Trực tiếp: Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh

Sống khỏe mạnh - 04/29/2024

Chương trình được phát trực tiếp trên Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn.

Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 0,7-0,8% trẻ sơ sinh lúc chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Căn bệnh này nếu được điều trị và phẫu thuật kịp thời sẽ mang lại cuộc sống bình thường cho trẻ.

Trước những năm 1950, ngành y học thế giới nói chung và nước nhà nói riêng chưa phát triển, việc phẫu thuật thành công cho những bệnh nhân tim bẩm sinh phẫu thuật tim dường như còn quá xa vời, đặc biệt các trường hợp phức tạp gần như trở nên vô vọng.

Các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam giải đáp trong buổi tư vấn trực tiếp trên Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn.

Khách mời tham gia chương trình:

- TS. Nguyễn Sinh Hiền – PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội.

- TS.BS Vũ Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh (P1)

MC: Thưa chuyên gia, TBS là bệnh nguy hiểm với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và bệnh có thể xuất hiện ngay từ khi em bé đang trong bụng mẹ. Vậy xin được hỏi, yếu tố nguy cơ nào tác động tới việc trẻ bị bệnh này? Dinh dưỡng kém, người mẹ lớn tuổi, mẹ có tiền sử bệnh tim bẩm sinh có thể là nguyên nhân gây bệnh không?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Bố mẹ bị tim bẩm sinh (TBS) thì khả năng con bị TBS là bình thường, mẹ bị TBS, nhiễm độc, nhiễm phóng xạ... thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc TBS cao.

MC: Thưa BS, trẻ bị TBS sẽ có biểu hiện và triệu chứng bệnh thế nào? Chậm phát triển về thể chất, có triệu chứng hô hấp hay tím da và niêm mạc? Nhiều trẻ khi ra đời vẫn khỏe mạnh, bình thường, không có bất cứ dấu hiệu bệnh nào, vậy phải làm thế nào để cha mẹ có thể sớm phát hiện ra con bị TBS? Trường hợp trẻ không có biểu hiện đặc thù có nhiều không thưa bác sĩ?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Với những trẻ bị TBS, biểu hiện phụ thuộc vào mức độ tổn thương. TBS có thể xuất hiện lúc mới sinh (tím, cơn ngất xỉu), lớn hơn, mức độ TBS nhẹ có thể sống chung, nhiều khi khám sức khỏe mới phát hiện TBS. Tỉ lệ trẻ có TBS nhưng không biểu hiện trên lâm sàng cũng không nhiều.

MC: Quý vị và các bạn thân mến, trẻ bị TBS nặng có nguy cơ tử vong cao nếu chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Những trẻ bị TBS thể nặng phải được phẫu thuật hoặc can thiệp kịp thời. Trẻ bị tim bẩm sinh nặng thường có độ bão hòa oxy thấp và có thể dễ dàng phát hiện qua kẹp đo bão hòa oxy. Vậy BS có thể cung cấp thông tin cụ thể hơn về vấn đề này không. Chỉ số bão hòa oxy bao nhiêu là bình thường và ở mức nào là báo hiệu trẻ bị TBS?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Bão hòa oxy thấp thường gặp ở bệnh TBS nhưng có sai số nhất định, không hoàn toàn 100% có chỉ số bão hòa oxy <98% là bệnh TBS.

Trực tiếp: Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh

TS.BS Vũ Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tim Hà Nội.

Thưa bác sĩ, hiện nay, việc tầm soát bệnh tim bẩm sinh sớm cho trẻ trong 24 giờ ngay sau sinh hoặc trước khi cho trẻ mới sinh ra viện có phải là cách để phát hiện tim bẩm sinh sớm cho trẻ không?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Tốt nhất phát hiện TBS trong quá trình người mẹ mang thai, sau khi trẻ ra đời nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi cao.

