Tiêm vắc-xin sao cho hiệu quả?

Kỹ năng sống - 11/24/2024

TS.BS. Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, giải đáp những câu hỏi này.

Vắc-xin được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Y tế công cộng trong thế kỷ 20. Chúng giống như một loại ‘vũ khí’ sắc bén trong cuộc chiến đẩy lùi nhiều bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình và xã hội. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, ngành y tế đã chủ động, tích cực thông tin đến người dân về tác dụng phòng bệnh của vắc-xin.

Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ về cơ chế phòng bệnh, hiệu quả phòng bệnh của loại ‘vũ khí’ sắc bén này. Liệu có nên đổ xô đi tiêm vắc-xin giữa mùa dịch bệnh nóng bỏng? Những trường hợp nào nên tiêm vắc-xin? Phản ứng nào là bất thường sau tiêm? Lập kế hoạch tiêm vắc-xin cho bản thân như thế nào?...

Khách mời tư vấn: TS.BS. Nguyễn Văn Cường - Phó trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Câu hỏi: Con tôi được 8 tháng, cháu bị chàm, mụn chàm nồi nhiều ở mặt, bụng, tay, chân, cháu hay bị dị ứng với thuốc. Khi đi tiêm vắc-xin 5 trong 1, trạm y tế phường nói cháu bị nhiều mụn như vậy không tiêm được. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi thực hiện tiêm chủng như thế nào? Nếu cháu vẫn bị nổi mụn có tiêm được không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Đối với mỗi loại vắc-xin đều có chỉ định hoãn tiêm hoặc chống chỉ định với những trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung những trẻ  mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển thì sẽ hoãn tiêm. Có nghĩa là khi khỏi bệnh thì trẻ có thể vẫn được tiêm chủng các loại vắc-xin phù hợp. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng bạn cần nói rõ với cán bộ y tế về tiền sử của trẻ đặc biệt các biểu hiện bất thường đối với lần tiêm chủng trước.

Câu hỏi: Xin BS cho hỏi có tất cả bao nhiêu loại vắc-xin? Một người cần phải tiêm tổng thể bao nhiêu loại vắc-xin để đảm bảo cho sức khỏe bản thân?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Hiện nay, có rất nhiều vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nhưng việc áp dụng sẽ khác nhau tùy từng quốc gia dựa vào tình hình lưu hành và dịch tễ của bệnh. Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 11 loại vắc-xin phòng 11 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, vắc-xin phòng bệnh bại liệt, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, vắc-xin phòng bệnh ho gà, vắc-xin phòng bệnh uốn ván, vắc-xin phòng bệnh sởi, vắc-xin phòng bệnh viêm gan vi-rút B, vắc-xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc-xin phòng bệnh tả và vắc-xin phòng bệnh thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch.

Các loại vắc-xin ở Việt Nam hiện nay không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng còn có vắc-xin phòng bệnh do vi-rút HPV (gây bệnh ung thư cổ tử cung...), vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, varicella, vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi-rút, vắc-xin phòng bệnh viêm gan A, vắc-xin phòng cúm.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, tôi có nên cho con tiêm tất cả các loại vắc-xin không. Thời gian tiêm sẽ như thế nào vì tôi thấy có quá nhiều loại vắc-xin. Xin cảm ơn bác sĩ.

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Tiêm chủng vắc-xin có tác dụng phòng bệnh. Nếu không tiêm chủng thì trẻ sẽ không được bảo vệ phòng bệnh.

Lịch tiêm chủng của từng loại vắc-xin cho từng đối tượng khác nhau, cán bộ y tế sẽ đưa ra lời khuyên và có chỉ định thích hợp việc tiêm chủng các loại vắc-xin đối với từng đối tượng.

Câu hỏi: Con tôi năm nay 14 tuổi. Khi nhỏ tôi ko nhớ đã tiêm Viêm não Nhật Bản cho con chưa. Xin hỏi bác sĩ nếu tiêm rồi bây giờ tiêm lại có sao không? Trẻ 9 tuổi đã tiêm 3 mũi Viêm não Nhật Bản có nhất thiết phải tiêm mũi nhắc lại thứ 4 không? Cảm ơn bác sĩ và chương trình!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc-xin viêm não Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam ở những vùng nguy cơ cao sau khi đã tiêm 3 mũi vắc-xin gây miễn dịch cơ bản cần tiêm nhắc lại 3 đến 5 năm một lần.

Nếu không nhớ là đã tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ thì tốt nhất bạn nên đưa cháu đi tiêm chủng thì mới có tác dụng phòng bệnh.

Câu hỏi: Con tôi đã tiêm mũi sởi ở trạm y tế xã khi cháu được 9 tháng. Bây giờ cháu được 12 tháng tôi có thể tiêm cho cháu mũi vắc-xin sởi - quai bị - rubella được không? Xin chân thành cảm ơn!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Cháu có thể tiêm vắc-xin sởi quai bị và rubella lúc 12 tháng tuổi. Đây là vắc-xin trong tiêm chủng dịch vụ và phải trả tiền.

