐ týp 2. Cả cha mẹ em đều béo phì, và qua điều tra cho thấy chế độ ăn uống của bé rất giàu chất béo và đường.
Thông tin về ca bệnh nói trên do bác sĩ Michael Yafi, MD, trưởng khoa nội tiết nhi thuộc Trung tâm Y khoa, Đại học Texas (UTSC), Mỹ, công bố tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh ĐTĐ châu Âu (EASD) tổ chức hồi tháng 9/2015.
Cũng trong hội nghị, nhiều bản tham luận được trình bày nói về nguy cơ gia tăng bệnh ĐTĐ týp 2 ở nhóm trẻ nhỏ, gọi tắt là bệnh MODY.
Trong phần thảo luận do nữ tiến sĩ Tiinamaija Tuomi, trưởng bộ môn nội tiết học, Đại học Helsinki, Phần Lan, chủ trì, đề cập tới nhiều giải pháp cho căn bệnh MODY.
Theo bác sĩ Michael Yafi, bé gái 3 tuổi nói trên được khám và điều trị bệnh béo phì tại UTSC. Trước khi được khám, bé không ốm yếu nhưng lại xuất hiện tình trạng khát và đi tiểu nhiều.
Khám tiếp, cho thấy glucose huyết tương lúc đói là 230mg/dL (12,6mmol/L) và HbA1c là 7,2%, C-peptide dương tính (6,9ng/mL), âm tính kháng thể tế bào tiểu đảo, điều này chứng tỏ bé gái đã mắc bệnh ĐTĐ týp 2.
Bác sĩ đã khuyến cáo gia đình nên thay đổi lối sống cho con, đặc biệt, được kê đơn dùng metformin dạng lỏng. Nhờ thuốc, trọng lượng giảm được 25% sau 6 tháng điều trị, đường huyết trở về bình thường, còn HbA1c giảm xuống 5,3%.
Theo thông tin công bố trên tạp chí Medscape Medical News, mặc dù 40% trẻ em Texas được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ týp 2, nhưng trường hợp nói trên quả là “xưa nay hiếm”. Điều này cho thấy, béo phì là thủ phạm nặng ký làm “trẻ hóa” bệnh ĐTĐ týp 2.
Liệu pháp dùng metformin dạng lỏng phát huy rất tốt ở nhóm bệnh nhân nhỏ tuổi. Đây là cách điều trị mới mẻ, ít người nghĩ tới và kết hợp với thay đổi lối sống sẽ giúp trẻ khỏe mạnh. Trước trường hợp nói trên, một cậu bé hai tuổi rưỡi người Ả-rập Xê-út cũng đã được phẫu thuật cắt dạ dày để giảm béo phì và ngừa bệnh ĐTĐ, tuy thời điểm phẫu thuật em chưa mắc bệnh.
ĐTĐ týp 2 là do cơ thể dần dần mất khả năng sản xuất insulin, và dung nạp glucoza cao, được gọi ĐTĐ “khởi phát”, thường gặp ở nhóm trung cao tuổi, hiếm khi ở người trẻ tuổi, nhất là trẻ nhỏ.
Tuy đã qua thảo luận song các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết vì sao bé gái này phát bệnh rất sớm, vì gia đình em không có ai mắc bệnh, rất có thể là do các đột biến từ nguyên bào (de novo mutations). Nếu vừa béo phì lại có các đột biến từ nguyên bào thì rủi ro mắc bệnh sẽ tăng cao. Theo nữ tiến sĩ Tiinamaija Tuomi việc biết nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ ở trẻ em rất quan trọng, ngoài điều trị nó còn giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn khi sàng lọc, chi phí này tại Mỹ có giá từ 2.000 đến 3.000 USD.
Những điều cần biết khi trẻ nhỏ bị ĐTĐ týp 2
Theo các chuyên gia ở Bệnh viện Mayo Clinic, Mỹ (MC), ĐTĐ týp 2 ở trẻ em thường phát triển âm thầm, tăng dần đều. Khoảng 40% trẻ mắc bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng lộ ra ngoài, chỉ phát hiện tình cờ qua các cuộc khám sức khỏe định kỳ, với các dấu hiệu phổ biến như:
- Khát nước và đi tiểu thường xuyên, do có quá nhiều đường tích tụ trong máu, nó sẽ rút hết chất lỏng ra khỏi mô dẫn đến khát, uống nhiều, đi tiểu nhiều hơn mức bình thường.