MC: Nói đến các dị tật tim bẩm sinh nặng, đầu tiên, xin được đề cập tới bệnh lý TBS Tứ chứng Fallot. Tứ chứng Fallot là bệnh hiếm gặp gây ra bởi sự kết hợp của 4 khuyết tật tim lúc mới sinh. Những khiếm khuyết bẩm sinh này làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, gây ra tình trạng máu nghèo oxy trong tim. Trẻ sơ sinh và trẻ em với tứ chứng Fallot thường có da màu xanh tím vì không đủ oxy. Thưa chuyên gia, tứ chứng Fallot có thể phát hiện trong thời gian thai kỳ được không? Mức độ nghiêm trọng của khuyết tật này thế nào? Trẻ phải đối mặt với những khó khăn, hạn chế nào trong cuộc sống?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Fallot hay gặp, hoàn toàn có thể phát hiện trong thai kì, tiên lượng là bệnh nặng, nếu không được phẫu thuật kịp thời, trẻ có thể tử vong trong 1 năm đầu.

MC: Trẻ bị tứ chứng Fallot có biểu hiện gì? thường được điều trị bằng phương pháp nào? Trẻ bị dị tật này có thể gặp biến chứng gì?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: bệnh Fallot thường dễ phát hiện, xuất hiện tím sớm ở môi, đầu chi, niêm mạc, nặng có biểu hiện tím toàn thân, chẩn đoán xác định bằng siêu âm tim. Điều trị nội khoa, dùng thuốc chỉ có tính hỗ trợ. Muốn dứt điểm phải phẫu thuật, mổ sửa đồng bộ, trẻ có thể trở lại cuộc sống của người bình thường.

MC: Khán giả có nickname vuthoa88bn: Bé nhà em sinh năm 2013 bị tim bẩm sinh thể Fallot 4 đã được phẫu thuật khi 12 tháng tuổi. Sau phẫu thuật, cháu bị hở van động mạch phổi do phải mở rộng van. Van tim hở nhẹ. Xin hỏi các bác sĩ sau này việc thay van động mạch phổi bằng phương pháp tự thân có khả quan hay không? Vì em được biết thay bằng phương pháp mổ phanh như vậy phải thay vài lần. Như vậy là mỗi lần mổ, bé đối mặt với sinh tử (như nhiễm trùng, chảy máu trong, hoặc vấn đề phát sinh từ máy thở, và vấn đề phục hồi sau mổ không phải lần nào cũng tốt). Cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Cháu có hở van động mạch phổi mức độ nhẹ sẽ được khám định kì, gia đình tạm thời yên tâm, tiến triển bệnh không nhiều, 3-6 tháng làm xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe định kì cho cháu.

MC: Anh Hoài Nam (28 tuổi, HCM) hỏi: Bé nhà em 20 ngày tuổi, mới phải nhập viện trong tình trạng toàn thân tím, kiểm tra đường huyết các bác sĩ ghi nhận lượng oxy trong máu thấp. Kết quả siêu âm tim cho thấy cháu mắc tứ chứng Fallot, thông liên thất, tâm thất phải phì đại, động mạch chủ chồng lên vách liên thất và teo hẹp động mạch phổi. Tình trạng của cháu có can thiệp bằng thuốc được không? Nếu phải phẫu thuật thì chi phí hết bao nhiêu, về tương lai sức khỏe cháu có bình thường được không? Mong BS tư vấn giúp.

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Có thể làm phẫu thuật tạm thời cho cháu. Đợi tình trạng sức khỏe khá hơn có thể mổ sửa chữa cho cháu.

MC: Cha mẹ có con bị tứ chứng Fallot cần chăm sóc trẻ thế nào, đặc biệt là trẻ bị Fallot thường bị lên các cơn tím, thưa BS?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Cơn nặng có thể dẫn đến hôn mê, tử vong, tránh gây cho trẻ những cơn khóc, tránh biểu hiện mất nước làm tăng nguy cơ tím, nên có tư vấn chăm sóc sức khỏe kĩ càng của thầy thuốc.

Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh (P2)

MC: Bệnh tim bẩm sinh APSO là một tật tim bẩm sinh tím tương đối phức tạp. Bệnh nhân mắc bệnh này sẽ không có lỗ van động mạch phổi, máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải sẽ đi qua lỗ thông giữa 2 thất, qua tâm thất trái và đổ ra động mạch chủ. Xin được hỏi bệnh APSO gồm những thể nào, biểu hiện đặc trưng của bệnh? bệnh có những giai đoạn nào và lứa tuổi nào có thể thực hiện phẫu thuật tốt?

TS. BS Vũ Quỳnh Nga: APSO là bệnh nặng nhất của F 4, trong APSO không còn lỗ van động mạch phổi, máu đi qua động mạch chủ. Với APSO có nhiều dạng khác nhau, từ tuýp 1 đến tuýp 4. Tuýp 1: có thể sửa hoàn toàn. Tuýp 2: có thể sửa được bằng ống nối. Tuýp 3: phẫu thuật khó hơn một chút. Tuýp 4: nặng nhất, BS cần làm các xét nghiệm chẩn đoán, chụp cắt lớp... và sẽ có chỉ định điều trị.

MC: Một bệnh lý tim bẩm sinh nặng khác là hội chứng thiểu sản thất trái, bệnh khiến tâm thất trái của trẻ bị teo lại và không phát triển. Mời BS chia sẻ thêm về dị tật tim này. Trẻ mắc hội chứng này có biểu hiện thế nào và thường phát hiện ở giai đoạn nào?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Biểu hiện của cháu nặng nhất trong hội chứng TBS. Có thể sốc do tụt huyết áp, thiếu máu hạ vi. Nếu phát hiện từ trong bào thai, ngay sau sinh sẽ được chuyển sang khoa tim mạch để theo dõi và điều trị.

MC: Dị tật TBS ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ còn phải kể đến hội chứng thiểu sản động mạch phổi. Đây là loại bệnh TBS hiếm gặp ở trẻ. Với bệnh thiểu sản động mạch phổi, toàn bộ hệ thống cấp máu cho phổi xuất phát là những mạch bất thường đi ra từ động mạch chủ ngực (bình thường phải đi từ thất phải). Thưa BS, trong trường hợp này, các BS sẽ làm gì để sữa chữa dị tật cho trẻ?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Nếu van động mạch phổi chỉ là màng ngăn, có thể can thiệp đục lỗ để đưa máu lên động mạch phổi.

MC: Một chút bên lề, với cương vị là PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội, BS chắc hẳn đã thực hiện phẫu thuật cho những ca bệnh nặng như các trường hợp trên. Với những ca phẫu thuật dài và phức tạp như vậy, các BS phẫu thuật đối mặt với nhưng áp lực và khó khăn gì? Anh hãy chia sẻ 1 kỷ niệm đáng nhớ?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Nhiều trường hợp, khi mổ ra rồi phát hiện nhiều tổn thương mà khi khám lâm sàng không có. Lúc đó cần nghĩ ra các biện pháp xử lí nhanh chóng, hiệu quả. Gần đây, cháu bé 13 ngày tuổi ở Sơn La chuyển về, sau khi mở ra, hệ thống động mạch vành có nhiều bất thường. Lúc đó thực sự e-kip rất bất ngờ, mất nhiều phút để xem lại cả quá trình chẩn đoán, xử lí...

Trực tiếp: Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh

TS. Nguyễn Sinh Hiền – PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội.

MC: Được biết, đảo gốc động mạch là dị tật TBS gây tử vong cao, tỉ lệ tử vong là 30% trong tuần đầu sinh ra, 50% trong tháng đầu và 90% tử vong trong năm đầu tiên. Vậy, các BS phải dùng phương pháp phẫu thuật nào để có thể cứu sống bệnh nhi trong tình huống này?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Với trẻ có đảo gốc động mạch, có nhiều phương pháp: Đục lỗ trên vách liên nhĩ. Phẫu thuật khác nhau tùy theo tổn thương động mạch phổi. Hẹp van động mạch phổi thì phẫu thuật sẽ phức tạp hơn nhiều.