Câu hỏi: Con trai tôi được 4,5 tuổi. Cháu tiêm phòng Viêm não Nhật Bản mũi 1 hôm 1/7/2014, ba ngày sau cháu bị sưng, đau, nóng đỏ ở chỗ tiêm và sốt. Cháu không có biểu hiện viêm đường hô hấp. Uống kháng sinh + kháng viêm 2 ngày thì hết sốt. Đến ngày hẹn tiêm mũi 2, bác sĩ khuyên không nên tiêm nữa vì như thế là có phản ứng bất thường. Xin hỏi biểu hiện của cháu như thế có phải do phản ứng thuốc không? Giờ tôi có nên tiêm tiếp cho cháu không? Mũi 1 cách mũi 2 gần 3 tuần thì thuốc có tác dụng không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Sau tiêm chủng có thể xảy ra những phản ứng thông thường bao gồm sưng, đau, nóng đỏ ở chỗ tiêm. Sau khi được xử trí các biểu hiện trên sẽ hết, cháu có thể được tiêm các mũi tiếp theo đúng với lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, việc thăm khám và đưa ra chỉ định thích hợp đối với các trường hợp tiêm chủng do các cán bộ y tế người trực tiếp khám sẽ đưa ra quyết định đối với từng trường hợp.

Câu hỏi: Con tôi năm nay 8 tuổi. Hiện tôi không nhớ trước đây cháu đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản hay chưa vì mất sổ tiêm chủng. Vậy bây giờ tôi muốn tiêm thì tiêm lại từ mũi 1 hay như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Nếu cháu bị mất sổ tiêm chủng thì chị có thể tới cơ sở y tế trước đây chị đã tiêm chủng cho cháu để hỏi. Nếu không rõ cháu có được tiêm chủng trước đó hay không thì cần phải tiêm lại từ mũi 1?

Câu hỏi: Xin chào bác sĩ. Bé nhà tôi được 2 tháng 5 ngày. Cháu bị tim bẩm sinh (ống động mạch chủ chưa đóng hết). Hiện nay cháu đang uống thuốc ho tiêu đờm prospan và thuốc nhỏ mắt oflovit. Cháu không sốt, ăn ngủ bình thường.Từ khi sinh cháu chưa tiêm phòng lần nào (kể cả mũi vêm gan B 24h sau sinh). Xin bác sĩ tư vấn cho cháu tiêm phòng có đươc không ạ. Xin cảm ơn bác sĩ và quý báo!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Cháu bé nhà chị đã được hơn 2 tháng tuổi, vì vậy cháu cần được tiêm chủng vắc-xin để phòng bệnh theo lịch. Cháu có thể phải tiêm chủng nhiều loại vắc-xin, việc chống chỉ định của từng loại vắc-xin đối với các đối tượng khác nhau. Trước khi tiêm chủng từng loại vắc-xin cháu sẽ được thăm khám cụ thể và có chỉ định thích hợp. Chị cần đưa cháu đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng những vắc-xin thích hợp.

Câu hỏi:Thưa bác sĩ, nếu như đứng trước lựa chọn dùng hai loại vắc-xin nhập khẩu và sản xuất trong nước, theo bác sĩ nên chọn loại nào?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Nếu đó là câu hỏi của người nhà cho tôi thì tôi sẽ khuyên nên tiêm vắc-xin được sản xuất trong nước vì đây là những vắc-xin có trong chương trình TCMR và được tiêm miễn phí. Việc tiêm các vắc-xin trong TCMR được thực hiện bởi các cán bộ y tế có kỹ năng tiêm chủng mở rộng rất tốt.

Nếu cần phải tiêm những vắc-xin không có trong chương trình TCMR thì có thể lựa chọn vắc-xin nhập khẩu.

Câu hỏi: Co trai tôi năm nay được 6 tuổi (sinh ngày 16/3/2008). Hồi 3 tuổi (năm 2011) tôi cho tiêm vắc-xinViêm não Nhật Bản lần 1 và lần 2 tiêm đầy đủ, nhưng mũi nhắc lại lần 3 (sau 1 năm) tôi quên không cho tiêm. Xin hỏi bây giờ tôi tiêm nhắc lại mũi thứ 3 hay lại phải tiêm lại từ đầu. Cho tôi hỏi thêm: Ngày 17/7/2014 tôi cho bé thứ 2 đi tiêm Viêm não Nhật Bản (thuốc của Trung Quốc) thì lịch tiêm lại khác nhau, mũi nhắc lại lần 2 lại cách 1 năm sau chứ không phải cách 1 tuần như mọi lần đã tiêm. Xin bác sỹ tư vấn!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Cần phải tiêm chủng đúng lịch thì vắc-xin mới có tác dụng phòng bệnh tốt. Lịch tiêm chủng của từng loại vắc-xin và của từng cơ sở sản xuất không giống nhau. Nếu cháu không được tiêm đúng lịch thì cần phải tiêm càng sớm càng tốt sau đó để vắc-xin có tác dụng phòng bệnh sớm mà không cần phải tiêm nhắc lại từ đầu.

Cháu thứ hai được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản của Trung Quốc thì phải tuân theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất. Lịch tiêm vắc-xin này có thể không giống với lịch tiêm vắc-xin của cơ sở sản xuất khác.

