Thụy Vân và Minh Hà chia sẻ cách tránh cho con bị bạo hành

Nuôi dạy con - 05/01/2024

Trò chuyện với con sau giờ học, đến tận nơi quan sát cách cô chăm sóc con... là những cách giúp 2 bà mẹ phát hiện con bị bạo hành.

Thụy Vân: Luôn nói chuyện và hỏi con

Vụ bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị bảo mẫu trói chân, tay và nhét giẻ vào miệng hôm 5/10 gây bức xúc cho các bậc phụ huynh, sau khi được báo chí đăng tải. Một số sao Việt có con nhỏ khi biết trường hợp này cũng bày tỏ sự xót xa và phản đối hành động bạo hành của giáo viên mầm non. Nhắc tới em bé ở Quảng Bình, Á hậu Thụy Vân xót xa nghĩ đến con trai Tony, 3 tuổi. Cô chia sẻ trẻ con như một tờ giấy trắng nên dù chúng có hư hay hờn dỗi thì người lớn luôn phải có trách nhiệm với hành động của mình, không được phép hành hạ như vậy. Trường hợp của bảo mẫu ở Quảng Bình chỉ là con sâu làm rầu nồi canh.

'Các cô được đào tạo bài bản, có tố chất sư phạm, khi lựa chọn công việc trông trẻ cần hành xử xứng đáng và tự trọng với danh xưng cao quý. Các cô phải là những người yêu trẻ và kiên nhẫn hơn ai hết', Thụy Vân cho hay.

Thụy Vân và Minh Hà chia sẻ cách tránh cho con bị bạo hành

Tony, con trai á hậu Thụy Vân, năm nay ba tuổi (Ảnh: Internet)

Trước khi cho Tony đi trẻ, bản thân Thụy Vân rất lo con bị bạo hành. Do đó, Vân tìm hiểu kỹ về trường rồi tới tận nơi quan sát cách cô chăm sóc, đối xử, cách nói và hành động với các con. Ở trường Tony, cuối mỗi ngày cô đều phê vào sổ ghi nhận sinh hoạt của bé. Dựa vào đó, các mẹ sẽ biết hôm nay con mình ngoan hay hư và mắc lỗi gì. Kinh nghiệm của Vân là luôn kiểm tra những ghi chép này bằng cách hỏi từng cô phụ trách lớp để biết họ có nói thật hay không. Nếu lời kể không khớp nhau, Vân sẽ báo với nhà trường.

Thụy Vân tâm sự những ngày đầu đi học, Tony hay khóc do không quen với môi trường mới. Các cô ở trường phải vỗ về, làm quen và kiên nhẫn với bé. Lớp Tony có ba cô phụ trách và mỗi giáo viên được phân công dỗ học sinh mới, giúp bé cảm thấy yên tâm. Bé hợp với cô nào, giáo viên ấy sẽ chuyên phụ trách đón bạn đó. Thời gian đầu, Thụy Vân cho Tony đến lớp nửa buổi và khi đã quen mới cho đi cả ngày. Ở nhà, mẹ Vân tích cực nói chuyện với con, hỏi bé ở lớp hôm nay có gì vui, được chơi và học bài hát gì. Chỉ hai tuần lạ lẫm, Tony đã ngoan ngoãn đi học và xem việc đến trường là chuyện đương nhiên. Bé thích đến lớp để tham gia bài thể dục mỗi sáng, ở đó lại có nhiều đồ chơi, bạn bè.

Minh Hà: Hỏi con về hình thức cô phạt khi hư

Cũng có con đi mẫu giáo, Minh Hà giúp bé vượt qua những ngày đầu bằng cách trấn an và làm mọi cách để bé hiểu con chỉ đến lớp học, hết giờ sẽ được đón về chứ mẹ không 'bỏ rơi'. Bà xã của ca sĩ Lý Hải thường cho con đi học sớm hoặc sau giờ học ở lại chơi các trò chơi. Cô cũng trao đổi với giáo viên những thói quen và cá tính của con để giáo viên có cách xử sự phù hợp. Minh Hà thường gửi cô trông trẻ một món con thích. Nếu không khóc, bé sẽ được cô tặng quà. Việc này sẽ tăng thêm tình cảm của con với cô giáo.

'Mỗi lần đón con, tôi thường chủ động hỏi các bé nhiều câu như con ở lớp có ngoan không, có bạn nào hư bị phạt không hay con thử làm cô phạt bạn hư cho mẹ xem nào. Lúc đó, bé sẽ tự nhiên kể ra những chuyện xảy ra ở lớp', Minh Hà chia sẻ.

Thụy Vân và Minh Hà chia sẻ cách tránh cho con bị bạo hành

Gia đình hạnh phúc của Minh Hà - Lý Hải (Ảnh: Internet)

Chưa từng chứng kiến trường hợp trẻ bị bạo hành nhưng Minh Hà cho rằng nếu con rơi vào trường hợp em nhỏ ở Quảng Bình, cô sẽ nói chuyện thẳng thắn với giáo viên, sau đó trao đổi với hiệu trưởng để nhà trường có biện pháp phù hợp, tránh tái diễn với các học sinh khác. Cô cũng tới thăm lớp đột xuất, đồng thời tăng cường dạy con kỹ năng để không làm phiền cô giáo như không tè dầm, không khóc nhè, tự ăn cơm, tự mặc quần áo.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, có một số phương pháp để phụ huynh phát hiện con bị hành hạ. Nếu bé đột ngột khóc, hờn, nôn ói mà không hề ốm đau, các mẹ phải ngay lập tức đề phòng. Suốt 2 - 3 ngày đi học, con đến nhìn thấy ai đó đều khóc thét lên, mẹ phải dừng ngay và chuyển trường cho bé.

'Nhiều khi, người giữ trẻ đánh không để lại dấu vết trên cơ thể. Bố mẹ phải thật tinh ý. Khi con về nhà, liên tục hỏi han bé về trường lớp. Không đặt câu hỏi kiểu: hôm nay con học gì?, mà phải hỏi: ngày xưa bố/mẹ đi học vui lắm, cô giáo thường cho ăn bánh, ăn kẹo và tập hát. Lập tức trẻ sẽ buôn dưa về lớp học của mình, nếu đủ khả năng ngôn ngữ để trả lời', chuyên gia giáo dục cho biết.

Mẹ càng tỏ ra quan tâm con bao nhiêu, người giữ trẻ càng phải để ý và cẩn trọng bấy nhiêu. Khi con có vết bầm ở người, bố mẹ đừng làm toáng lên mà hãy im lặng điều tra. Nếu có dấu hiệu rõ hơn mới xử lý.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!