Trực tiếp: Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Chương trình được phát trực tiếp trên Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn.

Bệnh suy giảm tuần hoàn máu là do máu trong cơ thể không được lưu thông tốt, dẫn tới các rối loạn tuần hoàn não hay thiểu năng tuần hoàn não. Đây là chứng bệnh phổ biến ở nước ta, đặc biệt ở người cao tuổi.

Biến chứng nặng nhất của rối loạn tuần hoàn não là đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, đây là căn bệnh nguy hiểm thường gặp vào mùa đông hoặc những khi thời tiết thay đổi.

Để giúp người dân có thêm kiến thức phòng bệnh suy giảm tuần hoàn máu, Báo điện tử Suckhoedoisong.vn phối hợp cùng Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề 'Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu'.

Khách mời tham dự chương trình có:

PGS.TS. TTUT Kiều Đình Hùng - Chuyên gia về phẫu thuật và điều trị các bệnh cột sống và thần kinh sọ não- Phó Giám đốc trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Bác sĩ CK II Phạm Thủy Phương, Phó trưởng khoa lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu (P1)

MC: Thưa quý vị và các bạn, máu là nguồn dinh dưỡng quý giá của cơ thể. Máu lưu thông tốt giúp toàn bộ lục phủ ngũ tạng khoẻ mạnh và ngược lại máu lưu thông kém sẽ gây ra thiếu máu, dẫn tới một loạt các chứng bệnh từ âm thầm, khó chịu đến nguy hiểm. Các thống kê cho thấy, bệnh suy giảm tuần hoàn máu là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau ung thư và tim mạch, trong đó thiếu máu não chiếm tới 25% tổng số các tai biến mạch máu não. Vậy bệnh suy giảm tuần hoàn máu là gì? Nguyên nhân do đâu?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Suy giảm tuần hoàn máu là tình trạng máu lên não thiếu. Não thiếu máu gây ra 1 số rối loạn phức tạp.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh:

- Nguyên nhân toàn thân

- Nguyên nhân tại mạch máu não

- Nguyên nhân có tổn thương thực thể, tổn thương mạch

- Nguyên nhân khác

MC: Vậy khi mắc bệnh suy giảm tuần hoàn máu, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng gì? Triệu chứng nào hay gặp nhất, thưa Bác sĩ CK II Phạm Thủy Phương, Phó trưởng khoa lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh?

BS Phạm Thủy Phương: Thiếu máu não gây ra đau đầu kéo dài, hoa mắt chóng mặt, rối loạn trí nhớ, giảm trí nhớ, vắng ý thức tạm thời, quên những việc làm hàng ngày, khó vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu, mệt mỏi toàn thân, chân tay tê bì, đau cổ vai gáy...

MC: Được biết, bệnh suy giảm tuần hoàn máu có thể dẫn đến chứng rối loạn tuần hoàn não, gây nên các biến chứng nặng nề? Vậy PGS.TS Kiều Đình Hùng có thể làm rõ các biến chứng nặng do bệnh suy giảm tuần hoàn máu gây ra là gì không?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Thiếu máu làm cho não thiếu dinh dưỡng, não sẽ chết dần, mất trí nhớ, người bệnh có thể lẫn hoặc quên. Thiếu máu não cấp tính gây ra nhồi máu não, động kinh, xuất huyết não trong khối nhồi máu...

Lan Anh (30 tuổi): Tôi đi làm về mệt nên cứ ngả lưng là ngủ được ngay nhưng rất dễ thức giấc dù chỉ là tiếng động nhỏ. Sau đó tôi rất khó ngủ tiếp hoặc ngủ tiếp được nhưng mơ mơ màng màng và sáng dậy thiếu ngủ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài 2 tháng rồi, tôi thấy sức khỏe giảm sút hẳn. Mong BS tư vấn giúp tôi bị bệnh gì, điều trị ở đâu thì tốt?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Thông tin cung cấp không đầy đủ, thuộc về rối loạn giấc ngủ. Thiếu máu não gây khó ngủ, hay mơ, người mệt mỏi do não không được cung cấp đủ oxy, kèm theo ù tai, chóng mặt, hay quên... Thiếu máu não cần điều trị sớm. Não không được cung cấp đủ gluco sẽ bị tổn thương, gây nhiều biến chứng. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được tư vấn cụ thể.