Câu hỏi: Xin chào Bác Sỹ con tôi mới được 2T mới tuần trước cháu có đi tiêm vắc-xin viêm gan A tuần này tôi muốn đưa cháu đi tiêm vắc-xin tiếp có được không (cháu còn 3 loại chưa được tiêm), thông thường khoảng cách giữa các mũi tiêm là bao lâu? Trân trọng cảm ơn.

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Lịch tiêm chủng của từng loại vắc-xin và của từng cơ sở sản xuất vắc-xin không giống nhau. Vì vậy, cần phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin. Nếu cháu đã được tiêm vắc-xin trước đó thì mũi tiêm tiếp theo cần tuân theo lịch hẹn của cơ sở tiêm chủng.

Câu hỏi: Thưa Bác sĩ có đánh giá thế nào về chất lượng giữa vắc-xin được sản xuất trong nước và nhập khẩu?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Tất cả các loại vắc-xin được sử dụng đều được Bộ Y tế cấp phép sau khi đã có kết quả kiểm định cho thấy vắc-xin có tác dụng phòng bệnh. Vì vậy, vắc-xin được sản xuất trong nước và vắc-xin nhập khẩu đều đạt được các yêu cầu đối với việc tiêm chủng phòng bệnh. Không phải tất cả các loại vắc-xin đều có thể sản xuất được tại các cơ sở sản xuất trong nước. Vì vậy việc nhập khẩu vắc-xin giúp đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh đối với một số loại vắc-xin chưa được sản xuất trong nước.

Câu hỏi: Thưa bác sỹ, em bé được 4 tháng rưỡi, sắp tới tiêm vắc-xin 5 trong 1 mũi 2. Tháng trước tiêm mũi một bé sốt cao 3 ngày, xin hỏi có cách nào để bé tiêm ngừa mà ít sốt không? Đã tiêm 5 trong 1 mũi đầu thì mũi tiếp theo tiêm 6 trong 1 có được không vì nghe nói tiêm 6 trong 1 vô bào thì bé không bị sốt.

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Chị không cho biết cháu sốt bao nhiêu oC và cháu có phải điều trị tại BV hoặc cơ sở y tế trong thời gian bị sốt sau tiêm chủng hay không. Nếu cháu bị phản ứng mạnh với liều tiêm vắc-xin lần 1 và có sốt cao trên 39 oC sau tiêm vắc-xin mũi 1 thì cháu có thể tiêm vắc-xin mũi tiếp theo có thành phần vắc-xin ho gà vô bào. Theo tôi tốt nhất chị hãy đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế tư vấn và hỏi rõ về phản ứng đối với lần tiêm trước và sẽ có chỉ định thích hợp cho mũi tiêm tiếp theo.

Câu hỏi: Tôi thấy các bậc phụ huynh thường rất quan tâm đến việc tiêm phòng cho các bé nhỏ từ lúc mới sinh đến trước 3 tuổi. Nhưng từ 3 tuổi trở đi thì thường lại hay bị ... bỏ quên hoặc không có nhiều thông tin về các loại bệnh cần tiêm ngừa trong giai đoạn này. Xin hỏi các bác sĩ, việc tiêm ngừa cho trẻ giai đoạn từ 3 tuổi trở lên có quan trọng không? và trẻ nên được tiêm những loại vắc-xin phòng bệnh gì?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Lịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh tùy thuộc vào từng loại vắc-xin. Việc tiêm chủng các vắc-xin đối với trẻ nhỏ là rất cần thiết. Tuy nhiên trẻ từ 3 tuổi trở lên cũng cần được tiêm chủng những loại vắc-xin thích hợp hoặc phải tiêm nhắc lại các vắc-xin đã tiêm trước đó trong các chiến dịch tiêm chủng. Trong năm 2014 và 2015 có tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi và rubella cho trẻ từ 1 - 14 tuổi thì những trẻ trong độ tuổi này cần phải được đi tiêm chủng.

Câu hỏi: Con tôi đã tiêm được 2 mũi vắc-xin ‘5 trong 1’ giờ đã đến lịch hẹn tiêm mũi thứ 3. Nhưng đi hỏi khắp các phòng tiêm chủng ở Hà Nội đều hết loại vắc-xin này. Liệu quá ngày hẹn, con tôi chưa được tiêm thì có bị làm sao không? Xin cảm ơn!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Nếu cháu chưa được tiêm mũi 3 vắc-xin 5 trong 1 vì chị ‘đi hỏi khắp các phòng tiêm chủng ở Hà Nội đều hết loại vắc-xin này’ thì theo tôi được biết chỉ có thể là vắc-xin tại các điểm tiêm dịch vụ phải trả tiền. Nếu chưa được tiêm mũi 3 thì tác dụng phòng bệnh sẽ thấp. Hiện nay, tại các điểm TCMR miễn phí cho trẻ em, cháu có thể được tiêm vắc-xin tương ứng với vắc-xin 5 trong 1 tại các điểm TC dịch vụ. Chị có thể đưa cháu đến các điểm TCMR để cháu được tiêm đúng lịch, giúp cho việc phòng bệnh kịp thời. 

