Trường hợp thứ nhất là bé Hà Minh T, 26 tháng tuổi, nhà ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, theo ghe của gia đình đi bán tạp hóa dọc sông Tiền, đến Mỹ Tho thì neo ở bến sông. Trong lúc mẹ đang giặt quần áo, em ngồi kế bên dùng một nhánh cây quơ quơ con vịt nhựa đang nổi lênh đênh dưới sông sát cạnh chiếc ghe. Khi con vịt trôi ra xa, em chồm ra khều nó vào, bỗng nhiên mất thăng bằng em lọt tõm xuống sông. Mẹ em thấy vậy với tay chụp bé T, nhưng không kịp. Bà mẹ hốt hoảng la to cho mọi người xung quanh đến giúp cứu bé T. Ba của bé T đang ngồi trước mũi ghe vội nhào xuống sông vớt bé, nhưng không tìm thấy. Mãi một lúc sau, khi có nhiều người đến giúp thì mới vớt được bé T lên bờ, người ta sốc nước cho cháu, sau đó đưa vào bệnh viện tỉnh. Tại bệnh viện, bé hôn mê sâu, phải thở máy, đồng tử hai bên mắt đã giãn rộng, chứng tỏ não bé bị tổn thương rất nghiêm trọng do bị ngạt nước quá lâu. Sau này nếu cháu được cứu sống thì sẽ để lại di chứng thần kinh rất nặng.
Trường hợp thứ hai, bé Ngô Thanh N, 16 tháng, nhà ở xã Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang. Bé N được mẹ giao cho đứa anh 10 tuổi trông coi ở nhà trên, mẹ xuống nhà dưới nấu cơm. Một lúc sau mẹ bé N lên không thấy bé N đâu, chỉ có đứa anh trai ngồi bấm điện thoại, khi mẹ hỏi bé N đâu thì mới tá hỏa đi tìm. Đứa anh trai nói mới thấy bé N đang rửa mặt ngay xô nước trong góc nhà. Khi đến xô nước, mẹ bé N nhìn thấy hai chân của N nằm vắt bên ngoài, đầu thì chúi vào xô nước, bất động. Mẹ bé N như muốn rụng rời tay chân, luống cuống bế N ra khỏi xô, rồi sốc nước một lúc, thấy cháu khóc được nên đưa vào bệnh viện. Sau hai ngày điều trị thì bé N tỉnh lại, thoát qua cơn hiểm nghèo.
Mùa hè, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết tránh bị ngạt nước (Ảnh: Internet)
Qua các trường hợp cấp cứu theo dân gian kể trên, đa số là sốc nước, tức làm cho nước từ họng chảy ra ngoài bằng cách nắm hai chân nạn nhân lên xốc ngược, rồi chạy vòng vòng, điều này làm kéo dài thới gian thiếu oxy não của bé, khiến cho não bị tổn thương nghiêm trọng. Cách đúng nhất là khi đưa người ngạt nước lên cần kiểm tra xem người đó có thở được hay không. Nếu người bị nạn không thở được cần phải hồi sức ngay. Nếu trẻ bị ngạt nước tại sông suối, kênh, rạch... cần kiểm tra xem có vật gì trong miệng và nhanh chóng lấy ra bằng tay.
Tiếp đến là tiến hành hà hơi thổi ngạt cho người bị nạn. Thổi 2 cái có hiệu quả (thổi có hiệu quả là nhìn thấy lồng ngực nạn nhân nhô lên theo nhịp thổi, hoặc thổi 5 cái với nhịp bình thường). Sau đó, nếu nạn nhân ngưng tim thì nhanh chóng ấn ấn tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức của nạn nhân, nếu trẻ dưới 1 tuổi, dùng hai ngón tay cái ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú khoảng bằng bề ngang một ngón tay, ấn tim 5 cái, thổi ngạt 1 cái; nếu trẻ trên 1 tuổi và người lớn, dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau ấn vào phía trên mỏm ức khoảng 2 lần bề ngang của ngón tay, ấn 15 cái, thổi 2 cái.
Để tránh trẻ bị ngạt nước, nên trông giữ trẻ cẩn thận, luôn trông chừng khi trẻ tắm, không cho trẻ chơi nghịch gần nơi có nước. Các dụng cụ chứa nước trong nhà hồ nước, lu, khạp, thùng, xô, thau… phải đậy kín. Nếu trẻ lớn phải tập cho trẻ biết bơi và trang bị kiến thức cấp cứu ngạt nước cho tất cả học sinh và thầy cô giáo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!