Thời tiết giao mùa, khiến cu Bi (8 tháng tuổi) nhà chị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) bị sốt, quấy khóc ngằn ngặt, không chịu uống sữa. Cặp nhiệt độ cho con thấy cu cậu sốt 38 độ chị Dung liền lôi miếng dán hạ sốt mới mua dán vào trán cho bé.
Chị Dung đinh ninh chỉ vài tiếng sau bé nhà chị sẽ hạ sốt vì miếng dán này chị phải cất công nhờ người quen mua hàng xách tay. Tuy nhiên, đến gần trưa cu Bi vẫn sốt cao, chị dán tiếp 2 miếng vào nách và bẹn cho con. Vậy mà chỉ 3 tiếng sau khi dán hạ sốt lần 2, cu Bi bỗng mệt lả, khó thở.
Cu Bi được mẹ đưa đi khám tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai. Sau khi thăm khám bác sĩ cho biết bé bị viêm đường hô hấp dẫn tới sốt. Tuy nhiên, do tình trạng viêm nhiễm lâu, không được điều trị kịp thời, bé sốt cao nhưng lại không được hạ sốt đúng cách nên bệnh trở nặng, dẫn tới biến chứng viêm phổi.
Trẻ nhỏ thường bị sốt vào đêm nên các bà mẹ rất vất vả khi phải thức trắng đêm theo dõi, cách vài tiếng lại phải lấy nước ấm chườm cho con hoặc dùng thuốc hạ sốt. Chính vì vậy nhiều bà mẹ lựa chọn miếng dán hạ sốt vì cho rằng nó tiện lợi và lại an toàn vì chỉ dùng ngoài da mà lại tiện lợi, nhàn hạ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện nay có rất nhiều bà mẹ ưa chuộng sử dụng miếng dán hạ sốt cho trẻ. Hầu hết bé nào bị sốt được bế vào BV đều có dán miếng ở trán.
Tuy nhiên, PGS.TS Dũng khẳng định việc lựa chọn miếng dán hạ sốt chỉ khiến phụ huynh tốn tiền, thậm chí còn gây hại cho trẻ. Lý giải điều này, PGS.TS Dũng cho biết, hiện cho có công trình khoa học nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn.
Việc dán cho trẻ trong vòng 6-8h tiếng cũng gây hại khiến khoảng da đó không được trao đổi khí ra bên ngoài, lỗ chân lông bít lại sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên, việc sờ trán thấy mát chỉ là cảm giác ảo chứ không phải cơ thể hạ nhiệt thật. Điều này hết sức nguy hiểm vì bé bị sốt cao hơn, bệnh trở nặng mà không biết.
Nhiều phụ huynh cứ thấy con sốt là dán miếng hạ sốt (Ảnh: Internet)
Với trẻ bị sốt cao lâu không được hạ nhiệt kịp thời rất dễ dẫn tới co giật, gây biến chứng về não. 'Một số loại miếng dán hạ sốt có chứa tinh dầu menthol, không được khuyến khích dùng cho da trẻ em, đặc biệt là với trẻ có cơ địa dị ứng vì có thể gây kích ứng da, sẩn ngứa, mẩn đỏ. Thậm chí, với trẻ sơ sinh bị dị ứng với tinh dầu này có thể gây ảnh hưởng chức năng hô hấp', BS Dung cho biết.
BS Dũng chia sẻ, bản thân ông cũng đã từng gặp trường hợp bệnh nhi bị nổi mụn, sẩn ngứa vùng da có dán miếng hạ sốt do cha mẹ quá lạm dụng, cứ vài tiếng lại bóc ra dán miếng mới lên trán cho bé trong nhiều ngày liền. Những trường hợp này khi vào viện BS phải yêu cầu cha mẹ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và ngừng ngay việc dán miếng hạ sốt.
Hiện nay, miếng dán hạ sốt được các bà mẹ ưa chuộng là loại lạnh, hạ nhiệt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài. Tuy nhiên, BS Dũng cho biết hiện nay Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên sử dụng các biện pháp chườm lạnh để hạ sốt cho trẻ. Đặc biệt trẻ bị sốt do viêm phổi nếu hạ sốt bằng phương pháp chườm lạnh sẽ làm tăng việc sử dụng oxi trong cơ thể khiến bệnh phổi nặng hơn.
Bác sĩ khuyên cha mẹ không nên tốn tiền mua miếng dán hạ sốt cho trẻ, kể cả miếng dán có xuất xứ nước ngoài được quảng cáo rầm rộ có thể hạ sốt ngay lập tức. Khi trẻ bị sốt, biện pháp hiệu quả nhất là uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, trong khi chờ trẻ hạ sốt, hãy dùng khăn nhúng nước ấm để lau người cho trẻ. Chú ý khăn phải luôn ấm trong suốt quá trình lau.
Nếu chỉ dùng khăn ấm đắp lên trán sẽ không có tác dụng mà phải đặt khăn vào các vị trí sau: 2 khăn ở 2 hõm nách, 2 khăn ở 2 bên bẹn, 1 khăn lau khắp cơ thể trẻ. Cha mẹ cần thay khăn sau 2-3 phút và đo nhiệt độ cơ thể trẻ ở nách sau 15-30 phút. Nếu thấy nhiệt độ trẻ hạ xuống dưới 38,5 độ C thì có thể ngừng lau mát bằng khăn ấm.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng chung
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!