Tuan (tuantt@gmail.com.vn): Tôi năm nay 37 tuổi tôi hay bị đau đầu vì công việc phải ngồi máy tính nhiều. Đến tối thì tôi cảm giác buồn ngủ rất sớm chỉ nằm xem phim là tôi cũng có thế đi vào giấc ngủ, nhưng đến 3, 4h sáng tôi lại không thể ngủ lại đươc. Vậy cho tôi hỏi có cách nào khắc phục tình trạng đau đầu và cải thiện đươc giấc ngủ của tôi không? chân thành cảm ơn bác sỹ.

BS Phạm Thủy Phương: Thiếu máu lên não gây co thắt mạch não, đau đầu, mất ngủ, bạn nên đi khám ở cơ sở y tế để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau đầu. Nếu đau đầu do thiếu mãu não, bạn cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập và chế độ dinh dưỡng đầy đủ mới cải thiện được sức khỏe.

MC: Thưa ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với người bị thức giấc nhiều lần trong đêm hay mất ngủ kinh niên như 2 trường hợp vừa rồi thì có những bài thuốc gì từ những thực phẩm thông dụng hàng ngày có thể áp dụng để chữa chứng mất ngủ này không?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Cung cấp đầy đủ chất đạm bằng sắt: trứng, gan, tim, bầu dục, thịt bò, gà; bằng Vitamin B1: gấc, đậu đỗ, các loại hạt, thịt... giúp dẫn truyền thần kinh tốt bằng Magie, vitamin B6: rau xanh, cải bó xôi, súp lơ, các loại hạt bằng. Chất tryptophan trong chuối giúp thư giãn não, tốt cho dẫn truyền thần kinh.

Trực tiếp: Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu

Bác sĩ CK II Phạm Thủy Phương, Phó trưởng khoa lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh

Khánh Ngọc (56 tuổi, Hà Đông): Chào chương trình, chào BS, tôi 56 tuổi thường bị chứng đau nửa đầu, cơn đau xuất hiện bất chợt nhưng kéo dài 1-2 ngày, rất khó chịu. Ngoài ra còn bị suy giảm trí nhớ. Tôi có uống hoạt huyết dưỡng não để hỗ trợ nhưng không thấy đỡ, tình trạng này cứ kéo dài tôi thấy mệt mỏi. Vậy chứng đau đầu này của tôi có nguy hiểm không, có cần đi chụp CT kiểm tra không? Mong nhận được tư vấn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Trường hợp của bạn có thể là đau nửa đầu do vận mạch. Nên đi kiểm tra, siêu âm xương sọ, chụp cộng hưởng từ mạch máu não. Nên điều trị sớm, kiểm tra mạch não xem có vấn đề gì không.

Anh Khôi (khoianh@gmail.com): Mẹ tôi năm nay gần 50 tuổi. Nghề nghiệp giáo viên, cách đây mấy năm mẹ tôi đã bị tai nạn,từ đó mỗi khi trở trời mẹ tôi lại thấy đau đầu. Nhưng cách đây một tuần trước mẹ tôi thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và mẹ tôi đã ngất xỉu. Bác sĩ nói mẹ tôi bị rối loạn tuần hoàn não. Vậy tôi muốn hỏi bệnh đó được chữa trị phương pháp nào là tốt nhất ? Nếu uống thuốc thì nên uống loại thuốc gì? Và bệnh này có ảnh hưởng nhiều tới súc khỏe không ạ? Mong nhận được sự giúp đở của các bác sĩ,để mẹ tôi hết hẳn bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn!

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Tốt nhất đi kiểm tra sức khỏe tổng thể xem cơ thể có bị thiếu máu hay không. Ngoài ra, loại trừ nguyên nhân thiếu máu toàn thân có thể xem có bị thiếu máu não không, thiếu máu do vận mạch chẳng hạn. Điều trị không khó lắm. Các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh sẽ tư vấn cụ thể cho mẹ bạn.

