Tin tức thế giới hôm nay 29/3
500 cảnh sát Mỹ dương tính nCoV, 11% trên tổng số xin nghỉ ốm
Mỹ hiện tại đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất Thế giới. Trong những bang chịu ảnh hưởng từ dịch, New York là nơi có thiệt hại lớn nhất. Ngày 27/3, giới chức thành phố này đã chia sẻ hiện có hơn 500 cảnh sát New York dương tính với virus Corona chủng mới, 11% trên toàn lực lượng (4.000 nhân viên) đang nghỉ việc ở nhà vì bệnh.
Theo New York Times, tổng số nhân viên của lực lượng cảnh sát bang này là 36.000 người, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh sẽ rơi vào 1 trên 80. Cảnh sát bang này cũng cho hay trong hơn 500 trường hợp nhiễm nCoV có 442 người mặc cảnh phục, 70 người còn lại làm nhiệm vụ dân sự. Bà Giacomina Barr-Brown, một nhân viên dân sự đã làm việc 7 năm cho tổ chức này được thông báo đã qua đời tại nhà ngày 26/3 sau khi dương tính với Covid-19.
Hơn 500 nhân viên làm việc trong lực lượng cảnh sát New York đã nhiễm Covid-19 và nhiều dự đoán rằng số ca sẽ còn có thể tăng (Ảnh: Getty Images)
Khi dịch bùng phát mỗi lúc một mạnh mẽ hơn nhất là tại New York, cảnh sát đã phải tăng cường thực thi việc hạn chế tụ tập đông người. Tuy nhiên thời tiết ấm lên khiến nhiều người muốn ra ngoài hơn vào ngày 27/3, thị trưởng của thành phố đã buộc phải cho phép cảnh sát phạt tiền những ai không chấp hành quy định giữ khoảng cách an toàn.
Số trường hợp cảnh sát New York nhiễm bệnh quả thực đã tăng mạnh so với con số trước đó là 211. Cảnh sát thành phố này cũng ra thông cáo 'số ca nhiễm sẽ còn tăng, vì bản chất của virus này' trong tuần qua, tuy vậy, họ vẫn khẳng định sự vắng mặt của những nhân viên cảnh sát chỉ có tác động nhỏ đến hoạt động chung của lực lượng.
Tính đến ngày 27/3, New York đã có 44.635 người dương tính với nCoV, 519 ca đã tử vong. Hơn 6.400 người nhập viện, trong đó 1.583 trường hợp cần được điều trị tích cực (theo ABC 7).
Nhiều ổ dịch mới có thể bùng phát tại Mỹ
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất Thế giới với hơn 104.000 người nhiễm, hơn 1.700 trường hợp đã tử vong. Trong đó, bang New York trở thành bang chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, theo thực trạng các ca nhiễm đang gia tăng không kiểm soát thì giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng nhiều ổ dịch mới có thể bùng phát ngoài New York.
Hiện, hệ thống y tế của New York đang trong tình trạng quá tải. Một cơ sở y tế ghi nhận đến 13 người chết trong vòng 24 giờ, một bệnh viện đã phải xây nhà xác dã chiến vì số người chết quá tải. 4 bệnh viện dã chiến hiện đang được chính quyền của bang và Vệ binh Quốc gia xây dựng nhanh nhất có thể.
Tàu bệnh viện USNS Mercy tiến vào cảng Los Angeles hôm 27/3 (Ảnh: USMC)
Dù cho số ca lây nhiễm mới mỗi ngày tại bang này dường như đang có xu hướng giảm nhưng thống đốc Andrew Cuomo vẫn đưa ra nhận định rằng dịch sẽ chuẩn bị đạt đỉnh tại bang trong vòng 21 ngày nữa.
Bên cạnh đó, hạt Los Angeles, bang California đã chứng kiến những trường hợp nhiễm Covid-19 tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Giám đốc Y tế Barbara Ferrer cảnh báo số người nhiễm nCoV tại Los Angeles có thể tăng gấp đôi sau mỗi 4 ngày trong 3 tuần tới. Nhiều người cũng bày tỏ sự quan ngại đây có thể trở thành ổ dịch mới của nước Mỹ.
Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams đưa ra dự đoán về những ổ dịch mới tại thành phố Detroit, Chicago và New Orleans. Ông phát biểu: 'Virus và cộng đồng địa phương sẽ quyết định tốc độ lây lan, chứ không phải quan chức ở thủ đô Washington D.C. Mọi người cần theo dõi dữ liệu và đưa ra quyết định đúng đắn, đồ thị ca nhiễm ở mỗi nơi sẽ khác nhau'.
Đức kéo dài lệnh phong tỏa
Đức vừa ra thông báo rằng nước này sẽ kéo dài thêm thời gian có hiệu lực của lệnh phong tỏa, ít nhất là đến ngày 20/4 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây nhiễm của virus Corona chủng mới. Trường học, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và những hoạt động giải trí khác cũng buộc phải dừng lại cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Helge Braun, chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Market đưa ra thông báo hôm 28/3: 'Chúng tôi sẽ không thảo luận bất cứ phương án nới lỏng hạn chế nào cho tới ngày 20/4. Từ giờ đến lúc đó, tất cả biện pháp sẽ giữ nguyên. Nếu chúng tôi kiềm chế được tốc độ lây nhiễm của nCoV, khiến số ca bệnh mất tới 10, 12 hoặc nhiều ngày hơn để tăng gấp đôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi đang đi đúng hướng'.
Tại Munich, một người dân đang đứng trước một cửa hàng đóng cửa do lệnh phong tỏa (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Market cũng gửi lời cảm ơn đến toàn bộ công dân của mình vì đã thực hiện đúng lệnh phong tỏa. Bà cho biết: 'Khi chứng kiến mọi người hầu như thay đổi hoàn toàn cách cư xử, đại đa số thực sự tránh mọi tiếp xúc không cần thiết do nguy cơ lây nhiễm, tôi đơn giản muốn nói cảm ơn các bạn từ tận đáy lòng'.
Bà cũng không chắc về thời gian khó khăn do Covid-19 sẽ kéo dài trong bao lâu. Hiện, Đức vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa đã được ban hành vào giữa tháng 3, không chỉ có những dịch vụ trong nước mà Đức cũng đã đóng biên, cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài.
Hiện, Đức có hơn 53.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong số đó khoảng 400 người đã thiệt mạng và hơn 6.600 ca đã phục hồi. Nhờ vào xét nghiệm quy mô lớn, có đủ giường bệnh chăm sóc đặc biệt và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả nên dù có là vùng dịch lớn, Đức dường như vẫn đang kiểm soát được dịch khá tốt.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!