Trong các bệnh lý ở cột sống, thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân thường gặp nhất gây chèn ép tủy cổ, đặc biệt ở lứa tuổi trên 55. Thoái hóa cột sống cổ là quá trình tiến triển theo tuổi tác, tuy nhiên gặp sớm và nặng hơn ở những người lao động chân tay, đặc biệt liên quan đến mang vác, đội vật nặng trên đầu.. Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây giảm chức năng thần kinh, giảm chất lượng sống cho người bệnh.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện lâm sàng là đau mỏi cổ gáy, tê bì tay chân, đi lại khó khăn. Rõ rệt nhất, người bệnh có thể thấy từ việc ăn cơm bằng đũa vụng về, đóng cúc áo khó khăn, đi lại không nhanh nhẹn được, hai chân bó cứng như gà mắc tóc, đi tiểu lâu, tiểu khó phải rặn. Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng gây giảm chức năng thần kinh, giảm chất lượng sống cho người bệnh. Nặng nề, có thể gây tàn phế, mất khả năng tụ phục vụ sinh hoạt cá nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Để chẩn đoán bệnh, đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa về thần kinh khám xét kỹ và cho chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác như xơ cột bên teo cơ, bệnh rỗng tủy, bệnh viêm tủy, các loại u trong và ngoài tủy sống…
Ngoài các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán xác định bệnh, cần cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ để xác định chính xác nguyên nhân chèn ép. Cộng hưởng từ là phương pháp chụp hiện đại, không gây hại đến sức khỏe. Nguyên nhân chèn ép được phát hiện ở đây có thể là thoát vị đĩa đệm 1 hoặc nhiều tầng, vôi hóa dây chằng dọc sau, vôi hóa dây chằng vàng, mỏ xương …
Chính vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ như ở trên, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh cùng máy chụp cộng hưởng từ để khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Các biện pháp điều trị
Điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống cổ có nhiều phương pháp. Với các trường hợp thoái hóa nhẹ, không có biểu hiện chèn ép tủy thì chỉ định điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau, chống viêm, phục hồi thần kinh kết hợp đeo nẹp cổ, tập phục hồi chức năng.
Điều trị phẫu thuật cột sống cổ được đặt ra khi bệnh nhân có triệu chứng chèn ép tủy cổ rõ ràng, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày đồng thời với việc có hình ảnh chèn ép phù hợp trên phim cộng hưởng từ. Chỉ định điều trị phẫu thuật cần rất chặt chẽ đảm bảo chính xác có sự phù hợp giữa lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Có rất nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật cột sống cổ tùy thuộc vào tính chất tổn thương của cột sống cổ. Có thể mổ phía trước với nếp lằn cổ, hoặc mổ phía sau dọc theo đường giữa. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cần đến một phẫu thuật viên chuyên khoa ngoại thần kinh có kinh nghiệm phẫu thuật và kiến thức về sinh bệnh học của cột sống cổ.
Mục đích của điều trị phẫu thuật là giải chèn ép tủy cổ, phục hồi chức năng thần kinh, đảm bảo không gây tổn thương thêm cho tủy sống. Để làm được điều này, ngoài phẫu thuật viên chuyên ngành thần kinh được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật cột sống cổ thì còn cần sự hỗ trợ của các phương tiện phẫu thuật hiện đại như kính hiển vi phẫu thuật, khoan mài cao tốc, máy chụp Xquang trong mổ và các dụng cụ vi phẫu thuật. Những trang thiết bị này đảm bảo sự chính xác về vị trí phẫu thuật, động tác và dụng cụ tinh vi, không gây tổn thương thêm cho tủy sống. Chính vì vậy, khi có chỉ định phẫu thuật, các bệnh nhân có chèn ép tủy do thoái hóa cột sống cổ nên được gửi tới các cơ sở y tế có chuyên khoa Ngoại thần kinh như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai... Trong miền Nam có thể tới Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh… Các bệnh nhân không có các chống chỉ định phẫu thuật nói chung thì đều có thể thực hiện phẫu thuật về cột sống cổ.
Bệnh nhân cần làm gì?
Bệnh nhân cần giữ nẹp cổ 06 tuần, đủ để cho phần mềm liền tốt sau đó tập vận động nhằm giúp giảm đau cột sống cổ, tránh hạn chế vận động cột sống cổ sau mổ. Khám lại theo hẹn định kỳ nhằm phát hiện sớm những biến chứng và bệnh kèm theo. Về lâu dài, bệnh nhân cần tránh những động tác quay, cúi cột sống cổ một cách đột ngột đặc biệt là tai nạn giao thông hay động tác đánh đầu trong bóng đá.
Tỷ lệ hồi phục sau mổ các bệnh lý thoái hóa cột sống cổ tương đối cao, trung bình từ 60-80%, duy trì kéo dài theo thời gian. Tuy nhiên, có một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật như tuổi bệnh nhân, thời gian mắc bệnh, mức độ tổn thương tủy trên cộng hưởng từ. Trong đó, thời gian mắc bệnh đóng vai trò quan trọng. Tỷ lệ hồi phục ở những bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 1 năm cho kết quả tốt hơn đáng kể so với những bệnh nhân mắc bệnh kéo dài trên 1 năm. Do đó, khi có các triệu chứng, bệnh nhân cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!