Tuấn Anh (35 tuổi): Tôi là kỹ sư CNTT hay bị đau đầu, đau vùng sau gáy, lan đến vùng bả vai. Những đợt làm dự án căng thẳng, anh bị đau đầu nhiều hơn, không tập trung được vào CV và anh phải uống thuốc giảm đau thường xuyên. Lo lắng về tình trạng này, anh gửi mail tới CT hỏi có phải stress là nguyên nhân khiến anh đau đầu không? Làm thế nào để chấm dứt tình trạng này bởi anh thường xuyên phải làm việc căng thẳng?

BS Phạm Thủy Phương: Stress là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu của anh. Làm việc căng thẳng dẫn đến co thắt vận mạch não, uống thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giảm đau tại chỗ, có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, nguy hiểm nhất có thể gây xuất huyết dạ dày, tiêu hóa. Không tự ý dùng thuốc giảm đau khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Rối loạn tuần hoàn não chiếm 70% nguyên nhân gây đau đầu. Muốn dứt cơn đau đầu ngay cần dứt bỏ công việc, vận động nhẹ nhàng, đến nơi thoáng khí, hít thở sâu, cung cấp oxy cho cơ thể. Có kế hoạch làm việc, tập luyện nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với bệnh lí thiếu máu não.

Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu (P2)

Xuxu khờ: Chuyên gia cho cháu hỏi năm nay cháu 23 tuổi mà hay bị hoa mắt chóng mặt, đặc biệt đến kỳ kinh nguyệt mất nhiều máu, bệnh đau đầu tái phát và đặc biệt khi thay đổi thời tiết cũng đau đầu. Cháu hay bị mất tập trung vào việc học nữa. Nhiều lần đi khám ở các bệnh viện lớn thì bác sĩ không xác định chính xác được bệnh của cháu, họ chỉ nói cháu bị huyết áp thấp và đau đầu thôi. Mặc dù cháu uống nhiều loại thuốc mà không khỏi nên giờ cháu không uống thuốc gì. Có phải cháu bị bệnh tuần hoàn não không ạ. Cháu cảm ơn các chuyên gia nhiều.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Trường hợp này thường là thiểu năng tuần hoàn não. Nếu tim co bóp yếu thì não cũng sẽ bị thiếu máu. Một trong những nguyên nhân thiếu máu não là huyết áp thấp. Rối loạn kinh nguyệt khiến bệnh nặng hơn do cơ thể bị mất máu. Tốt nhất là cháu nên tập luyện thể thao. Dùng thuốc tăng huyết áp phải rất cẩn trọng. Những người bị viêm mũi xoang dẫn đến trao đổi máu kém, thiếu oxy gây đau đầu, chóng mặt, người mệt mỏi, không muốn làm việc. Cần khám bệnh, chữa trị cẩn thận vì bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não càng lớn tuổi, bệnh càng nặng.

Trực tiếp: Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu

PGS.TS. TTUT Kiều Đình Hùng - Chuyên gia về phẫu thuật và điều trị các bệnh cột sống và thần kinh sọ não- Phó Giám đốc trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Nguyễn Anh Hào (haonguyen@yahoo.com): Tôi rất hay bị đau đầu, đau nhiều nữa đầu trái, kèm theo các biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, nhiều khi bị ngất, nhất là khi ngồi làm việc bằng máy tính thấy rất mệt mỏi và ói. Gần đây thị lực giảm và nhức mỏi mắt. Tôi đã đi khám và điện não bác sĩ kết luận tôi bị chứng rối loạn tuần hoàn não. Tôi uống thuốc nhưng không thấy đỡ vẫn mệt, đau đầu nhất là khi trời nắng. Tôi xin hỏi bác sĩ về những triệu chứng của bệnh rối loạn tuần hoàn não, bệnh này có nguy hiểm không, cách điều trị như thế nào? Có chữa hết được không? Tôi xin chân thành cảm ơn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Đau đầu, chóng mặt khi thay đổi tư thế, ù tai, nhức mỏi mắt. Khi thay đổi thời tiết rất hay đau đầu. Khó ngủ, thậm chí ngủ mơ. Bạn cần khám để loại trừ trường hợp bị u dây thần kinh số 8 (dây thần kinh nghe) sẽ gây ù tai, nặng tai, chóng mặt, đau đầu. Tuy nhiên tỉ lệ người mắc bệnh này không nhiều, điều trị bằng thuốc và tập luyện, có thể hòa nhập cuộc sống bình thường.

