Tiểu đêm, khi nào là bệnh lý?

Cần biết - 11/24/2024

Tiểu đêm gặp ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ nhỏ, nhưng với người cao tuổi (NCT) thì gây không ít phiền muộn.

Tiểu đêm ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều trường hợp là do bệnh lý.

Vì sao NCT hay bị đi tiểu đêm?

Bình thường, bàng quang của người trưởng thành có dung dích khoảng từ 300 - 400ml chứa đựng nước tiểu. Nước tiểu là do thận bài tiết xuống chảy theo hai niệu quản (niệu quản phải và niệu quản trái) xuống bàng quang. Khi bàng quang đầy sẽ kích thích cơ thể gây nên phản xạ đi tiểu. Tuy vậy, bên cạnh phản xạ còn có tác dụng của điều hòa thần kinh theo ý muốn của con người.

Ví dụ, buồn tiểu nhưng giữa chỗ đám đông, đi trên tàu xe hoặc đang đi dạo phố mà chưa tìm thấy nhà vệ sinh, vẫn có thể nhịn tiểu được. Mặt khác, khi ngủ thì sự co bóp của bàng quang cũng tạm thời nghỉ cho nên mặc dù bàng quang đầy nước tiểu nhưng não bộ sẽ ức chế không gây co bóp bàng quang nên không gây phản xạ đi tiểu. Vì vậy, giấc ngủ vẫn ngon. Điều này cũng có thể giải thích tại sao ở một số trẻ, do hệ thống thần kinh chưa hoàn chỉnh nên có hiện tượng đái dầm lúc đang ngủ.

Tiểu đêm, khi nào là bệnh lý?

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân chính gây tiểu đêm ở nam giới cao tuổi

Người bình thường ban đêm hầu như không đi tiểu mà ngủ một mạch từ tối cho tới sáng mới đi tiểu. Vì vậy, tiểu đêm được hiểu là tình trạng phải tỉnh dậy nhiều hơn 1 lần vào ban đêm để đi tiểu và tình trạng đó diễn ra suốt trong một thời gian dài. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc chứng tiểu đêm cũng tăng lên (độ tuổi 20 - 50 là khoảng 5 - 15% đi tiểu đêm và khi tuổi trên 50 thì có tới trên 50%).

Tiểu đêm, khi nào là bệnh lý?

Tiểu đêm là hiện tượng rất hay gặp ở NCT, có thể là bệnh lý nhưng một số trường hợp là các lý do khác. Bởi vì ở NCT, một mặt do chức năng sinh lý bị suy giảm, mặt khác thường mắc một số bệnh hoặc là gián tiếp hoặc trực tiếp gây tiểu đêm. Thông thường, NCT ít ngủ hơn người trẻ (thời gian của giấc ngủ ngắn), đi ngủ sớm nhưng thức dậy cũng sớm. Ít ngủ lại dễ gây buồn tiểu và ngược lại, đi tiểu đêm nhiều lần lại càng dễ làm cho NCT mất ngủ, đây là một vòng luẩn quẩn.

Ngoài ra, mất ngủ sẽ làm cho nhiều bệnh nặng thêm, ví dụ như bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh rối loạn tuần hoàn não, bệnh suy nhược cơ thể, bệnh viêm đường tiết niệu hoặc bệnh về đường tiêu hóa (dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, viêm đại tràng co thắt). Ở NCT là nam giới, nếu bị u xơ tiền liệt tuyến, nhất là khi u xơ có kích thước lớn chèn ép vào cổ bàng quang thì hiện tượng tiểu đêm càng dễ gặp.

U xơ tiền liệt tuyến còn gây nên tiểu són, tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang càng gây phản xạ đi tiểu. Tiểu đêm có thể do mắc bệnh viêm tiết niệu cấp hoặc mạn tính không phân biệt nam hay nữ giới. Ở nữ giới có thể mắc một số bệnh về phụ khoa lúc còn trẻ nhưng không chữa trị, khi tuổi cao, bệnh trở thành mạn tính kéo dài và làm cho chứng tiểu đêm ngày càng tăng lên. Ngoài ra, tiểu đêm ở NCT còn do chế độ ăn uống không hợp lý.

Tiểu đêm, khi nào là bệnh lý?

Tiểu đêm khiến giấc ngủ NCT bị gián đoạn (Ảnh minh họa: Internet)

Bữa cơm tối, nếu ăn nhiều rau có tính chất lợi tiểu (rau cải) hoặc uống bia, nhất là bia lạnh hoặc uống nhiều nước cũng gây tiểu đêm. Hoặc nghiện cà phê, trà đặc, thuốc lá mà uống, hút trước khi đi ngủ tối cũng sẽ gây nên chứng tiểu đêm do tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn thì càng buồn đi tiểu.

Làm thế nào để phòng chứng tiểu đêm ở NCT?

Để phòng chứng tiểu đêm, NCT cần khám bệnh định kỳ để biết được nguyên nhân của nó, trên cơ sở đó có phương pháp xử trí (nếu tiểu đêm do bệnh lý gây nên thì tích cực chữa trị, nếu do các thói quen khác thì cần khắc phục). Bên cạnh đó, nên hạn chế ăn canh rau có tính lợi tiểu trong bữa cơm tối, hạn chế uống nước, uống bia, nhất là bia lạnh trước khi đi ngủ.

Buổi tối không nên uống cà phê, trà đặc hoặc hút thuốc lá. Để hạn chế uống nước thì không nên ăn mặn (với NCT, ăn mặn còn là một yếu tố nguy cơ tăng huyết áp). Trước khi  đi ngủ buổi tối, luôn luôn nhớ đi tiểu. Đối với những trường hợp NCT mắc một số bệnh đường tiết niệu (viêm, sỏi, u), bệnh tiểu đường, bệnh tiền liệt tuyến (nam giới), bệnh phụ khoa (nữ giới), cần điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh.

NCT nên tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày và trước khi đi ngủ buổi tối (càng tốt) để làm cho khí huyết lưu thông, mọi cơ quan hoạt động tốt hơn, giúp ngủ ngon hơn sẽ hạn chế tiểu đêm. Mùa lạnh, mỗi lần đi ngủ cần có chăn, đệm đủ ấm và tránh gió lùa (vì lạnh sẽ gây buồn tiểu do mạch ngoại vi co lại làm tăng áp lực trong lòng mạch, lượng nước tiểu tạo ra nhanh hơn, nhiều hơn và gây buồn tiểu).

>> Xem thêm: Tiểu đêm nhiều lần: Lợi hay hại?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!