Đau thắt lưng là một triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi. Đó là một triệu chứng của nhiều bệnh, đôi khi để lại những hậu quả xấu.
Một số nguyên nhân
Đau thắt lưng có nguồn gốc chủ yếu từ cột sống thắt lưng. Tuy vậy, bệnh còn nhiều nguyên nhân khác gây nên. Thông thường hay gặp nhất đau thắt lưng ở người cao tuổi là bệnh về xương khớp cột sống thắt lưng như: thoái hóa cột sống, bệnh thoái hóa đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm liên đốt sống hoặc rách, hẹp đốt sống, trật đốt sống, hoặc do viêm cột sống dính khớp, viêm cột sống do bệnh vảy nến, viêm khớp dạng thấp, loãng xương, áp-xe ngoài màng cứng hoặc do loãng xương hoặc do di căn của ung thư nào đó. Đau thắt lưng ở người cao tuổi cũng có thể do mắc một số bệnh ở đường tiết niệu, điển hình nhất là sỏi thận, sỏi niệu quản hoặc sỏi bàng quang hoặc mủ bể thận, ứ nước bể thận.
Đau thắt lưng cũng có thể do bệnh của dạ dày - tá tràng (viêm, loét, u, hẹp môn vị, thủng dạ dày…) hoặc do bệnh của viêm tụy tạng, viêm túi mật. Ngoài ra đau thắt lưng ở người cao tuổi còn có thể do bệnh của cơ quan ở hố chậu như: đại tràng, bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới) hoặc đôi khi do tâm lý (căng thẳng thần kinh). Nguyên nhân đau thắt lưng do sai tư thế (đi, đứng, bưng bê, mang vác) gặp khá phổ biến ở người cao tuổi hoặc do chấn thương mà hay gặp nhất là ngã với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Sai tư thế khi mang vác có thể gây đau thắt lưng
Biểu hiện khi đau thắt lưng
Tùy theo mức độ của bệnh mà sự lan tỏa khác nhau. Đau thắt lưng có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính, đau kéo dài hay từng đợt. Đau xảy ra đột ngột do tác động cơ học ngay tức thì như: bưng bê vật nặng, sai tư thế (bê chậu cảnh, xách xô nước, mang vác vật nặng sai tư thế hoặc vấp ngã…). Một số trường hợp do thoát vị đĩa đệm cấp tính xảy ra gây đau dữ dội, rất khó cử động hoặc thậm chí không cử động được phải nằm yên ở một vị trí. Đau có thể khu trú ở thắt lưng hay lan dọc theo cột sống, hoặc lan xuống một hoặc hai chân (do chén ép gây đau thần kinh tọa). Đau có thể tăng lên do động tác như: cúi, nghiêng, hoặc nâng vác, giảm đau khi nghỉ hoặc đau liên tục không liên quan đến động tác vận động của cột sống. Đau thắt lưng đôi khi kèm theo đau thượng vị, hố chậu, buồn nôn, nôn hoặc tiểu rắt, buốt, tiểu khó (bệnh dạ dày, bệnh của đường tiết niệu, tiền liệt tuyến).
Nguyên nhân đau thắt lưng rất đa dạng, phức tạp. Vì vậy, cần hỏi bệnh và khám lâm sàng thật kỹ, bên cạnh đó cần chụp X-quang với các tư thế thẳng, nghiêng, chếch cột sống thắt lưng hoặc chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị (để xác định sỏi tiết niệu). Nếu có điều kiện thì nên chụp tủy cản quang để chẩn đoán lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm hoặc rách đĩa đệm. Bên cạnh đó có thể chụp tủy cản quang. Phương pháp này thường có khả năng xác định u trong ống sống hoặc viêm màng nhện tủy.
Ảnh minh họa
Ở một số bệnh viện có thể thực hiện chụp đồng vị phóng xạ, tuy vậy, trong một số bệnh gây đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học, chấn thương và thậm chí trong đa u tủy hình ảnh chụp đồng vị phóng xạ có thể bình thường. Cần chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI). MRI là kỹ thuật có độ phân giải cao, là kỹ thuật thăm dò không chảy máu, rất có giá trị trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, các khối u trong tủy, viêm màng nhện và sự thâm nhiễm, phá hủy của đốt sống chèn ép các rễ thần kinh, sự biến đổi của các dây chằng. Ngoài ra, cần siêu âm hố chậu, ổ bụng để xác định các bệnh thuộc hệ tiết niệu, sinh dục và tiến hành các xét nghiệm máu để xem xét một số chỉ số cần thiết cho chẩn đoán bệnh. Nếu nghi ngờ đau thắt lưng do bệnh về đường tiêu hóa thì cần tiến hành các phương pháp khác (chụp X-quang hoặc nội soi dạ dày - tá tràng, đại tràng…).
Nguyên tắc điều trị và dự phòng
Để làm giảm bớt chứng đau thắt lưng có thể dùng các biện pháp như: xoa bóp, châm cứu, lý liệu pháp hoặc uống thuốc giảm đau. Tuy vậy, tất cả các việc làm này chỉ có tính chất tạm thời, giải quyết đau thắt lưng mang tính chất tình thế. Chứng đau thắt lưng được điều trị sớm, đúng sẽ làm cho bệnh giảm hoặc khỏi (loại bệnh nhẹ, mới xảy ra lần đầu).
Cách ngồi máy tính đúng tư thế
Cần giữ tư thế đúng trong sinh hoạt và vận động là một trong những biện pháp quan trọng nhằm phòng tránh chứng đau thắt lưng liên quan đến cột sống thắt lưng và các chấn thương cho cột sống. Cần điều trị các bệnh có liên quan đến đau thắt lưng một cách tích cực. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý với người cao tuổi để không bị thiếu canxi gây loãng xương.
Ảnh minh họa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!