MC: Vậy với người cao tuổi đau nửa đầu thì nên có chế độ ăn uống như thế nào, bổ sung dưỡng chất gì, liều lượng ra sao, để cải thiện tình trạng suy giảm tuần hoàn máu?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Bệnh hay gặp ở nam, nữ, mọi lứa tuổi. Thiếu nước cũng là nguyên nhân gây đau đầu nên cần uống đủ nước, hạn chế nước khoáng. Ăn thực phẩm giàu kali như chuối, dưa hấu. Omega-3, DHA tác dụng dẫn truyền thần kinh nên cần ăn nhiều cá biển, cá mòi, tăng cường dầu ô-liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành... Thực phẩm giàu vitamin nhóm B như rau cải, bó xôi, xà lách, súp lơ, đậu đỗ, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, uống sữa...

Minh Thu (30 tuổi, ở Bắc Giang): Chào chương trình và chuyên gia, cháu là NV văn phòng, tuy nhiên, thường xuyên làm việc căng thẳng, suy nghĩ nhiều, nên hay bị đau đầu, kiểu đau nhói, buốt, trán nóng, choáng váng, làm mất khả năng tập trung. Một số chị em ở văn phòng cháu cũng bị như vậy. Biểu hiện như vậy là mức độ bệnh của cháu có nặng hay không? Cháu nên đi khám và làm xét nghiệm gì, ở đâu an tâm thưa BS?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Nhân viên văn phòng thường làm việc trong môi trường điều hòa thiếu oxy não, căng thẳng, gây đau đầu, giảm khả năng tập trung, chóng mặt, trong khi não cần lượng oxy lớn. Cần tập thể thao để giảm stress, tim đập tốt, ra mồ hôi giúp thải độc khỏi cơ thể, làm việc trong môi trường thoáng hơn (có thể mở cửa sổ).

Quang Trung (Nghĩa Đàn, Nghệ An): Cháu đang ôn thi hết kỳ nên hay thức đêm để học, gần đây cháu thường thấy bị hoa mắt, đau đầu căng thẳng, không tỉnh táo, lại hay nhớ nhớ quên quên. Không hiểu sao lại xuất hiện những triệu chứng lạ đó mà trước đó, cháu vẫn khỏe mạnh, trí não tốt. Vậy BS cho cháu lời khuyên điều trị dứt điểm bệnh để thi đạt kết quả tốt. Cháu cảm ơn!

BS Phạm Thủy Phương: Sức khỏe tốt do nghỉ ngơi, làm việc, học tập không phải thức đêm. Não làm việc nhiều, thức đêm nhiều gây rối loạn giấc ngủ, cơ thể mệt mỏi. Cách học này không có hiệu quả. Cần thời gian biểu rõ ràng, chế độ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc (người trẻ có thể ngủ 6 tiếng/ngày). Trí não mệt mỏi không tập trung vào việc học được, trí não giảm sút, hiệu quả học tập sẽ không cao. Nên ngủ trước 12h. Chúc cháu có một kì thi tốt.