Câu hỏi: Kính gửi bác sĩ Nguyễn Văn Cường. Con tôi hiện tại được 2 tuổi 8 tháng, chỉ mới được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Gần đây tôi lo lắng vì bệnh viêm não Nhật Bản nên đã cho con đi tiêm ngừa mũi đầu tiên vào ngày 6/7/2014. Bác sĩ hẹn sau 1 hoặc 2 tuần cho bé tiêm nhắc lại lần 2, nhưng sau đó 1 ngày bé bị lên thủy đậu đến hôm nay các nốt mới vừa bị tróc ra thôi. Cho tôi hỏi, đến ngày 20/7 này là đúng lịch hẹn 2 tuần để tiêm nhắc lại viêm não Nhật Bản, vậy khi mới khỏi thủy đậu như thế mà cho tiêm ngừa thì có an toàn cho bé không, còn nếu không tiêm vào ngày này thì để qua 2 tuần mới tiêm tiếp mũi 2 thì còn tác dụng không hay phải tiêm lại từ đầu? Cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Con của bạn đã được 2 tuổi 8 tháng và đã tiêm một mũi vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản thì cần được tiêm mũi tiếp theo để có tác dụng phòng bệnh tốt cho cháu. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ thăm khám cho cháu và sẽ có chỉ định tiêm hoặc hoãn tiêm tùy theo điều kiện sức khỏe của cháu. Chị hãy yên tâm đưa con đi tiêm chủng theo ngày hẹn của cơ sở y tế. Cháu sẽ chỉ được tiêm chủng nếu điều kiện sức khỏe của cháu cho phép.

Nếu cháu không tiêm vào ngày hẹn theo lịch và được tiêm sau đó thì không cần phải tiêm lại từ đầu. Tuy nhiên, nếu tiêm sớm đúng lịch thì vắc-xin sẽ giúp bảo vệ phòng bệnh sớm hơn.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, nguyên nhân do đâu người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn tranh nhau đi tiêm vắc-xin dịch vụ với giá đắt mà không đến tiêm tại các trạm y tế phường với vắc-xin của chương trình TCMR hoàn toàn miễn phí mà không cần phải chen nhau?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Câu hỏi của bạn quá hay. Trong TCMR hiện nay có 11 loại vắc-xin phòng 11 bệnh nguy hiểm nhất có thể gặp ở VN. Nhà nước đã đầu tư và tiêm miễn phí cho các đối tượng nằm trong chương trình TCMR. Tỉ lệ tiêm chủng các vắc-xin này ở hầu hết các địa phương đạt tỉ lệ rất cao.

Riêng tại 2 địa phương là TP Hà Nội và TP.HCM việc tiêm vắc-xin dịch vụ nhiều hơn các địa phương khác. Nhìn có vẻ đông vì chỉ có một vài điểm tiêm dịch vụ, trong khi có tới hơn  11.000 điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí. Những bệnh nguy hiểm nhất đều đã có vắc-xin trong chương trình TCMR.

Vì vậy chỉ nên tiêm vắc-xin dịch vụ khi mũi vắc-xin đó chưa có trong chương trình TCMR.

Câu hỏi: Xin bác sĩ cho biết, trước khi đi tiêm vắc-xin, cả trẻ em và người lớn cần chuẩn bị những điều kiện gì về tình trạng sức khỏe? Trường hợp nào không nên đi tiêm vắc-xin?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Khi đi tiêm chủng cần mang theo phiếu và sổ tiêm chủng để cán bộ y tế biết được bạn đã được tiêm những vắc-xin gì? Bạn cần thông báo cho cán bộ y tế tình trạng sức khoẻ hiện tại như đang sốt, đang bị các bệnh nhiễm trùng cấp tính hay đang điều trị thuốc.

Việc tiêm chủng sẽ do cán bộ y tế quyết định sau khi đã kiểm tra sức khỏe của người tiêm chủng, hoãn tiêm chủng khi đang sốt, bị bệnh nhiễm trùng cấp tính...

Câu hỏi: Xin hỏi BS các loại vắc-xin phối hợp như 5 trong 1 hay 6 trong 1 so với các loại vắc-xin thường tiêm mũi 1 có gì khác biệt. Có phải vắc-xin phối hợp sẽ tốt hơn vắc-xin mũi 1 hay không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Vắc-xin có thể ở dạng đơn giá (phòng 1 bệnh) hay vắc-xin phối hợp phòng nhiều bệnh trong 1 mũi tiêm, hiện nay có vắc-xin phối hợp phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib (thường gọi là vắc-xin ‘6 trong 1’), hay vắc-xin phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib (thường gọi là vắc-xin ‘5 trong 1’), sử dụng văc xin phối hợp sẽ phòng được nhiều bệnh hơn mà không phải tiêm nhiều lần.

Câu hỏi: Con tôi hiện hơn 12 tháng tuổi và sức khỏe tốt. Hôm trước tôi đưa con đi tiêm ngừa viêm não Nhật Bản. Cô y tá tiêm cho bé chỉ tiêm có 1/2 lọ thuốc. Cô cũng đưa lọ thuốc cho mình xem và giải thích rằng: Đây là mũi đầu tiên nên chỉ tiêm nửa lọ vì sợ bé bị sốc thuốc? Sau đó cô y tá hẹn tôi 2 tuần sau đưa con đến tiêm tiếp. Từ trước tới nay, khi cho con đi tiêm vắc-xin, tôi thấy các cô y tá toàn tiêm hết cả lọ, đây là lần đầu tiên phải tiêm 1/2 lọ thấy rất kỳ lạ. Xin hỏi bác sĩ, con tôi tiêm như vậy liệu có tác dụng hay không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Để đảm bảo đáp ứng miễn dịch trẻ cần được tiêm chủng đúng liều lượng theo qui định và số liều trong mỗi lọ vắc-xin tùy theo cách đóng gói của nhà sản xuất. Trường hợp bạn hỏi cán bộ y tế cần phải giải thích rõ liều lượng vắc-xin cần tiêm cho con bạn theo qui định chứ không phải do vì sợ bé bị sốc thuốc nên chỉ tiêm 1/2 lọ vắc-xin .

