Trẻ liệt cánh tay sau sinh đã không còn hiếm gặp

Nuôi dạy con - 05/14/2024

Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay thường bị do lực kéo quá mức của các dây thần kinh.

Chấn thương này thường xuất hiện trong quá trình sinh đẻ, gây tổn thương  dây thần kinh vận động ở cánh tay, dẫn đến tình trạng liệt cánh tay sau sinh.

Trẻ bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thường có triệu chứng không ngửa được cẳng tay, không gập được khuỷu tay, không dang được tay hay xụi lơ cánh tay. Cụ thể, bên tay lành trẻ vẫn cử động bình thường, nhưng bên tay tổn thương sẽ yếu, không hoạt động bình thường hoặc hoàn toàn không cử động được.

Mỗi năm ước tính khoảng 1000-1500 trẻ bị chấn thương đám rối thần kinh cánh tay.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc phải chấn thương này là 1-1,2%o số trẻ đẻ ra. Ước tính Việt Nam có 1,5 triệu em trẻ ra đời mỗi năm, như vậy sẽ có khoảng 1000-1500 trẻ sinh ra mắc tổn thương liệt đám rối thần kinh cánh tay. Trong đó, 50% số ca bệnh có thể phục hồi được mà không cần can thiệp, còn lại khoảng 600-700 ca cần can thiệp phẫu thuật.

Trẻ nặng trên 4kg dễ bị chấn thương

Trẻ liệt cánh tay sau sinh đã không còn hiếm gặp

Trẻ nặng trên 4000 g có nguy cơ cao hơn trẻ khác (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh là do tai biến sản khoa trong lúc người mẹ sinh thường. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ quá to do bà mẹ có cân nặng lớn, hoặc bị tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, các yếu tố như kích thước khung xương chậu của mẹ, cân nặng hay vị trí thai nhi trong quá trình chuyển dạ cũng là nguy cơ tiềm ẩn. Trẻ sơ sinh có trọng lượng trên 4kg chào đời qua đường âm đạo có nguy cơ cao bị chấn thương đám rối thần kinh cánh tay. Tổn thương này cũng xảy ra ở những trẻ có ngôi mông, dù cân nặng sơ sinh thấp.

Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay có các mức độ tổn thương khác nhau

Ở mức độ nhẹ, trẻ chỉ bị yếu bên cánh tay bị tổn thương. 3 tháng đầu sau sinh, trẻ sẽ có dấu hiệu hồi phục dần và 1 năm sau sẽ hồi phục hoàn toàn.

Ở mức độ vừa, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay được gọi là liệt cao. Tức là trẻ chỉ bị tổn thương đám rối các rễ thần kinh C5, C6 (thần kinh cột sống thứ 5 và thứ 6). Với các trường hợp này sẽ có chỉ định phẫu thuật và nếu được mổ sớm thì việc phục hồi cánh tay của trẻ cũng rất tốt.

Mức độ nặng hơn, trẻ bị tổn thương toàn bộ rễ của đám rối thần kinh cánh tay (tổn thương các rễ thần kinh từ C5, C6, C7, C8 đến N1 - thần kinh ngực). Tổn thương xảy ra ở nhiều dạng là đứt dây thần kinh đám rối hoặc giật đứt toàn bộ rễ thần kinh đám rối. Những trường hợp này cần phải phẫu thuật sớm mới có hi vọng phục hồi được chức năng cánh tay cho trẻ.

Phát hiện và điều trị sớm, trẻ vẫn có khả năng phục hồi bình thường

Thời gian tốt nhất cho việc phục hồi là trẻ được tiến hành phẫu thuật trong khoảng thời gian 3-12 tháng tuổi. Đến khi hơn 1 tuổi mới phẫu thuật thì kết quả phục hồi không được cao. Theo thống kê trên thế giới, khoảng 50-60% trẻ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay có thể hồi phục được bằng các biện pháp châm cứu, mát-xa, phục hồi chức năng; 30-40% còn lại trẻ cần phải được can thiệp bằng phẫu thuật.

Khoảng vài năm trở lại đây, khi Việt Nam đã có thể thực hiện những ca phẫu thuật phục hồi tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, ngày càng nhiều trường hợp trẻ với chấn thương như vậy được chẩn đoán và tiếp nhận điều trị. Nếu phẫu thuật sớm, chức năng cánh tay sẽ phục hồi được khoảng 80-85%, có trẻ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện điều trị khi đã quá muộn nên không thể phục hồi được chức năng cho trẻ và cánh tay bị liệt vĩnh viễn.

Nhằm đảm bảo cho sự an toàn và phát triển bình thường của trẻ, hãy tích cực theo dõi, cho trẻ đi khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường về khả năng vận động của trẻ để sớm phát hiện những tổn thương và có phương pháp điều trị, phục hồi hiệu quả.

>> Xem thêm: Tê liệt thần kinh nếu nhiệt độ điều hòa quá thấp

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!