Triệu chứng ung thư vòm họng dễ bị bỏ qua

Cần biết - 05/06/2024

Ung thư vòm họng thường ít biểu hiện đặc thù ở những giai đoạn sớm nên khó phát hiện.

Giống như nhiều loại ung thư khác, bệnh ung thư vòm họng thường ít biểu hiện đặc thù ở những giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường không để ý và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang khi chỉ bị đau đầu hoặc ngạt mũi thoáng qua.

3 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là bệnh lý có tính đặc thù theo khu vực. Theo ghi nhận, tại Hà Nội, ung thư vòm họng là bệnh đứng hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung, và là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.

Tuy nguyên nhân dẫn đến loại ung thư này chưa được khẳng định chính xác, nhưng có ba yếu tố chính được xác định là làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Đó là vi-rút Epstein-Barr, yếu tố di truyền và môi trường.

Ngoài ra, còn phải kể đến cả thói quen ăn uống như ăn quá nhiều cá muối từ khi còn nhỏ, ăn nhiều thực phẩm bảo quản hoặc lên men và hút thuốc lá.

Giống như nhiều loại ung thư khác, bệnh ung thư vòm họng thường ít biểu hiện đặc thù ở những giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường không để ý, và hay nhầm với các bệnh viêm mũi xoang. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua. Các triệu chứng thường xảy ra ở một bên.

Đôi khi có xuất hiện hạch cổ ngay từ đầu, hạch nhỏ không đau. Về sau, mũi chảy máu hoặc tắc nghẽn, đờm có máu, tai có thể bị ảnh hưởng, cổ sưng lên từ các hạch bạch huyết phình to, mí mắt rủ, hoa mắt, mặt tê.

Triệu chứng ung thư vòm họng dễ bị bỏ qua

Biểu hiện ung thư vòm họng thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác (Ảnh: Internet)

Điều trị đúng hướng, cơ hội chữa khỏi khả quan

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi là hoàn toàn có nếu được điều trị đúng hướng và tích cực. Tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể đạt tới từ 97 - 100% ở những nước phát triển.

Ở những giai đoạn sau, tỷ lệ này giảm đi và nếu chỉ xạ trị đơn thuần thì khả năng tái phát là rất cao, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ còn từ 10 - 40%.

Phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh ung thư vòm họng trước kia là xạ trị, còn hoá trị chỉ áp dụng điều trị khi đã có di căn xa hoặc tái phát mà xạ trị không còn khả năng kiểm soát.

Tuy nhiên, xu hướng mới hiện nay là hoá - xạ trị kết hợp đối với bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển tại vùng bao gồm: điều trị hoá chất tân bổ trợ, điều trị hoá chất bổ trợ, và điều trị hoá chất xen kẽ trong thời gian xạ trị giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát bệnh.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vòm họng đang dần tăng thêm. Ở những nước phát triển như Mỹ, Singapore, với phương pháp điều trị tích hợp toàn diện, tỷ lệ sống thêm 5 năm của những người được chẩn đoán ung thư vòm họng vào khoảng 98-100% cho giai đoạn I; Giai đoạn II: 95%; Giai đoạn III: 86%; Giai đoạn IV: 73%.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh ung thư vòm họng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!