Câu hỏi:Tôi có một thắc mắc mong các chuyên gia giải đáp giúp. Ngày 26/5 tôi hết kinh, ngày 20/6 tôi đi tiêm phòng cảm cúm. Sau đó, thấy trễ kinh mấy ngày nên tôi có mua que thử thai thì thấy que thử 2 vạch - báo đã có thai. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi liệu tiêm phòng như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Vắc-xin cúm hay các vắc-xin vi-rút sống (rubella, sởi..)  thường có chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai nhưng trên thực tế chưa có trường hợp nào được ghi nhận ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe trẻ em do tiêm vắc-xin.

Câu hỏi: Tôi mới sinh con lần đầu nên chưa có kinh nghiệm. Mỗi lần cho cháu đi tiêm về cháu rất hay sốt. Tôi rất sợ cháu bị phản ứng thuốc. Xin hỏi BS làm thế nào để phát hiện cháu bị phản ứng thuốc và phải xử trí như thế nào khi bị phản ứng?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Những phản ứng thông thường có thể gặp sau khi tiêm chủng như đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ; sốt - thường sốt nhẹ; quấy khóc.. sẽ hết trong vòng 1-2 ngày. Sau khi tiêm chủng các bà mẹ cần phải theo dõi trẻ như để ý đến trẻ hơn, cho bú nhiều hơn, nếu có sốt cần cặp nhiệt độ và dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, bú ít, tím tái, khó thở cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị

Câu hỏi: Tôi mới cho con đi tiêm phòng được 2 ngày. Tiêm xong, cháu rất khỏe và chơi đùa như bình thường, không hề có biểu hiện sốt. Nhưng các chị bạn tôi thường bảo nếu trẻ sau khi tiêm chủng phải hơi sốt thì mới tốt cho trẻ. Như con tôi không hề có biểu hiện sốt chính tỏ cơ thể cháu hấp thu thuốc không tốt. Vậy xin hỏi BS sau khi tiêm vắc-xin mà không sốt như con tôi thì có phải cơ thể cháu không hấp thụ thuốc tốt hay không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Sau khi tiêm chủng đối với mỗi loại vắc-xin đều có thể có một tỷ lệ phản ứng khác nhau và phản ứng không nhất thiết phải xảy ra ở tất cả các trẻ được tiêm vắc-xin. Trẻ có phản ứng sốt và trẻ không có phản ứng sốt sau tiêm chủng không ảnh hưởng gì tới tác dụng phòng bệnh của việc tiêm vắc-xin.  

Câu hỏi: Tôi cho con tiêm phòng vắc-xin rất đầy đủ. Xin hỏi BS, nếu cho tiêm phòng đầy đủ thì cháu có thể có khả năng nhiễm các loại bệnh dịch nữa không? Phần trăm bị nhiễm bệnh sau khi đã tiêm chủng là bao nhiêu?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Rất hoan nghênh bạn đã cho con đi tiêm chủng đầy đủ, khi đã được tiêm vắc-xin đủ mũi, đúng lịch cháu sẽ có miễn dịch chủ động phòng bệnh tương ứng với các vắc-xin đã sử dụng.

Tuy nhiên, cũng không phải 100% đối tượng sau tiêm chủng đều gây được miễn dịch phòng bệnh. Mức độ đáp ứng miễn dịch phòng bệnh của từng người sau khi sử dụng vắc-xin không giống nhau. Vẫn có một tỉ lệ nhỏ thể mắc bệnh mặc dù được tiêm chủng.

Câu hỏi: Sau khi đi tiêm chủng về, chỗ tiêm của con tôi có vẻ hơi sưng và cháu quấy khóc. Xin hỏi BS có cách nào để con tôi đỡ bị sưng tấy chỗ tiêm không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Những phản ứng thông thường có thể gặp sau khi tiêm chủng như đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ; sốt - thường sốt nhẹ; quấy khóc.. sẽ hết trong vòng một vài ngày mà không cần phải điều trị gì. Theo như chị mô tả ‘sau khi đi tiêm chủng về, chỗ tiêm có vẻ hơi sưng và cháu quấy khóc’ trước hết chị không nên đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm và theo dõi cháu nếu trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng vẫn không đỡ chị cần đưa cháu đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Câu hỏi: Hiện tôi đang rất lo lắng sau khi tiêm vắc-xin rubella khoảng 1 tháng thì biết mình có thai. Liệu tiêm phòng Rubella trong khoảng thời gian mang thai có để lại hậu quả gì cho mẹ bầu và thai nhi không thưa bác sĩ? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Vắc-xin rubella chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai nhưng trên thực tế theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có trường hợp nào được ghi nhận hội chứng rubella bẩm sinh do  tiêm vắc-xin.