- Giảm cân do năng lượng từ đường không còn nên việc tích mô cơ và mỡ bị giảm. Riêng trẻ bị bệnh ĐTĐ týp 2 giảm cân ít hơn so với nhóm bị ĐTĐ týp 1.
- Mệt mỏi và ủ rũ do đường trong tế bào bị mất.
- Mờ mắt do đường trong máu quá cao và suy giảm thị lực.
Nhiễm trùng thường xuyên, lâu khỏi, đây là tác dụng phụ bất lợi nhất của bệnh ĐTĐ týp 2.
Cho đến nay nguyên nhân đích thực của bệnh ĐTĐ týp 2 vẫn chưa hiểu hết, nhưng tiền sử, di truyền, ít vận động, thừa cân, béo phì, nhất là béo bụng được xem là yếu tố tiềm ẩn.
Như trên đã đề cập, ĐTĐ týp 2 là do xử lý glucose không đúng cách, đường tích tụ trong máu thay vì làm năng lượng cho tế bào, giúp cơ bắp và mô hoạt động. Nói cụ thể hơn, khi thức ăn đi vào, đường không đi nuôi tế bào lại tông thẳng vào máu.
Thông thường, để chuyển hóa đường từ máu đến tế bào, cơ thể cần đến một lượng hormone insulin do tuyến tụy nằm phía sau dạ dày sản xuất. Tuyến tụy bài tiết insulin ngay sau khi bữa ăn kết thúc.
Khi insulin hoạt hóa nó giúp điều tiết đường, đưa đến tế bào, cân bằng đường trong máu và khi đường huyết hạ thì quá trình bài tiết insulin của tuyến tụy cũng giảm theo. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, cơ thể kháng insulin hoặc do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin cần thiết, làm đường huyết tăng, quá trình này gây ra hàng loạt bất lợi nan y cho con người.
Các bác sĩ vẫn chưa hiểu hết tại sao có trẻ bị bệnh ĐTĐ týp 2, trong khi đó những đứa trẻ khác lại không, mặc dù chúng cùng có các yếu tố “phơi nhiễm” giống nhau.
Tuy nhiên, đến nay y học đã xác định được các yếu tố tăng bệnh như thừa cân, béo phì, nhất là béo bụng làm cho các tế bào cơ thể kháng insulin. Mối liên quan giữa bệnh béo phì và ĐTĐ týp 2 ở trẻ nhỏ còn lớn hơn so với người lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến các lý do khác như ngại vận động, nằm nhiều, ngồi nhiều..., làm cho việc tích mỡ tăng.
Tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh. Yếu tố tuổi tác và giới tính, nhất là ở đoạn đầu khi dậy thì, bé gái vị thành niên có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn là các bé trai. Trọng lượng sơ sinh và ĐTĐ thai nghén cũng là nguyên nhân không thể xem thường, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị ĐTĐ týp 2 cao hơn nhóm bình thường.
Bệnh ĐTĐ týp 2 có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể, gồm các mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Các biến chứng dài kỳ thường âm thầm trước khi lộ mặt.
Phổ biến như: cao huyết áp, cholesterol cao, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh thận, mù lòa, cụt chi và các chứng bệnh về da.
Theo MC, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu trên cần đưa đi khám sớm, nhất là nhóm có rủi ro cao như béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn làm các xét nghiệm cần thiết và dùng thuốc, kèm theo các tư vấn. Duy trì mức đường huyết ổn định, sát với ngưỡng bình thường sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và giảm đáng kể các biến có thể xảy ra.
Ăn uống cân bằng, năng luyện tập và dùng thuốc là cách tốt nhất để kiểm soát bệnh ĐTĐ, kể cả trẻ em lẫn người lớn.
(Theo MSC/MCO- 8/2017)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!