Thích thịt hơn rau: Từ quan điểm đến đời sống thực

Điều cần biết - 11/24/2024

Xã hội hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều những ‘căn bệnh của cuộc sống hiện đại’, hệ quả của lối sống không lành mạnh, một trong số đó chính là thói quen ăn nhiều thịt.

“Giữa thịt và rau: Chọn thịt?!”. Khi đưa ra câu hỏi này, hẳn không ít người có cùng câu trả lời là THỊT. Vậy THỊT là gì mà có sức hấp dẫn đến vậy?

Sự nguy hiểm của ‘thích thịt hơn rau’ (Nguồn: Ttvn.vn)

Ăn gì bổ nấy có đúng?

Đối với một số nước phương đông, quan niệm ăn gì bổ nấy đã ăn sâu vào suy nghĩ nhiều thế hệ. Qua thời gian, chúng mặc nhiên trở thành đúng và được nhiều người áp dụng: có thể kể tới như: ăn não bổ não, ăn gan bổ gan, ăn chân giò lợi sữa…

Nhưng thực sự, những thông tin kiểu ‘ưa kinh nghiệm truyền tai hơn là chứng cứ khoa học” đã khiến nhiều người có cái nhìn sai lầm, khiến cơ thể mắc bệnh. Có thể kể tới 3 trong số đó như:

Ăn gan lợn bổ gan: Gan tập trung nhiều cặn bã, ký sinh trùng, sán, thậm chí là mầm bệnh, nên không thực sự tốt như nhiều người nghĩ, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mới ốm dậy.

Ruột già/non tốt cho đường ruột: ruột chứa nhiều protein và cholesterol, không hợp với người bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa. Bộ phận này chứa nhiều giun sán, do đó tiềm ẩn nguy hiểm nếu ăn khi chưa chín.

Tiết canh (máu sống) bổ máu: Thực sự tiết không ‘lợi máu’ như nhiều người tưởng, nếu không muốn nói nó chẳng có chút lợi ích nào. Đã có không ít trường hợp nhiễm ấu trùng sán, viêm màng não vì ăn món khoái khẩu này.

Thích thịt hơn rau: Từ quan điểm đến đời sống thực

Nhiều người nghiện tiết canh bất chấp mọi cảnh báo về sức khỏe (Ảnh minh họa)

Ăn nhiều thịt vì cuộc sống đầy đủ?

Cuộc sống thời gian trước khó khăn đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Do đó một bộ phận nghĩ cần phải ‘ăn cho đã’, bù lại ‘quá khứ thiếu thốn’ khi xưa. Họ ăn nhiều thịt, thưởng thức mọi thứ được coi là bổ béo nhất, nhiều chất nhất để ‘đỡ phí 1 đời”.

Thêm vào đó là tư tưởng, bữa cơm nhiều thịt mới ‘đủ chất’, thể hiện cuộc sống no đủ. Chẳng vậy mà dân gian có câu ‘Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, mỗi khi nhà có giỗ đám là xuất hiện những mâm cỗ đầy ứ các món từ thịt, với nhiều loại thịt và nhiều cách chế biến khác nhau. Điều đó dẫn đến thực trạng tăng cân không kiểm soát sau mỗi kỳ nghỉ, và cảm giác “cứ nhìn thấy thịt là sợ” của không ít người.

“Rau không cung cấp đủ chất”

Quan niệm ăn rau sẽ không đủ dưỡng chất cho cơ thể khiến nhiều người giảm khẩu phần rau trong bữa ăn xuống lượng ít nhất có thể. Tuy nhiên, họ chưa biết rằng, có nhiều loại rau củ giàu đạm không hề kém thịt, trứng hay sữa. Có thể kể đến như:

Bông cải xanh (súp lơ xanh) chứa lượng lớn sulfur, giúp ngừa bệnh xương khớp; sulforaphane giúp hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư, cải thiện huyết áp, chức năng thận, tăng cường hệ thống miễn dịch…

Thích thịt hơn rau: Từ quan điểm đến đời sống thực

Rau xanh chứa nhiều khoáng chất (Ảnh minh họa)

Rau chân vịt (bina) ít calo, hỗ trợ người muốn giảm cân; chứa axit folic, vitamin A, vitamin B6, vitamin C và các chất chống oxy hoá, có tác dụng ngừa suy giảm chức năng thần kinh và nhận thức.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu từ Trường Đại học William Paterson ở New Jersey, Mỹ, một danh sách 41 "rau và trái cây quyền lực" dựa trên tiêu chí 17 chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe (chất xơ, kali, protein, canxi, folic, vitamin B12, vitamin A, vitamin D...) đã được công bố. Trong đó, đứng đầu là cải xoong, tiếp đến là bắp cải, cải cầu vồng, củ cải đỏ, cải bó xôi, và rau diếp xoăn.

Và cuối cùng, ăn quá nhiều thịt, rước quá nhiều bệnh

Chế độ ăn không cân bằng giữa rau và thịt là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Hiện con người mắc nhiều bệnh do thừa chất như máu nhiễm mỡ, béo phì, tiểu đường, ‘bệnh nhà giàu’ gút, thậm chí là các bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa như ung thư.

Thích thịt hơn rau: Từ quan điểm đến đời sống thực

Ảnh minh họa.

Bạn có biết rằng, thịt động vật nếu để tự nhiên 1 ngày sẽ bị ôi thiu, do đó, con người đã dùng Natri, Nitrat và các chất bảo quản khác để bảo quản và che giấu sự biến đổi của thịt. Những chất này có thể làm thịt tươi lâu hơn nhưng chứa carcinogenic, chất gây ung thư nguy hiểm.

Rất nhiều thực vật hiện nay đều dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Các loài động vật ăn cỏ sẽ tích tụ tất cả các chất độc trong cơ thể. Khi con người ăn thịt sẽ hấp thụ toàn bộ những chất hóa học khác đã tích lũy trong cả cuộc đời con thú.

Không chỉ vậy, để tăng lợi nhuận, con người không ngại dùng hor­mone, các loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và nhiều hỗn hợp hóa chất dùng làm thức ăn cho vật nuôi. Tất cả những chất này đều chuyển vào cơ thể khi chúng ta tiêu thụ thịt động vật.

Do đó, mỗi khi chúng ta ăn quá nhiều thịt, hãy dừng lại một vài giây và cân nhắc giữa sự thỏa mãn vị giác và những hậu quả phải gánh chịu sau này. Cuộc đời, sức khỏe phụ thuộc vào quyết định của mỗi người từ hôm nay.

>>> Đón đọc bài sau: Rau nên ăn thật, nhưng không phải càng nhiều càng tốt

Nguyễn Hà

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!