Câu hỏi: Tôi đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ trước khi có thai theo khuyến cáo. Nhưng nghe nói trong quá trình mang thai, thai phụ vẫn phải tiêm một số loại vắc-xin. Bác sĩ có thể cho tôi biết lịch tiêm cụ thể không? Với bà bầu, khi tiêm vắc-xin cần chú ý những gì để tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra?

 TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Thông thường khi mang thai chị em cần được tiêm vắc-xin uốn ván để phòng bệnh uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con, số mũi vắc-xin cần tiêm chủng và lịch tiêm chủng tùy vào tiền sử tiêm chủng trước đó. Bạn không nói rõ bạn đã được tiêm các vắc-xin gì và tiêm khi nào nên chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể cho bạn được. Bạn nên đến các cơ sở tiêm chủng gần nhất để được tư vấn loại vắc-xin và lịch tiêm vắc-xin phù hợp.

Câu hỏi: Để chuẩn bị cho việc mang thai, tháng trước tôi có đi tiêm mũi sởi, quai bị, rubella, nhân viên y tế hẹn đến ngày 4/7 đi tiêm tiếp mũi thủy đậu. Tuy nhiên, đến lịch tiêm thì vắc-xin thủy đậu đã hết, không thể tiêm được. Tôi xin hỏi tiêm không đúng lịch như vậy có ảnh hưởng gì không? Nếu có vắc-xin thủy đậu tôi có nên tiếp tục đi tiêm?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là cần thiết, sau khi tiêm vắc-xin sẽ có hiệu quả phòng bệnh sau 2-4 tuần, do vậy bạn cần đi tiêm sớm khi có vắc-xin việc tiêm chậm có nghĩa là bạn sẽ được phòng bệnh muộn hơn và nếu không tiêm chủng thì bạn sẽ có thể mắc bệnh.  

Câu hỏi: Bé nhà tôi đến 18/7/2014 là được 10 tháng 9 ngày, lúc được 3 tháng (ngày 9/12/2013) tiêm mũi 1 pentaxim, từ đó đến nay vì nhiều lý do khác nhau (hết thuốc, bé ốm...) chưa tiêm mũi 2. Xin hỏi bác sĩ nếu trong tháng 7 này tiêm mũi 2 thì hiệu quả sẽ như thế nào (vì 2 mũi tiêm cách nhau 7 tháng). Hiện nay thuốc rất hiếm, nếu tiêm được mũi 2 thì chưa chắc sau 1 tháng đã có thuốc để tiêm mũi 3 và như vậy mũi 3 có thể cách mũi 2 nhiều hơn 1 tháng. Vậy có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của bé?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Hiện nay, có rất nhiều vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nhưng việc áp dụng sẽ khác nhau tùy từng quốc gia dựa vào tình hình lưu hành và dịch tễ của bệnh. Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 11 loại vắc-xin phòng 11 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: vắc-xin phòng bệnh lao, vắc-xin phòng bệnh bại liệt, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, vắc-xin phòng bệnh ho gà, vắc-xin phòng bệnh uốn ván, vắc-xin phòng bệnh sởi, vắc-xin phòng bệnh viêm gan vi-rút B, vắc-xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc-xin phòng bệnh tả và vắc-xin phòng bệnh thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch.

Các loại vắc-xin ở Việt Nam hiện nay không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng còn có vắc-xin phòng bệnh do vi-rút HPV (gây bệnh ung thư cổ tử cung...), vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, varicella, vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi-rút, vắc-xin phòng bệnh viêm gan A, vắc-xin phòng cúm.

Câu hỏi: Con tôi hiện nay được 6 tháng tuổi. Cháu mới đi tiêm chủng được 2 ngày. Tuy nhiên, từ sau khi đi tiêm chửng về thì cháu có sốt nhẹ. Hiện giờ cháu vẫn sốt 38,5 độ. Cháu cũng đang có 1 răng mới nhú mọc. Tôi rất lo lắng không biết nguyên nhân cháu sốt là do mọc răng hay do phản ứng thuốc. Xin BS cho hỏi làm thế nào để phân biệt được sốt do mọc răng và sốt do phản ứng thuốc?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Sau khi tiêm chủng sẽ có tỷ lệ nhất định (khác nhau tùy theo từng loại vắc-xin) những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng, nếu phản thông thường nhưng kéo dài hơn thì cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Trường hợp con bạn sau 2 ngày vẫn  38,5 độ bạn cần đưa cháu đến khám tại cơ sở y tế.

Câu hỏi: Mùng 6/7 vừa rồi đúng là lịch ngày tiêm chủng của con nhà tôi. Tuy nhiên khi đi tiêm thì hết vắc-xin 5 trong 1. Vậy xin hỏi bác sĩ nếu bị lỡ thời điểm tiêm chủng và phải tiêm cho cháu muộn hơn so với dự kiến thì vắc-xin có phát huy được tác dụng tốt hay không? Và nếu tiêm muộn thì khoảng thời hạn cho phép chậm là bao lâu để vắc-xin vẫn còn có tác dụng tốt?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Câu hỏi của bạn cũng gần giống với câu hỏi trước. Nếu liều vắc xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Trường hợp cháu nhà bạn cháu không được tiêm đúng lịch do thiếu vắc-xin thì cần phải được tiêm sớm ngay sau khi có vắc-xin để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh trước 1 tuổi.

