Tiếp xúc với thủy ngân nguy hiểm thế nào?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/05/2024

Chuyên gia của Hello Bacsi khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của thuỷ ngân tới sức khoẻ và chia sẻ cách giảm thiểu việc tiếp xúc với thủy ngân.

Thủy ngân là một chất tự nhiên tồn tại trong không khí, nước và đất. WHO xem thủy ngân là một trong mười hóa chất hàng đầu gây nên các vấn đề sức khỏe cho cộng đồng. Tất cả chúng ta đều có thể tiếp xúc với bất cứ hình thái nào của thủy ngân trong nhiều trường hợp khác nhau. Thông thường, con người tiếp xúc chủ yếu xảy ra thông qua việc tiêu hóa cá, động vật giáp xác và hít phải hơi thủy ngân trong quá trình sản xuất của các ngành công nghiệp. Nấu chín thực phẩm cũng không thể loại bỏ thủy ngân.

Việc phát hiện ra thủy ngân trong không khí ở Hà Nội và vụ cá bị chết nhiễm độc nghi là thủy ngân vừa rồi khiến nhiều người hoang mang: liệu chúng ta đang tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ nào và việc này ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Chúng ta tiếp xúc với thủy ngân như thế nào?

Thủy ngân xuất hiện tự nhiên trong vỏ trái đất và được phân tán vào môi trường thông qua hoạt động của núi lửa, phong hoá đá và các hoạt động của con người, trong đó, hoạt động của con người là nguyên nhân chính giúp thủy ngân phát tán. Các hoạt động đó bao gồm việc vận hành các nhà máy sản xuất điện bằng phương pháp đốt than, đốt than để sưởi ấm và nấu ăn, các quy trình công nghiệp, lò đốt chất thải và các hoạt động khai thác mỏ thủy ngân, vàng và các kim loại khác.

Thủy ngân tồn tại ở nhiều dạng khác nhau: nguyên tố (hoặc kim loại), vô cơ (một số người có nghề nghiệp đặc thù thường phải tiếp xúc với dạng thủy ngân này) và hữu cơ (methylmercury). Con người chúng ta thường chủ yếu tiếp xúc với methylmercury khi ăn.

Khi được phân tán vào môi trường, thủy ngân có thể bị vi khuẩn biến đổi thành methylmercury. Methylmercury sau đó sẽ tích lũy vào trong cá và tôm cua. Hiện tượng tích lũy sinh học này xảy ra khi nồng độ chất trong một sinh vật cao hơn so với nồng độ của chất ấy trong môi trường xung quanh. Methylmercury cũng tích lũy sinh học tự nhiên từ động vật này sang động vật khác. Ví dụ, cá ăn thịt lớn có nhiều khả năng có hàm lượng thủy ngân cao bởi nó tích lũy thủy ngân thông qua việc ăn và tiêu hóa cá nhỏ cùng các sinh vật phù du khác.

Các dạng thủy ngân này rất khác nhau về mức độc tính và tác động lên hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, phổi, thận, da và mắt của con người.

Mức độ tiếp xúc với thủy ngân

Tất cả chúng ta đều tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ khác nhau. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc với thủy ngân ở mức thấp, thường là thông qua tiếp xúc mãn tính, liên tục hoặc không liên tục trong một thời gian dài. Tuy nhiên, một số người lại phải tiếp xúc thủy ngân nồng độ cao thông qua tiếp xúc cấp tính, xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, thường ít hơn một ngày. Ví dụ như tiếp xúc với thủy ngân do một tai nạn trong ngành công nghiệp.

Các yếu tố xác định ảnh hưởng của thủy ngân tới sức khỏe bao gồm:

  • Loại thủy ngân đã tiếp xúc;
  • Liều lượng thủy ngân đã tiếp xúc;
  • Tuổi của người tiếp xúc thủy ngân (thai nhi thường dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất);
  • Thời gian tiếp xúc;
  • Cách tiếp xúc (hít, nuốt phải hoặc tiếp xúc qua da).

Đối tượng nào có thể gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với thủy ngân?

Nhìn chung, có hai nhóm nhạy cảm với tác động của thủy ngân hơn hẳn các nhóm khác:

Nhóm thứ nhất là các bào thai trẻ sơ sinh. Tiếp xúc với thủy ngân trong tử cung có thể xảy ra khi người mẹ ăn cá và động vật giáp xác bị nhiễm thủy ngân. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi. Nói cách khác, thủy ngân có thể làm suy yếu sự phát triển thần kinh, vì vậy mà nhận thức, trí nhớ, khả năng chú ý, ngôn ngữ và các kỹ năng nhận thức không gian thông qua thị giác của thai nhi đều có thể bị suy yếu hoặc tổn hại.

Nhóm thứ hai là những người thường xuyên tiếp xúc (phơi nhiễm kinh niên) với thủy ngân nồng độ cao, chẳng hạn như những người làm các nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với chất này. Trong số những nước trọng nghề đánh bắt cá, 1,5/ 1000 cho tới 17/1000 trẻ em đều có dấu hiệu suy giảm nhận thức (chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ) do ăn phải cá có chứa thủy ngân. Các nước này bao gồm Brazil, Canada, Trung Quốc, Columbia và Greenland.

Ghi nhận về việc tiếp xúc với thủy ngân

Trong lịch sử, một sự việc đáng chú ý của việc tiếp xúc với thủy ngân gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe cộng đồng xảy ra ở Minamata, Nhật Bản vào giữa năm 1932 và năm 1968. Khi ấy một nhà máy sản xuất axit axetic đã thải chất thải ở dạng lỏng có chứa thủy ngân methylmercury nồng độ cao vào vịnh Minamata. Vịnh Minamata là nơi cung cấp nguồn hải sản dồi dào và cũng là nơi cung cấp kế sinh nhai chính cho ngư dân địa phương và ngư dân từ các khu vực khác. Trong nhiều năm trời, không ai nhận ra rằng cá tại vùng vịnh này đã bị nhiễm thủy ngân. Thủy ngân đã gây ra một căn bệnh lạ tại cộng đồng địa phương và các huyện khác. Ít nhất 50 000 người đã bị nhiễm bệnh và hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận tại vịnh Minamata. Căn bệnh Minamata đạt đỉnh điểm vào những năm 1950 với rất nhiều trường hợp bệnh nặng khiến nạn nhân bị tổn thương não, bại liệt, mất khả năng nói và mê sảng.

Để tìm hiểu thêm ảnh hưởng của thủy ngân và cách hạn chế tiếp xúc với thủy ngân tại Phần 2: “Ảnh hưởng khôn lường của thủy ngân tới sức khỏe con người”

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!