Nước ối là môi trường bao bọc xung quanh thai nhi, bảo vệ thai nhi khỏi sự va chạm và viêm nhiễm từ bên ngoài trong suốt 9 tháng thai kỳ. Nó hoạt động như một tấm đệm, bảo vệ thai nhi và giữ ấm cho em bé trong khi vẫn đảm bảo cho bé tự do di chuyển trong bụng mẹ.
Tiến sĩ Christopher Chong, chuyên gia tư vấn của bệnh viện Gleneagles, Singapore giải thích rằng các thành phần của nước ối sẽ thay đổi trong từng giai đoạn của thai kỳ. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nước ối bao gồm nước và các chất điện giải trước khi chứa các chất carbohydrate, protein, chất béo, các chất dinh dưỡng, hocmon và các kháng thể.
Cùng với sự phát triển của thai nhi, lượng nước ối trong túi ối sẽ tăng lên. Ở tuần thai thứ 13, lượng nước ối sẽ đạt khoảng 100ml, tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh là khoảng 800ml vào tuần thứ 34 đến 36 trong 3 tháng cuối thai kỳ. Để đo lượng nước ối, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để đánh giá chỉ số dịch ối (AFI). Chỉ số này dưới 5cm được coi là thấp và trên 24cm được coi là cao. Và tất nhiên là tình trạng thừa hay thiếu nước ốiđều không tốt và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai nhi.
1. Thừa nước ối
Tình trạng thừa ối thông thường sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bào thai như chậm phát triển, sa dây rốn, bong nhau thai hay vàng da sơ sinh (Ảnh minh họa).
Rủi ro sức khỏe đối với mẹ và thai nhi
Theo tiến sĩ Chong, khi bị dư ối, biểu hiện thông thường là các bà mẹ sẽ cảm thấy khó chịu, khó thở và tăng nguy cơ nước ối đi vào tuần hoàn máu của người mẹ. Trong trường hợp nặng, người mẹ thậm chí có thể tử vong do tắc mạch ối dù nguyên nhân chính xác cho tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong một số trường hợp, túi ối có thể vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng cho thai nhi. Bên cạnh đó, tình trạng thừa ối thông thường sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bào thai như chậm phát triển, sa dây rốn, bong nhau thai hay vàng da sơ sinh.
Nguyên nhân gây thừa ối
Theo tiến sĩ chuyên khoa sản tại Singapore, Peter Chew, các khuyết tật về cấu trúc hệ thống tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa) và các bất thường về hệ thần kinh trung ương của thai nhi (vô sọ hoặc khuyết tật não) đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa ối. Ngoài ra còn một số nguyên nhân phổ biến khác bao gồm các bất thường về di truyền, nhiễm trùng. Nếu người mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì cũng có nguy cơ cao bị thừa ối. Tiến sĩ Chong cũng cho biết thêm, ngoài bệnh tiểu đường thai kỳ, suy thận và tim cũng có thể dẫn đến hiện tăng dịch ối trong thai kỳ.
Để đo lượng nước ối, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để đánh giá chỉ số dịch ối (AFI).
Biện pháp điều trị khi thừa ối
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mẹ bầu cần được bác sĩ thăm khám để biết được tình trạng cụ thể và có biện pháp điều trị thích hợp.
Theo tiến sĩ Chong, nước ối có thể được rút bớt khi được hướng dẫn bằng siêu âm. Ngoài ra, để giảm các triệu chứng cho người mẹ, các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc. Nếu thai nhi có có dấu hiệu biến chứng, mẹ sẽ được khuyên sinh con sớm.
2. Thiếu nước ối
Rủi ro sức khỏe cho mẹ và thai nhi
Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu nước ối và thai nhi bao nhiêu tuần tuổi mà sẽ gây ra những rủi ro khác nhau đối với sức khỏe cho cả mẹ và bé. Nếu tình trạng thiếu ối xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai có thể dẫn đến những vấn đề về sự phát triển của phổi hoặc có thể gây ra những bất thường nghiêm trọng cho thai nhi như thận kém phát triển hoặc suy thận.
Tình trạng sức khỏe kém như huyết áp cao, tiểu đường... là các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu ối (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân gây thiếu ối
Vỡ ối là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu ối. Ngoài ra, nước ối bị rò rỉ từ túi ối cũng làm giảm đáng kể lượng ối. Đối với người mẹ, tình trạng sức khỏe kém như huyết áp cao, tiểu đường thiếu kiểm soát và các vấn đề về di truyền là các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu ối.
Biện pháp điều trị khithiếu nước ối
Cũng như thừa ối, tùy thuộc vào từng nguyên nhân và tình trạng mà có biện pháp xử lý đối với trường hợp thiếu ối khi mang thai. Nếu có hiện tượng rò ối và người mẹ đã mang thai gần đủ tháng thì có thể được chỉ định sinh sớm. Nếu tình trạng thiếu ối xảy ra sớm trong thai kỳ, người mẹ sẽ được khuyên nghỉ ngơi trên giường và được chỉ định dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng cho thai nhi. Các loại thuốc khác cũng được kết hợp sử dụng để ngăn chặn tình trạng chuyển dạ song song với việc tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi.
Vì nước ối có vai trò vô cùng quan trọng trong suốt 9 tháng thai kỳ và dù là thừa ối hay thiếu ối đều có thể đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và thai nhi nên các mẹ bầu phải kiểm tra tra sức khỏe và theo dõi thai một cách chặt chẽ. Nếu xảy ra một trong hai hiện tượng nêu trên, mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng mà cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn và điều trị của bác sĩ.
Nguồn: Parents
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!