Câu hỏi: Cơ thể vợ tôi rất yếu, bình thường hay ốm vặt. Chúng tôi có kế hoạch sinh con trong thời gian tới, tháng trước tôi có đưa vợ đi tiêm phòng sởi. Sau khi tiêm, vợ tôi có sốt nhẹ, kêu đau ở chỗ tiêm, cảm giác mệt mỏi mấy ngày mới đỡ. Xin hỏi tôi có nên đưa vợ đi tiêm tiếp không? Tôi sợ cơ thế yếu ớt vậy càng tiêm càng thấy lo lắng hơn. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Sau khi tiêm chủng sẽ có tỷ lệ nhất định những phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, ... trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng, nếu phản thông thường nhưng kéo dài hơn thì cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

Một số vắc-xin phòng bệnh cần được tiêm cho phụ nữ để phòng bệnh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh như vắc-xin rubella, vắc-xin uốn ván, trước khi tiêm chủng cán bộ y tế sẽ kiểm tra sức khỏe hiện tại của người được tiêm chủng để chỉ định và tư vấn. Vì vậy bạn hãy đưa vợ đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.

Câu hỏi: Xin cho hỏi hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được các loại vắc-xin nào? Công nghệ sản xuất vắc-xin Việt Nam đang được đánh giá ở mức độ nào trên thế giới?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Việt Nam tự hào là một nước có thể sản xuất được hầu hết các vắc-xin sử dụng trong TCMR. Từ những năm 1960, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất vắc-xin phòng bệnh. Việc sản xuất vắc-xin trong nước cũng được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của một số nước như: vắc-xin viêm não Nhật Bản, vắc-xin sởi được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, vắc-xin viêm gan B được chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc,...

Hiện nay các cơ sở sản xuất vắc-xin trong nước đã sản xuất được 10 trong tổng số 11 loại vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR là vắc-xin phòng lao, bại liệt, bạch hầu – ho gà – uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, tả và thương hàn. 

Câu hỏi: Tôi đã cho con tiêm vắc-xin phòng quai bị theo đúng định kỳ. Nhưng vì lịch tiêm nhắc lại cách xa nên tôi đã bỏ lỡ không tiêm cho cháu. Lẽ ra tôi phải tiêm nhắc lại cho cháu cách đây 5 tháng. Vậy xin hỏi BS thời gian bỏ lỡ tiêm nhắc lâu như vậy thì vắc-xin có còn phát huy được tác dụng phòng bệnh không hay tôi phải tiêm lại đầy đủ các mũi cho cháu từ đầu?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Để phòng bệnh hiệu quả việc tiêm chủng phải đầy đủ và đúng lịch, trên thực tế nếu bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì cần phải được tiêm càng sớm càng tốt ngay sau đấy. Cháu nhà bạn đã bỏ lỡ tiêm chủng đúng lịch thì cần phải được tiêm sớm để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh và được tính là liều tiêm tiếp theo mà không cần phải tiêm lại từ đầu.

Câu hỏi: Con tôi hiện nay 6 tháng tuổi. Một vài mũi tiêm trước tôi vẫn cho con đi tiêm phòng ở phường. Nhưng nghe các mẹ truyền nhau rằng nếu đưa con đi tiêm tại các trung tâm tiêm chủng (ví dụ như tiêm ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội - đường Nguyễn Chí Thanh hay Lò Đúc – Hà Nội) tuy chi phí đắt hơn nhiều nhưng chất lượng vắc-xin sẽ tốt và an toàn hơn cho con. Vậy xin hỏi BS chất lượng vắc-xin có sự khác biệt giữa các điểm tiêm chủng như các mẹ vẫn mách tôi hay không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Vắc-xin trong chương trình TCMR hay vắc-xin tiêm chủng dịch vụ trước khi đưa ra sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép và kiểm định an toàn và chất lượng, đồng thời vắc-xin chương trình TCMR hay vắc-xin tiêm chủng dịch vụ đều tuân thủ việc bảo quản ở điều kiện qui định trong dây chuyền lạnh vì vậy không thể nói vắc-xin dịch vụ sẽ tốt và an toàn hơn vắc-xin TCMR, chỉ có điểm khác nhau là vắc-xin trong TCMR được miễn phí.

Trên thực tế con bạn cũng như con của nhiều bà mẹ khác đã từng tiêm phòng ở trạm y tế xã, phường.

Câu hỏi: Tôi có con nhỏ 2 tháng tuổi, cháu sinh non và chỉ cân nặng 1,8kg. Hiện giờ cháu mới được 4,5 kg. 1 tuần nữa là đến lịch tiêm chủng cho cháu. Xin hỏi BS với cân nặng như vậy thì cháu nên tiêm chủng vào khoảng thời điểm nào? Tôi định cho cháu tiêm từng mũi 1, không tiêm các loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 vì sợ cháu không đủ sức khỏe. Xin BS cho biết có phải vắc-xin phối hợp sẽ nặng hơn các vắc-xin mũi đơn không?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Theo lịch tiêm chủng trẻ cần được tiêm vắc-xin để phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib và bệnh bại liệt polio vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Cháu nhà bạn đã đủ 2 tháng tuổi cháu có thể được tiêm vắc-xin để phòng các bệnh trên, việc sử dụng vắc-xin phối hợp phòng nhiều bệnh trong một mũi tiêm sẽ giảm số mũi tiêm chủng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe hay đáp ứng miễn dịch phòng bệnh.

