Bản tin tuần này đưa tin về loại rượu độc chứa methanol pha từ nước và men siêu rẻ. Bên cạnh đó là lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng về 6 loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh cao.
Những nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 18:
• Đại biểu Quốc hội: Rau sạch khan hiếm, mỗi người chia nhau một... lá
• Bắt giữ 200kg hoa chuối ngâm hóa chất tẩy trắng
• Bò bị bơm nước căng phồng trước khi giết thịt
• Hãi hùng công nghệ chế biến rượu từ nước, men siêu rẻ
• Chuyên gia dinh dưỡng, luật sư về ngộ độc thực phẩm bật mí 6 món không bao giờ ăn
• Hàng loạt vụ vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng
Rau sạch khan hiếm, mỗi người chia nhau một... lá!
Đó là lời phát biểu của Đại biểu Bùi Sỹ Lợi tại phiên họp Quốc hội ngày 5/6 vừa qua về vấn đề an toàn thực phẩm. Các đại biểu Quốc hội cũng phát biểu, tranh luận sôi nổi về vấn đề sát sườn này. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đặt vấn đề, tại sao rất nhiều đoàn giám sát nhưng không hiệu quả?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ thực tế khan hiếm rau sạch. Ảnh minh họa
Khi nói về vấn đề khan hiếm thực phẩm sạch, đại biểu Lợi dẫn chứng: 'Hôm qua (4/6), tôi đi Sơn La để tìm hiểu việc phát triển kinh tế xã hội, về làm việc với tỉnh thấy địa phương này có chương trình làm rau sạch, thực phẩm sạch để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Khi về ăn thì chúng tôi đề nghị được ăn rau sạch xem nó như thế nào thì lãnh đạo tỉnh chỉ chia cho mỗi người được một lá rau sạch thôi...'.
Hoa chuối 'ngậm' hóa chất chuẩn bị lên mâm cơm thì bị bắt
Rau sạch khan hiếm thì chớ! Rau nhiễm thuốc trừ sâu, ngâm hóa chất tràn lan trên thị trường còn đáng lo ngại hơn.
Có lẽ, bạn sẽ phải suy nghĩ lại việc ăn rau sống, các món nộm khi biết ngày 10/6 vừa qua, công an tỉnh Hậu Giang bắt quả tang cơ sở dùng chất tẩy trắng công nghiệp Sodiumhydrosulfite tẩy trắng hơn 200kg bắp chuối bào để bán ra thị trường, 50% định tuồn về TP.HCM.
200kg bắp chuối bào ngâm chất tẩy trắng bị bắt quả tang - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại nơi sơ chế bắp chuối bào có hơn 1kg chất bột màu trắng còn nguyên nhãn ghi là chất tẩy công nghiệp tên Sodiumhydrosulfite, dùng để tẩy trắng trong ngành dệt, giấy… có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trên bao bì có dòng lưu ý 'tuyệt đối cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm dưới mọi hình thức dù ít hay nhiều'.
Hết rau bẩn lại đến thịt bò ngậm nước!
Chưa hết hoang mang vì rau sạch khan hiếm, rau ngậm hóa chất đầy rẫy trên thị trường... lại đến thông tin bò bị bơm nước căng phồng trước khi giết mổ.
Theo đó, lúc 19h ngày 13/6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam kiểm tra tại cơ sở giết mổ động vật của bà Ngô Thị Thanh Vân tại thôn Triêm Trung 1, xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) phát hiện ông Lê Thanh Truyền (SN 1974) đang tiến hành bơm nước vào 8 con bò trước khi giết mổ.
Nhiều con bò bị bơm căng nước trước khi giết mổ. Ảnh: Dân Trí
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cảnh báo, việc bơm nước vào trâu, bò sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàm lượng dinh dưỡng của thịt cũng thay đổi do bị phá vỡ tổ chức cấu trúc cơ thịt. Thịt trâu bò vì thế không còn ngon, mất giá trị dinh dưỡng.
Nguy hại hơn nếu chủ lò dùng nguồn nước ao, giếng khoan không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ thịt bị nhiễm khuẩn tiêu chảy Ecoli, các chất kim loại nặng càng lớn. Hệ quả với người dùng cũng từ đó nhân lên, đặc biệt là đối với những thực khách ưa thích món ăn tái.
Tiêu hủy 6.000 chai rượu chứa methanol vượt ngưỡng
Thời gian qua, cả nước có nhiều trường hợp tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó chủ yếu do ngộ độc methanol. Đáng buồn là tình trạng sản xuất rượu chui vẫn khá phổ biến. Ước tính của Hiệp hội rượu bia, nước giải khát thì mới có 15% cơ sở sản xuất rượu thủ công trên toàn quốc được cấp phép.