Thuy Tran (thuytran@gmail.com): Em năm nay 28 tuổi đã sinh em bé đã được 3 năm. Sinh xong em bé thì em bị sút cân dần và bây giờ em không thể béo được hiên tại em cao 1m56, 41kg và ăn uống tinh bột tốt, nhưng thịt cá ăn nhiều là có cảm giác buồn nôn nên trong bữa ăn em chỉ ăn một lượng nhất đinh. Em gặp tình trạng cứ đến mùa đông là hay bị đau đầu, em tự mua hoạt huyết để uống, và uống được nửa năm thì em dừng. Trong thời gian uống thuốc thì có bớt đau đầu hẳn, nhưng khi dừng được vài ba tháng thì tình trang đau đầu của em lại quay trở lại. Em có đi khám nhưng không ra bệnh gì mà chỉ nói do huyết áp của em thấp nên gây ra tình trạng đau đầu. BS có thể cho em xin lời khuyên, hoặc có thể khám ở đâu thì tốt ạ? Em cảm ơn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Trường hợp của bạn có thể là thiểu năng tuần hoàn não, đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên không đơn thuần chỉ là uống thuốc, cần nghỉ ngơi, tập luyện hoặc có  chế độ dinh dưỡng hợp lí. Bạn có thể đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để được khám và chẩn đoán chính xác.

Trực tiếp: Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu

ThS.BS. Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

MC: Thưa quý vị khán giả, khí huyết ứ trệ, kém lưu thông, lượng máu đến vùng cổ - vai gáy suy giảm còn gây mỏi - tê đau cứng phẩn cổ - vai gáy. Vậy triệu chứng này thường xảy ra ở lứa tuổi nào, làm những ngành nghề đặc trưng nào thưa BS Phạm Thủy Phương, Phó trưởng khoa lão, Bệnh viện Tuệ Tĩnh?

BS Phạm Thủy Phương: Khí huyết kém lưu thông do chúng ta kém vận động, không tập thể dục thể thao thường xuyên. Xã hội hiện nay, công việc thường ngồi 1 chỗ, khí huyết khó lưu thông. Các triệu chứng bạn vừa nêu, nhiều khả năng do rối loạn tuần hoàn não gây nên. Lứa tuổi hay gặp là tuổi trung niên, người cao tuổi do mạch máu bị tổn thương, thành mạch hoạt động kém. Tuy nhiên người trẻ bị bệnh ngày càng nhiều do ít vận động.

Hải Yến (38 tuổi, giáo viên): Em bị đau âm ỉ vùng vai gáy từ 2 năm nay. Nhiều lúc đau mỏi lan từ gáy xuống bả vai, hai tay, có cảm giác như bị điện giật, phải nhờ con gái xoa bóp cho đỡ. Em phải dán cao giảm đau, đi khám Đông, Tây vẫn không khỏi. Em định sắp tới sẽ đi châm cứu, không biết có hiệu quả không. Mong BS cho lời khuyên?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Thoái hóa đốt sống cổ gây hẹp động mạch, chèn ép động mạch nên bệnh nhân hay bị thiểu năng tuần hoàn não, đau mỏi vai gáy. Trường hợp của bạn nên khám chuyên khoa thần kinh sọ não, chụp cộng hưởng từ.

Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu (P3)

MC: Thưa ThS.BS. Lê Thị Hải,thực phẩm nào giúp cải thiện tình trạng khí huyết ứ trệ, kém lưu thông? Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bị đau mỏi vai gáy nên tập luyện hình thức thể dục thể thao nào?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Khí huyết kém lưu thông, nguyên nhân chính do ít vận động. Tập luyện thể dục tốt cho mọi lứa tuổi, tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp lưu thông khí huyết, xương khớp dẻo dai hơn. Người già có thể chỉ cần đi bộ hàng ngày hoặc áp dụng những bài tập riêng chữa bệnh đau mỏi vai gáy. Nhân viên văn phòng sau mỗi giờ làm việc nên vận động đi lại, khí huyết khỏi bị ứ trệ. Chế độ ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, giàu DHA, omega-3, sắt, rau xanh, hoa quả... Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các loại thuốc hoạt huyết dưỡng não giúp khí huyết lưu thông dễ dàng hơn.

