Tiếp xúc với chì gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thai nhi

Mang thai - 11/24/2024

Theo nghiên cứu, nếu phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với chì, chất độc sẽ đi qua nhau thai vào cơ thể em bé gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học bang Wayne ( Detroit, Mỹ) đã phát hiện ra rằng các bà mẹ có nồng độ chì trong máu cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, không chỉ đời con mà còn có thể đến cả đời cháu của họ.

Theo các báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu này, nếu một phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với chì, chất độc sẽ đi qua nhau thai vào cơ thể em bé gây ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển cũng như trí não của bé. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy việc tiếp xúc với kim loại nặng sẽ khiến quá trình methyl hoá của ADN bị biến đổi khó lường.

Những nghiên cứu gần đây nhất của giáo sư Douglas Ruden tại Viện Khoa học và Sức khoẻ Môi trường cho thấy tiếp xúc với chì có thể gây ra những thay đổi cụ thể trong quá trình methyl hóa ADN. Điều này được phát hiện qua nghiên cứu mẫu máu giữa các thế hệ gia đình. Những mẫu máu này được lấy và lưu giữ tại ngân hàng sinh học Michigan Neonatal Biobank từ năm 1984 cho tới nay.

Tiếp xúc với chì gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thai nhi

Các bà mẹ có nồng độ chì trong máu cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời con, cháu (Ảnh minh họa: Internet)

Theo giáo sư Ruden, trước khi nghiên cứu được tiến hành, các tác hại của chì vượt quá một thế hệ vẫn chưa được chứng minh. Vì vậy ông và nhóm nghiên cứu đã quyết định tìm hiểu liệu tiếp xúc nhiều với môi trường độc hại có thể gây ra những biến chứng tới 2 thế hệ sau hay không.

Giáo sư Ruden cho biết: 'Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra việc tiếp xúc với chì khi mang thai ảnh hưởng đến quá trình methyl hóa ADN của các tế bào phôi thai, dẫn đến những thay đổi methyl hoá ADN ở thế hệ người cháu’. Ông chia sẻ thêm: 'Đây là bằng chứng bước đầu cho thấy việc tiếp xúc với môi trường độc hại khi đang mang thai có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều chứ không chỉ một thế hệ sau'. Nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả này sẽ giúp xác định những dấu hiệu thay đổi của gen để phát hiện bệnh sớm nhất.

'Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những bằng chứng cụ thể về việc tiếp xúc với chì gây hệ quả qua nhiều thế hệ'. Giáo sư Ruden cho biết thêm: 'Những biến đổi của quá trình methyl hoá ADN ở đời cháu sẽ không biểu hiện cụ thể ngay sau khi sinh nhưng sẽ dần trở nên rõ ràng hơn khi trưởng thành'.

Hồng Quân (Sciencedaily)

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!