Trò chuyện với trẻ 1-3 tháng tuổi

Làm mẹ - 05/13/2024

Bé sẽ phản ứng với giọng nói của bạn bằng cách im lặng, mỉm cười, hứng thú và huơ huơ chân tay.

Đây là giai đoạn thú vị cho các ông bố bà mẹ-bé có sự tiến bộ vượt bậc trong chuyện giao tiếp. Bé sẽ nhận ra bố, mẹ, cười to, la hét và mỉm cười một cách ngây ngô. Tính cách của bé bắt đầu thể hiện rõ rệt hơn, và bé sẽ trở thành một thành viên tích cực trong gia đình bạn.

Bé giao tiếp như thế nào?

Khóc vẫn tiếp tục là cách chuyện trò chủ yếu của bé trong nhiều tháng. Bên cạnh mục đích cho bạn biết bé cần gì, bé có thể khóc khi có quá nhiều ánh sáng hoặc âm thanh xung quanh. Đôi khi bé khóc chẳng vì lý do gì. Đừng vội lo lắng khi bé khóc mà bạn không thể an ủi.

Bé sẽ phản ứng với giọng nói của bạn bằng cách im lặng, mỉm cười, hứng thú và huơ huơ chân tay. Bé sẽ bắt đầu mỉm cười thường xuyên với cha mẹ trong giai đoạn này. Bé chắc sẽ không cười và tỏ ra thân thiện với người lạ mặt, nhưng lại nhanh chóng thân quen sau những tiếng nựng hoặc cử chỉ trêu đùa, hay có khi chỉ là một cái nhìn tò mò.

Trò chuyện với trẻ 1-3 tháng tuổi

Trẻ ở lứa tuổi này sẽ nhận ra rằng mình có khả năng phát ra âm thanh. Chẳng mấy chốc bạn sẽ có một cỗ máy ậm ừ, ư ử trong nhà. Một số bé sẽ tạo ra những âm như ah-ah, ooh-ooh, khi được 2 tháng tuổi. Bé sẽ nói với bạn bằng đủ thứ âm thanh, sẽ cười với bạn, chờ phản ứng của bạn, rồi phản ứng với nụ cười của bạn bằng nụ cười của mình. Đôi chân tay của bé sẽ cử động, bàn tay xoè ra. Bé thậm chí bắt chước cả nét mặt của bạn.

Bạn nên làm gì?

Em bé sẽ rất thích nghe giọng nói của bạn, vì vậy hãy nói, nựng, hát và ru bé trong suốt những tháng đầu này. Đáp ứng nhiệt tình những âm thanh và nụ cười của bé. Nói cho bé biết bé đang nhìn gì và làm gì, cũng như những gì bạn đang làm. Đọc tên những đồ vật thân quen khi bạn mang đến cho bé. Đọc truyện cho bé nghe, thậm chí ở lứa tuổi này, nó cũng giúp cho sự phát triển của não. Bằng cách lắng nghe bạn, bé sẽ hiểu được tầm quan trọng của tiếng nói, trước khi bé có thể hiểu và lặp lại từng từ.

Hãy tận dụng chính cách nói chuyện của bé để giao tiếp với bé. Nếu bạn thấy bé phát ra âm nào, hãy lặp lại và chờ bé tạo ra âm khác. Bằng cách đó, bạn đang dạy cho bé những bài học giá trị về âm điệu, nhịp điệu, và cách thay phiên nhau khi nói chuyện với người khác. Bạn cũng gửi tới thông điệp rằng bé rất quan trọng để được lắng nghe. Đừng lơ đãng hoặc quay đi khi bé đang nói chuyện. Hãy cho bé thấy bạn rất hứng thú và bé có thể tin tưởng bạn.

Trò chuyện với trẻ 1-3 tháng tuổi

Trẻ ở tuổi này thường phản ứng tốt nhất với giọng nữ, một thứ về truyền thống gắn liền với sự yên ấm và thức ăn. Đó là lý do vì sao hầu hết mọi người đều cao giọng hơn và biến đổi tiếng nói của mình khi trò chuyện với trẻ em. Điều đó là rất tốt. Việc nói chuyện theo cách của trẻ sẽ không ngăn cản quá trình phát triển tiếng nói. Hãy thoải mái kết hợp những từ ngữ người lớn với âm điệu của trẻ con. Đó là lúc bạn đang đặt nền móng cho những từ ngữ đầu tiên của trẻ.

Đôi khi bé sẽ không hứng thú nói chuyện hoặc phát ra âm thanh, bé cũng cần không gian riêng của mình. Nếu bé quay đi, nhắm mặt hoặc trở nên cau có, hãy để bé ở đó. Bé có thể cần thoát ra khỏi những kích động ở thế giới xung quanh.

Cũng có lúc bạn thấy mình đã đáp ứng mọi nhu cầu của bé, mà bé vẫn khóc. Đừng hoảng sợ, bé của bạn có thể quá kích động, bị đau bụng hoặc có quá nhiều năng lượng và cần được khóc cho thỏa thê. Rất bình thường nếu bé thường xuyên có giai đoạn quấy nhiễu vào mỗi tối, thường là trong khoảng đầu tối tới nửa đêm. Điều này có vẻ mệt mỏi, nhưng bạn cứ yên tâm, nó sẽ không kéo dài quá 3 tháng đầu.

Bạn có thể làm nhiều thứ để dỗ dành bé. Nhiều bé thích được an ủi bằng hành động như đưa nôi, bế qua bế lại trong phòng, trong khi những bé khác lại phản ứng với âm thanh như nhạc nhẹ, tiếng kêu của máy hút bụi. Bạn cần mất một chút thời gian để tìm ra cách hiệu quả nhất an ủi bé trong giai đoạn căng thẳng này.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!