Cuộc chiến chống rượu độc (rượu pha cồn công nghiệp - methanol) vẫn còn dai dẳng, điển hình là ngày 13/6 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã tiêu hủy hơn 39.000 viên men rượu, hơn 6.000 chai rượu các loại như rượu gạo, rượu trắng, rượu sâm, rượu nếp, rượu thuốc... không rõ nguồn gốc, rượu tự ngâm, tự nấu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
QLTT TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Báo Công Thương
Đáng chú ý là họ dùng men rượu bán dưới dạng bột hoặc viên nén không nguồn gốc để tạo ra mùi hương khác nhau. Nếu uống phải loại rượu này thường dễ bị ngộ độc. Các loại rượu này cũng đều chứa thành phần aldehyde và methanol vượt ngưỡng cho phép.
Chuyên gia dinh dưỡng, luật sư về ngộ độc thực phẩm bật mí 6 món không bao giờ ăn:
Luật sư Bill Marler với kinh nghiệm trên 20 năm xử lý các vụ kiện liên quan tới ngộ độc thực phẩm - người đang nhận vụ kiện chống lại chuỗi cửa hàng Chipotle tại Mỹ sau khi để thức ăn bị nhiễm khuẩn E. coli và các loại virus gây bệnh tiêu chảy khác, đã bật mí những món ăn khiến ông sợ hãi, không dám mạo hiểm nếm thử.
1. Hàu sống
Ông Marler cho biết đã chứng kiến các vụ mắc bệnh sau khi ăn hàu sống trong vòng 5 năm trở lại đây nhiều hơn hẳn 2 thập kỷ trước. Ông cho rằng thủ phạm khiến hàu trở nên dễ gây bệnh là: hiện tượng nước biển ấm lên. Khi nước biển trên toàn cầu tăng nhiệt độ khiến các loại vi khuẩn sản sinh mạnh, ký sinh vào những con hàu mà mọi người thích ăn sống.
2. Rau, củ, quả được cắt rửa sẵn
Đây là loại thực phẩm mà ông Marler sẽ tránh xa như thể tránh bệnh truyền nhiễm. Tiện lợi có thể hữu ích, nhưng khi ngày càng nhiều người xử lý và chế biến thực phẩm sẵn sẽ càng thêm nguy cơ khiến thức ẩn bị nhiễm khuẩn.
3. Rau mầm tươi
Thời gian gần đây những ca dính bệnh liên quan đến việc ăn rau mầm – với trên 30 vụ bùng phát – chủ yếu là khuẩn salmonella và E. coli trong hai thập kỷ qua.
Luật sư Marler cho biết: 'Đã có quá nhiều đợt bùng phát để không lưu ý tới nguy cơ nhiễm độc rau mầm', ông Marler nói, 'những thứ này tôi chẳng bao giờ ăn cả'.
4. Thịt tái
Luật sư Marler sẽ không gọi món bít tết tái dưới mức độ chín trung bình. Theo các chuyên gia, thịt cần nấu ở nhiệt độ 160 độ C để tiêu diệt vi khuẩn như E. coli và salmonella.
5. Trứng sống
Theo Marler, nguy cơ bị nhiễm độc thực phẩm từ trứng sống hiện nay đã giảm so với 20 trước, nhưng ông vẫn sẽ không ăn món này.
6. Nước quả, sữa chưa tiệt trùng
Một phong trào hiện nay đang khuyến khích mọi người uống sữa và nước quả 'sống' vì cho rằng tiệt trùng sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng. Ông Marler tin rằng công nghệ tiệt trùng không gây nguy hiểm những thức uống tươi có thể gây nguy hiểm vì có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng.
Tiếp tục phanh phui hàng loạt vụ vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng
Tuần qua, lực lượng chức năng lại tiếp tục bắt giữ và phanh phui hàng loạt các vụ an toàn thực phẩm trên cả nước, điển hình như các vụ dưới đây:
- Khoảng 5h ngày 9/6, tổ công tác của Trạm CSGT quốc lộ IA (Công an tỉnh Thanh Hóa) kiểm tra hành chính xe tải BKS 43C – 054.57, tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển khoảng 4,5 tấn nội tạng bốc mùi hôi thối. Số thực phẩm bẩn trên chủ yếu là nội tạng lợn đã được ướp lạnh…
QLTT TP. Hồ Chí Minh tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Báo Công Thương
- Ngày 12/6, lực lượng Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện trên xe có chở 15 thùng xốp chứa 600kg cá giò đã bốc mùi hôi thối. Chủ sở hữu của lô hàng nhưng không xuất trình được bất cứ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
- Sáng 14/6, Công an tỉnh Quảng Nam xác nhận đã phát hiện một xe tải chở 1.200 kg mỡ động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!