Tinh hoàn lạc chỗ

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Tinh lạc chỗ là một khiếm khuyết về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới, các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông.

Con tôi thấy có những bất thường cơ quan sinh dục, đi khám bác sĩ chẩn đoán là tinh hoàn lạc chỗ. Vậy tôi xin hỏi, bệnh trên được hiểu như thế nào, nguyên nhân và cách điều trị? Nếu không điều trị có nguy cơ nghe nói vô sinh sau này?

(Hoàng Thùy Dương - TP.HCM)

Ở điều kiện sinh lý bình thường, trong giai đoạn đầu của nam thai nhi, tinh hoàn nằm trong ổ bụng, sau đó tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra. Nhưng vì lý do nào đó, tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai gọi là tinh hoàn lạc chỗ. Tinh lạc chỗ là một khiếm khuyết về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới, các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Tỉ lệ bị tinh hoàn lạc chỗ gặp ở khoảng 3 - 4% trẻ khi sinh, tỉ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi,…

Về nguyên nhân, sự di chuyển từ bụng xuống bìu của tinh hoàn chịu sự tác động của rất nhiều cơ chế, nếu những cơ chế này bị ảnh hưởng sẽ làm tinh hoàn không xuống được tới bìu như do bị rối loạn trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, suy tuyến yên, làm thiếu gonadotropin gây tinh hoàn lạc chỗ và chứng dương vật nhỏ lại. Do sai lệch tổng hợp testosterone, trường hợp này là thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase… làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường. Do hội chứng giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen, từ giảm khả năng cảm nhận của các thụ thể androgen bé trai vẫn phát triển nhưng sự phát triển các chức năng sinh dục nam bị ảnh hưởng, trong đó có sự di chuyển của tinh hoàn. Do ảnh hưởng Estrogen, khi người mẹ mang thai nhi nam do dùng diethylstilbestrol nhiều hay kháng androgen thì thai nhi có nguy cơ bị tinh hoàn lạc chỗ. Do bất thường về phát triển của dây chằng tinh hoàn - bìu, làm cho tinh hoàn nằm lơ lửng trên cao, không xuống được tới bìu; do các yếu tố cơ học gây cản trở sự di chuyển của tinh hoàn như cuống mạch của tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn…

Về nguy cơ vô sinh, nếu chỉ bị lạc chỗ một bên tinh hoàn thì vẫn có khả năng có con, còn nếu bị cả hai tinh hoàn thì nguy cơ vô sinh rất cao.

Về điều trị, cần phát hiện sớm và điều trị trước 2 tuổi, trước hết cần được điều trị nội khoa, tức là dùng thuốc, với các thuốc nội tiết được dùng như HCG với biệt dược Pregnyl 500 UI, 1000 UI, 1500 UI/ 1 ống, không dùng quá 15.000 đơn vị cho một đợt điều trị, vì có thể gây tác dụng phụ; trẻ từ 1 - 2 tuổi, dùng liều 300 đơn vị tiêm bắp, 3 ngày tiêm 1 lần với tổng liều 9 lần; trẻ từ 3 - 7 tuổi, liều 700 đơn vị cho một lần tiêm; trẻ lớn hơn 7 tuổi, liều 1.500 đơn vị cho một lần tiêm hoặc dùng GnRH dưới dạng xịt mũi với liều 1,2mg/ ngày hay có thể sử dụng phối hợp GnRH và HCG. Nên nhớ rằng thuốc này sử dụng nhất định phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi điều trị nội khoa không kết quả, thì chuyển sang phẫu thuật đưa tinh hoàn ra ngoài ổ phúc mạc, bóc tách, kéo dài cuống tinh hoàn để hạ được tinh hoàn xuống bìu. Điều trị phẫu thuật đưa tinh hoàn lạc chỗ là một phẫu thuật bảo tồn, cho nên cần được tiến hành bởi có các bác sĩ là những phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm.

BS.CKI. Trần Quốc Long

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!