Bạn yên tâm trước khi tiêm chủng các cháu sẽ được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe hiện tại nếu cháu không bị ốm, sốt... đủ điều kiện về sức khỏe sẽ tiêm chủng vắc-xin theo lịch.

Câu hỏi: Xin chào bác sĩ. Tôi nghe nói hiện đang có dịch viêm não Nhật Bản. Sắp tới bé nhà tôi đến lịch phải đi tiêm, tôi đang lo nếu cho bé ra các trung tâm thì dễ bị lây nhiễm. Vậy tôi muốn hỏi nếu tiêm vắc-xin sớm hơn hoặc muộn hơn so với lịch hẹn thì có sao không ạ? Và nếu như bé đang bị cảm cúm thì có nên đi tiêm không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Để phòng bệnh hiệu quả, việc tiêm chủng cần phải đầy đủ và đúng lịch. Việc chỉ định tiêm cho các đối tượng sẽ do cán bộ y tế thăm khám và quyết định trước khi tiêm chủng. Chị không phải lo về sức khỏe của cháu có đủ để tiêm chủng vắc-xin hay không.

Tuy nhiên, chị phải nói với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật và tình trạng sức khỏe hiện tại của cháu cho cán bộ y tế khi đưa cháu đi tiêm chủng để có chỉ định thích hợp.

Câu hỏi: Bác sĩ cho tôi hỏi, con trai tôi được 2 tuổi, tiêm viêm não Nhật Bản lần 1, bác sĩ hẹn 10 ngày sau tiêm tiếp mũi 2 nhưng cháu bị ốm không tiêm được. Đến giờ đã quá 1 tháng rồi, không biết có tiêm được mũi 2 nữa không ạ?

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Nếu liều vắc xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn không đúng lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Bạn cần đưa con bạn tiêm mũi 2 càng sớm càng tốt.

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, con gái tôi được 9 tháng tuổi, lịch hẹn tiêm mũi thứ 3 vắc-xin 6 trong 1 từ cuối tháng 5/2014. Song do cháu bị ốm, sốt, đến khi hết ốm thì hết vắc-xin, đến giờ vẫn chưa tiêm được (dự kiến khoảng cuối tháng 8 thì mới có vắc-xin). Bắc sĩ cho tôi hỏi, liệu việc tiêm cách như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, miễn dịch của cháu không? Liệu có để ngoài 1 tuổi tiêm được không? Cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Nếu liều vắc xin nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn không đúng lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm vào thời gian sau đó. Trường hợp cháu nhà bạn không được tiêm đúng lịch do thiếu vắc-xin thì cần phải được tiêm sớm để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ. 

Câu hỏi: Chào bác sĩ, hiện con trai tôi được 3 tháng tuổi. Cháu đã tiêm 1 mũi viêm gan B (sơ sinh), 1 mũi lao và uống 1 lần bại liệt. Vì tháng trước hết thuốc nên con tôi chưa tiêm 5 trong 1. Tôi muốn hỏi nếu tiêm mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thì thời điểm nào tiêm cho bé là tốt nhất, có hiệu quả nhất? Tháng 9 tới sẽ có vắc-xin dịch vụ 6 trong 1, khi đó con tôi đã được 5 tháng thì tiêm có còn hiệu quả không? Xin cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Để phòng bệnh thì cần phải tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch vì bất cứ lý do gì thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Vắc-xin phối hợp phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib (thường gọi là vắc-xin ‘6 trong 1’), hay vắc-xin phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, và viêm màng nào mủ/viêm phổi do Hib trong tiêm chủng mở rộng (thường gọi là vắc-xin ‘5 trong 1’) cần được tiêm cho trẻ mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 trẻ 3 tháng tuổi và mũi 3 trẻ 4 tháng tuổi.

Trên thực tế nếu bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì phải được tiêm càng sớm càng tốt ngay sau đấy, cháu nhà bạn đã bỏ lỡ lịch tiêm thì cần phải được tiêm sớm để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.

Câu hỏi: Con tôi mới bị sốt không rõ nguyên nhân, cháu sốt không kèm theo bất kỳ triệu chứng gì, sau 2 ngày thì hết sốt. Xin hỏi cháu hết sốt ngày 14/7, đến ngày 17/7 này có lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản B cháu có thể tiêm được không? Xin cảm ơn bác sĩ!

TS.BS. Nguyễn Văn Cường:

Hiện tại con bạn không bị sốt vì vậy bạn có thể đưa cháu đi tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản B. Bạn yên tâm trước khi tiêm chủng các cháu sẽ được cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe hiện tại nếu cháu không bị ốm, sốt... đủ điều kiện về sức khỏe sẽ được tiêm chủng vắc-xin.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!