MC: Quý vị thân mến, bệnh suy giảm tuần hoàn máu ngoài tác động tới bộ não, vai gáy, còn ảnh hưởng tới chân tay. Cơ bắp không đủ máu cùng oxy và dinh dưỡng sẽ nhanh chóng bị mỏi khi hoạt động thể lực, làm tích tụ a-xít lactic gây chuột rút, tê bì, lâu ngày có thể bị nhão, teo hoặc hoại tử cơ. Liên quan đến vấn đề này, 1 khán giả 62 tuổi ở Nam Định gửi thư tới chương trình hỏi: Chào chuyên gia và BBT chương trình, 5 năm trở lại đây, tôi thường bị đau nhức xương khớp, mỏi tay mỏi chân dù không làm việc gì nặng nhọc, tôi vẫn duy trì đi bộ và tập thể dục tại chỗ đều đặn nhưng không thấy đỡ. Nhiều lúc trở trời, chân tay cứ nặng như chì, các khớp xương cảm giác nhức, đứng lên ngồi xuống mỏi lắm. Mong BS tư vấn giúp cách nào giảm đau nhức xương? Tôi cảm ơn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Triệu chứng anh kể giống bệnh viêm đa khớp. Người cao tuổi có thể gặp tổn thương thần kinh ngoại biên gây nhão cơ. Thiếu máu ở chi gây viêm tắc động mạch, chân teo dần, hoại tử khô, thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, nhiều trường hợp phải cưa chân. Ở nước ta, tình trạng ô nhiễm rất nhiều, như môi trường sống, tiếng ồn, khí thải, dinh dưỡng, đặc biệt là ô nhiễm văn hóa (thường xuyên ức chế, căng thẳng), đối diện với nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, cùng với việc chưa thoát khỏi bệnh nhiễm trùng. Tai biến tim mạch, sọ não, tiểu đường... ngày càng gia tăng. Nhóm bệnh chuyển hóa này rất khó chữa trị vì nguyên nhân chính là do con người.

MC: Được biết nhiều người già thường hay bị đau mỏi xương khớp, họ nghĩ nguyên nhân có thể do thiếu canxi nên uống sữa bổ sung canxi, tuy nhiên tình trạng đau mỏi không dứt hẳn. Vậy đau mỏi xương khớp ở người cao tuổi còn do những nguyên nhân nào khác, thưa BS? Ở người cao tuổi, dịch khớp giảm, các khớp xương khô, dẫn tới thoái hóa khớp, vậy cần bổ sung vitamin gì để thoát khỏi tình trạng đau mỏi này?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Tình trạng đau mỏi xương khớp là bệnh thường gặp ở người già. Dịch khớp khô đi nên việc bổ sung canxi là đúng. Tuy nhiên tình trạng thiếu canxi gây đau thường gặp ở người loãng xương.

Vitamin quan trọng với xương khớp gồm:

- Vitamin D: tổng hợp canxi, giảm đào thải ở thận, có rất ít trong thức ăn (trứng, dầu gan cá) nhưng cần vận động ngoài trời để tổng hợp vitamin D và giúp lưu thông khí huyết.

- Vitamin K2: phối hợp cùng vitamin D (đậu tương)

- Vitamin C: tổng hợp collagen, săn chắc cơ, xương chắc, dẻo, tăng độ bền, chống oxy hóa tốt (quả họ cam, quýt).

MC: Thưa bác sĩ, cháu 17 tuổi, ăn uống tốt, hoạt động thể thao thường xuyên nhưng rất hay bị lạnh 2 tay và chân, kể cả đi tất, ủ ấm trong chăn 2-3 tiếng thì chân vẫn lạnh, không hiểu nguyên nhân do đâu. Mong BS tư vấn giúp để cháu khắc phục được bệnh này. Cháu cảm ơn!

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Lạnh chân tay thường do thiếu máu ngoại biên. Trời lạnh thường co mạch lại để giữ nhiệt, bảo vệ cơ thể. Trường hợp của bạn không đáng lo ngại. Ngoài việc tập thể thao, bạn có thể áp dụng hình thức xông.

Khán giả có SĐT 01682987 giấu 3 số cuối hỏi: Cháu năm nay 23 tuổi, là nữ, cháu hay bị tê tay chân có lúc tê cả đầu, chỉ cần ngồi 1 lúc là bị tê cứ như có con kiến bò tròn tay chân ý. Cho cháu hỏi cháu phải làm gì để hết chứng tê tay chân ạ.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Trường hợp của bạn có thể thiếu máu ngoại vi do thần kinh ngoại biên không tốt hoặc viêm dây thần kinh ngoại biên hoặc thiếu máu. Bạn nên đi khám chuyên khoa thần kinh.

