Trẻ chậm mọc răng: Ba mẹ có nên lo lắng?

Chăm sóc răng miệng - 04/25/2024

Lần đầu tiên con lật, nói, đi hay học răng… luôn mang lại niềm hạnh phúc vô tận cho ba mẹ. Vậy nên khi thấy trẻ chậm mọc răng, phụ huynh thường lo lắng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết vấn đề. Tình trạng chậm mọc răng này đôi khi chỉ do di truyền nhưng đôi khi là do một bệnh lý nào đó.  

Lần đầu tiên con lật, nói, đi hay mọc răng… luôn mang lại niềm hạnh phúc vô tận cho ba mẹ. Vậy nên khi thấy trẻ chậm mọc răng, phụ huynh thường lo lắng tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết vấn đề. Tình trạng chậm mọc răng này đôi khi chỉ do di truyền nhưng đôi khi là do một bệnh lý nào đó.  

Thông thường, chiếc răng đầu tiên của trẻ thường xuất hiện khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi nhưng thời điểm mọc răng có thể khác nhau ở nhiều trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ đã trên 13 tháng tuổi và vẫn chưa mọc chiếc răng đầu tiên thì có thể coi đó là tình trạng trẻ chậm mọc răng. Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ chậm mọc răng và cách xử trí hiệu quả trong trường hợp này nhé!

Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm mọc răng

Khi một vài chiếc răng đầu tiên của trẻ còn được gọi là răng sữa xuất hiện, là thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng. Bạn có thể tham khảo thời điểm trẻ mọc răng sữa và thay răng sữa trong bảng sau:

Trẻ chậm mọc răng: Ba mẹ có nên lo lắng?

Nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng

Chiếc răng đầu tiên của bé thường xuất hiện khi bé 6 tháng tuổi, sau đó bé sẽ mọc thêm những chiếc răng sữa khác theo khung thời gian trên. Một số trẻ có thể mọc răng hơi chậm hơn so với các trẻ khác nhưng nếu sau 13 tháng mà trẻ vẫn chưa mọc chiếc răng đầu tiên thì bạn cần tìm hiểu nguyên nhân.

1. Trẻ chậm mọc răng do di truyền

Yếu tố di truyền có những ảnh hưởng nhất định và có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng chậm mọc răng ở trẻ. Nếu người thân, đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống gần gũi như ông bà, bố mẹ cũng chậm mọc răng thì thường trẻ cũng sẽ có thể chậm mọc răng.

Bạn nên hỏi cha mẹ, họ hàngxem trong gia đình có ai chậm mọc răng không. Nếu có, có khả năng trẻ chậm mọc răng là do yếu tố di truyền.

2. Trẻ chậm mọc răng do thiếu dinh dưỡng

Nếu trẻ không bú đủ sữa mẹ hay sữa công thức hoặc do bản thân sữa công thức chưa cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trẻ cần, trẻ sẽ có thể bị thiếu chất và dẫn tới chậm mọc răng. Khả năng hấp thụ dinh dưỡng giai đoạn đầu đời của trẻ cũng rất quan trọng. Một số trẻ có khả năng hấp thu dinh dưỡng kém nên cũng dễ bị thiếu chất.

Sữa mẹ có chứa lượng canxi mà trẻ cần cho sự sinh trưởng và phát triển của xương và răng. Sữa công thức cũng thường chứa canxi, phốt-pho, vitamin A, C, D giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Canxi là thành phần rất cần thiết cho một hàm răng chắc khỏe nên bạn hãy cho con bú đủ để bé có đủ chất này. Nếu cho con uống sữa công thức, bạn hãy chọn sữa có chứa đủ canxi cho bé.

3. Trẻ chậm mọc răng do suy giáp

Suy giáp là tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Suy giáp thường ảnh hưởng tới nhịp tim, trao đổi chất và nhiệt độ của cơ thể. Nếu trẻ có dấu hiệu bị suy giáp thì có thể chậm mọc răng, chậm biết đi và chậm biết nói.

Biến chứng khi trẻ chậm mọc răng

Sau 6 tháng mà chưa thấy trẻ mọc răng, cha mẹ không nên quá lo lắng vì có bé mọc răng sớm giai đoạn 4–6 tháng nhưng cũng có trẻ tới 9–10 tháng, thậm chí 1 tuổi mới mọc răng. Tuy nhiên, nếu tới 13 tháng tuổi mà chiếc răng của bé vẫn chưa xuất hiện thì cha mẹ cần lưu ý vì chậm mọc răng có thể gây ra một số biến chứng như:

– Sâu răng.

– Răng vĩnh viễn của trẻ phát triển không bình thường.

– Tình trạng răng hai hàm do răng vĩnh viễn mọc cùng lúc với răng sữa mọc chậm.

– Khó nhai và ăn thức ăn rắn. Răng rất cần thiết để giúp trẻ có thể nhai thức ăn và thưởng thức món ăn.

Cách xử trí khi trẻ chậm mọc răng

Trẻ chậm mọc răng: Ba mẹ có nên lo lắng?

Có một việc ba mẹ có thể làm để bổ sung canxi và những dưỡng chất cho con nếu thấy trẻ chậm mọc răng.

• Bổ sung dinh dưỡng cho mẹ:Trong thời gian cho con bú, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng, tránh kiêng khem quá mức gây thiếu dinh dưỡng. Mẹ nên trú trọng các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và nên uống thêm sữa nếu cần. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có đủ sữa cho bé bú và chất lượng sữa mẹ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bé.

• Bổ sung dinh dưỡng cho bé: Nếu bé uống sữa công thức, bạn hãy lựa chọn sữa công thức phù hợp kết hợp ăn dặm đúng cách.

• Tắm nắng: Cả mẹ và bé đều cần được bổ sung đầy đủ vitamin D để hỗ trợ hấp thụ canxi. Vitamin này được tổng hợp dưới da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên mẹ và bé cần tắm nắng vào những thời điểm hợp lý để đảm bảo không bị thiếu hụt vitamin D.

Khi nào cần đưa trẻ chậm mọc đi khám?

Trước tiên, bạn cần hỏi những người thân thiết trong gia đình (đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống gần gũi) để xác định trẻ chậm mọc răng có do di truyền hay không. Bạn nên chia sẻ thông tin này với bác sĩ nhi khoa khi đưa trẻ đi khám.

Nếu không có ai trong gia đình bị chậm mọc răng, ba mẹ nên theo dõi các dấu hiệu khác như mức độ tăng cân, việc ăn uống, giấc ngủ… của con để xem con có bị chậm phát triển không. Nhiều người xem việc trẻ chậm mọc răng cho thấy trẻ thông minh, tuy nhiên điều này không đúng. Nếu trẻ chậm mọc răng có dấu hiệu phát triển không bình thường như khóc khò khè, táo bón, hoặc có nhịp tim bất thường, bạn hãy đưa trẻ đi bác sĩ.  

Nếu trẻ đã 13 tháng tuổi mà vẫn chưa mọc chiếc răng đầu tiên, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ nhi khoa sẽ giúp xác định nguyên nhân khiến trẻ chậm mọc răng như thiếu chất, suy giáp hay các nguyên nhân khác. Bác sĩ cũng có thể thực hiện nhiều xét nghiệm, bao gồm cả chụp X-quang để xác định nguyên nhân và có giải pháp can thiệp kịp thời.

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trẻ sốt mọc răng: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
  • 12 điều bạn nên biết khi mọc răng khôn
  • Bạn sẽ làm gì khi bé mọc răng quấy khóc ban đêm?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!