Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 2 bé mới 20 tháng và 13 tháng trong trạng thái hôn mê, phù não vì ngạt nước. Cả hai bé đều chìm rất lâu trong nước người nhà mới phát hiện nên dù bác sĩ đã cố gắng cứu chữa, các bé vẫn không qua khỏi.
Trường hợp đầu tiên là bé trai P.T.T., 20 tháng tuổi. Người nhà đi kiếm xung quanh nhưng không thấy bé, một lúc lâu sau mới phát hiện bé nổi lên tại ao nuôi tôm gần nhà. Khi được đưa lên, bé đã tím tái, ngưng tim ngưng thở. Người nhà cho biết đã xốc nước cho bé và di chuyển nạn nhân đến một bệnh viện quận ở TP HCM.
Thời gian từ khi phát hiện bé đến lúc tiếp cận nhân viên y tế mất khoảng 20 phút. Tại đây, bé được hồi sức tim phổi rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong trạng thái tim phổi vẫn không thể tự vận hành, đồng tử đã giãn. Khi đó đã là gần 1 giờ sau khi nạn nhân được phát hiện.
Sau một thời gian cố gắng hồi sức tích cực, tim bé có đập lại, tuy nhiên sau đó vài giờ vẫn tử vong dù các bác sĩ đã cố gắng dùng nhiều phương tiện cứu sống.
Trường hợp thứ 2là một bé gái khoảng 13 tháng tuổi, được một cơ sở y tế ở Đồng Nai chuyển đến. Theo người nhà, bé được phát hiện khi đã ngã chúi đầu vào xô nước. Mực nước tuy chỉ khoảng 2 tấc nhưng do bé quá nhỏ nên vẫn ngạt nước, ngưng thở và tím tái.
Sau khi sơ cứu tại địa phương, bé được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 trong trạng thái hôn mê sâu, phù não, đồng tử giãn. Sau 2 ngày nỗ lực cầm cự, bé cũng không qua khỏi.
Theo BS Đinh Tấn Phương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, tai nạn đuối nước rất phổ biến trong dịp hè. Mỗi năm, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ nhận khoảng 20-30 ca, tuy nhiên đó là những trường hợp rất nặng, đã ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện tuyến tỉnh, quận huyện.
BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20-30/năm ca ngạt nước (Ảnh minh họa: Internet)
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20-30 ca ngạt nước trong tình trạng rất nặng, khoảng 3 - 4 ca trong số này tử vong, nhiều ca khác cũng bị di chứng não nặng nề.
Bác sĩ Phương khuyên với dạng tai nạn này, phòng ngừa và sơ cứu đúng cách đóng vai trò rất quan trọng. Những xô, thau chứa khoảng 1 tấc nước có vẻ không có gì quá nguy hiểm, nhưng nếu những em bé ở tuổi chập chững biết đi - cũng là tuổi rất thích nghịch nước - ngã vào theo hướng chúi đầu thì nguy cơ đuối nước là rất cao bởi trẻ không thể tự thoát ra được. Thời gian trẻ chìm hay ngập đầu trong nước chỉ cần quá 4 phút thì trẻ sẽ bị thiếu oxy não nặng, nguy cơ không phục hồi.
Ngoài ra, nạn nhân đuối nước đã bị ngưng thở cần được sơ cứu ép tim, thổi ngạt ngay sau khi được đưa lên vì nếu cứ để vậy mà di chuyển đến cơ sở y tế, nạn nhân có thể tử vong trên đường do thời gian ngưng tim, ngưng thở quá dài.
Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút. Nếu không hiệu quả, nên gọi cấp cứu 115 và tiếp tục ép tim, thổi ngạt trong khi chờ nhân viên y tế đến cấp cứu nâng cao. Nếu tự di chuyển, nên dùng ô tô, taxi và đặt trẻ lên mặt phẳng cứng, lúc này cũng tiếp tục ép tim, thổi ngạt cho đến khi đến được cơ sở y tế gần nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!