MC: Thưa quý vị và các bạn, khi mắc bệnh suy giảm tuần hoàn máu, lượng bạch cầu, tế bào miễn dịch đến các mô - cơ quan giảm, làm giảm sức đề kháng, tiêu diệt bệnh. Do vậy, thiếu máu không đơn thuần gây những bệnh biểu hiện ra bên ngoài như đau, nhức, mỏi tay chân, vai gáy, mà còn gây ra nhiều bệnh mà chúng ta không ngờ tới. Ví dụ như thiếu máu đến dạ dày, ruột non, ruột già làm giảm sự tiêu hóa. Thiếu máu đến tim gây suy tim, bệnh mạch vành, đột quỵ. Thiếu máu đến gan làm suy gan mãn tính. Xin được hỏi PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng, ông đánh giá thế nào về những ảnh hưởng của việc thiếu máu tới sức khỏe? Chúng ta cần những biện pháp gì để phòng tránh tình trạng thiếu máu: khám sức khỏe định kỳ…?

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Máu rất quan trọng, tất cả các bộ phận trong cơ thể đều cần được máu nuôi. Thiếu máu do nhiều nguyên nhân như không đủ dinh dưỡng, cơ quan tạo máu có vấn đề, gây ra các bệnh chảy máu khác, ảnh hưởng rất nhiều bộ phận của cơ thể. Khi hoạt động, máu không cung cấp đủ cho các cơ quan. Không đủ lượng bạch cầu để mau lành vết thương. Nên khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm các bệnh, có hướng xử lí và điều trị kịp thời, là một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên nhiều cơ sở không đủ chất lượng nên cần khám ở những cơ sở y tế uy tín để có kết quả xét nghiệm (tuân thủ chặt chẽ các quy trình nội kiểm, ngoại kiểm) chính xác.

Những nguy hại của bệnh suy giảm tuần hoàn máu (P4)

Bác Vinh (cán bộ về hưu ở An Giang): Tôi được chẩn đoán bị xơ vữa động mạch, thường bị mất ngủ, đau đầu, tê các đầu ngón chân tay. Tôi vẫn uống thuốc điều trị bệnh nhưng không thấy đỡ. Cứ kéo dài thế này người mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy tôi nên điều trị như thế nào để an toàn mà chấm dứt được tình trạng mệt mỏi này?

BS Phạm Thủy Phương: Xơ vữa động mạch là bệnh hay gặp trong xã hội hiện nay, có thể do rối loạn chuyển hóa lipit gây lắng đọng trong thành mạch. Xơ vữa động mạch gây nhiều biến chứng với các biểu hiện bệnh lí khác nhau: tim, xơ vữa mạch vành, cao huyết áp, xơ vữa mạch não gây tắc mạch máu não, nhồi máu não, xuất huyết não... Cách chữa bằng thuốc nhưng chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh này. Chế độ vận động giúp tăng cường tuần hoàn, lưu thông máu trong hệ tuần hoàn tăng, giảm khả năng xơ vữa động mạch.

MC: ThS.BS. Lê Thị Hải có lời khuyên gì về chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh suy giảm tuần hoàn máu không? Và lứa tuổi nào nên dùng loại thực phẩm, đồ uống nào?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Ngoài dùng thuốc, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong điều trị xơ vữa động mạch. Giảm thực phẩm nhiều cholesterol, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc. Chế độ dinh dưỡng chống suy giảm tuần hoàn não trước tiên cần đảm bảo không bị thiếu máu dinh dưỡng. Yếu tố tạo máu gồm sắt, chất đạm, vitamin C trong rau xanh, hoa quả. Thực phẩm cần bổ sung: Lòng đỏ trứng, tim, gan, bầu dục, thịt bò, thịt gà. Cần ăn cân bằng dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe.

Hoài An (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Bắc Giang): Gần đây, da dẻ tôi xanh xao, mặt nổi chi chít mụn, da khô và không còn được như 3 tháng trước. Chế độ ăn uống của tôi vẫn vậy mà không hiểu sao da lại xấu đi như thế. Hay do môi trường văn phòng kín bưng, ngồi 1 chỗ nhiều, cơ thể không được vận động, máu lưu thông kém nên da bị ảnh hưởng. Nhờ chuyên gia giải đáp giúp tôi? Xin cảm ơn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Biểu hiện xanh xao, người mệt thì việc chuyển hóa trong cơ thể có vấn đề. Nên khám bác sĩ đa khoa, khám tổng quát để sàng lọc bệnh, sau đó bạn có thể khám bác sĩ chuyên khoa.

MC: Thưa ThS.BS. Lê Thị Hải, vậy để sở hữu làn da khỏe mạnh, trắng hồng, chị em phụ nữ cần bổ sung những vitamin gì để cải thiện làn da?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Phụ nữ ai cũng cần làn da đẹp. Hơn nữa làn da phản ánh trung thực tình trạng sức khỏe. Cần uống nhiều nước, đặc biệt trong mùa đông khô hanh. Mỗi ngày cần uống từ 2-2.5 lít nước. Bổ sung vitamin tốt cho da như vitamin A, E. Nếu chị em ăn kiêng quá mức sẽ không có làn da đẹp do cơ thể không có đủ vitamin. Ăn giảm chất ngọt, chất béo, cà phê, ăn tăng cường rau xanh. Vitamin E có nhiều trong giá đỗ, hạt nảy mầm như giá đỗ, hạt hạnh nhân, rau củ màu đỏ. Vitamin C có nhiều trong trái cây họ cam, quýt. Rau khoai lang chứa nhiều collagen, chữa táo bón, giúp làn da không bị khô, không bị nhăn nheo.

Nguyễn Chí Nghĩa (Nghiatin@gmail.com): Tôi năm nay 48 tuổi, tôi thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Kiểm tra sức khỏe định kỳ tôi bị rối loạn mỡ máu, gần đây chân phải của tôi rất tê, mỏi. Xin hỏi tôi bị bệnh gì và nếu đi khám cần làm các xét nghiệm gì. Xin trân thành cảm ơn.

PGS.TS. TTƯT Kiều Đình Hùng: Đau đầu, chóng mặt, tê mỏi chân thường là biểu hiện của thiểu năng tuần hoàn não, có thể nhồi máu não ở giai đoạn sớm. Anh nên khám chuyên khoa thần kinh. Ngoài ra tê chân còn do thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa...

Nguyễn Thị Thơm (thomnguyen1211@gmail.com): Cháu năm nay 34 tuổi nhân viên kế toán một công ty, cháu thường xuyên mất ngủ, khi bắt đầu nằm ngủ tai bên phải có biểu hiện như mạch tim đập trong tai nên rất khó ngủ, khi ngủ 2 tay hay bị tê bì nên tỉnh giấc ảnh hưởng giấc ngủ. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu đấy là biểu hiện bệnh gì ạ, nên uống thuốc gì để khắc phục bệnh ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều! Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe!

BS Phạm Thủy Phương: Theo mô tả của bạn, có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ khác nhau, có thể do sang chấn tâm lí. Nguyên nhân bệnh lí thì cần đến cơ sở y tế khám để biết rõ bệnh. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tâm lí sẽ bị ảnh hưởng nhiều, chất lượng cuộc sống giảm.

MC: Cách phòng chống căn bệnh rối loạn tuần hoàn não?

ThS.BS. Lê Thị Hải: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tự thay đổi thói quen sinh hoạt, cân bằng cuộc sống, thời gian lao động, nghỉ ngơi hợp lí. Mỗi ngày dành 30 phút để tập luyện thể thao. Nguyên nhân bệnh tật thường do dinh dưỡng không đúng. Do đó, chế độ dinh dưỡng càng quan trọng hơn khi mắc bệnh. Ăn cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì, không để có bệnh rồi mới khám. Phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời giúp chúng ta có sức khỏe tốt, cuộc sống hạnh phúc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!