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Khi van tim bình thường, có thể chuyển các vị trí cho nhau, cho về giải phẫu như người bình thường. Nếu bệnh trẻ trong tình trạng muộn, buồng thất thay đổi chức năng, có thể phải mổ nhưng không hoàn toàn triệt để.

MC: Theo MC được biết, đảo gốc động mạch là bệnh không có yếu tố di truyền mà thường gặp do lỗi trong quá trình người mẹ mang thai (như mẹ bị sốt virus, mang thai khi tuổi đã cao...). BS đánh giá thế nào về yếu tố tác động, là nguyên nhân dẫn tới dị tật TBS nặng này ở trẻ em? Và có lời khuyên gì dành cho các bà mẹ mang thai? Liệu có phát hiện được dị tật này trong thăm khám thai kỳ không thưa bác sĩ?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: trong thời kì mang thai, người mẹ nên đi kiểm tra sức khỏe định kì để tầm soát bệnh TBS cho bé, tiên lượng để cứu sống bé. Nhiều nước y học phát triển có thể can thiệp điều trị bệnh ngay trong thời kì bào thai.

MC: Ở Việt Nam hiện có các bệnh viện nào có thể phẫu thuật cho bệnh nhi mắc dị tật đảo gốc động mạch?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Hiện nay, ngoài viện Tim HN có viện nhi TƯ, tim TPHCM, Nhi Đồng 1-2, bệnh viện TW Huế...

Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh (P3)

Lan Khuê (ở Đà Lạt) hỏi: Con trai tôi 18 tuổi, gần đây xuất hiện triệu chứng lạ, cháu ăn kém, da xanh xao, nhiều khi thấy xanh tím, hay bị thở nhanh và cả viêm đường hô hấp. Tôi có tiền sử bị TBS nên đang nghi ngờ cháu có thể bị giống mẹ. Qua kiểm tra thông tim, BS cho biết cháu có các mạch máu bất thường, phì đại tâm thất. Vậy con tôi bị dị tật gì, có nguy hiểm không và phải chữa trị thế nào? Xin cảm ơn. Thời điểm nào nên thực hiện phẫu thuật?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Thông tin của chị hơi mơ hồ, có phì đại thất, (chủ, phổi, động mạch vành hay ngoại vi...). Nếu không có thông tin rõ ràng thì rất khó tư vấn. Chị có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn bệnh cụ thể cho cháu.

MC: Thưa 2 chuyên gia, một câu hỏi gửi đến từ khán giả nam 35 tuổi với nội dung như sau: Chào chương trình, tôi có em gái 23 tuổi bị tim bẩm sinh, em đã khám ở Bệnh viện Tim Hà Nội, được chẩn đoán là thiểu sản van 3 lá, thiểu sản thất phải và thông liên nhĩ. Thể trạng em tôi khá yếu, thi thoảng cơ thể bị tím tái, khó thở. Càng ngày bệnh càng có vẻ nặng và phát sinh ra các bệnh khác. BS khám cho em tôi nói cần phẫu thuật để gia cố tim, tuy nhiên gia đình không đồng ý vì lo sợ em quá yếu. Mong BS tư vấn giúp tôi có cách nào xử lý tốt hơn không? Dị tật thiểu sản van 3 lá có chữa khỏi hẳn được không? Nếu ra nước ngoài như Singapore chữa bệnh thì thế nào, chi phí bao nhiêu? Xin cảm ơn.

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Chưa có phương pháp chỉnh sửa toàn bộ thiểu sản van 3 lá. Bệnh nhân 23 tuổi thì thể trạng không được tốt, suy dinh dưỡng, áp dụng mổ tạm thời, đưa máu lên phổi nhiều hơn.

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Chi phí phẫu thuật ca này ở VN khoảng 2.000-3.000 USD, nếu mổ ở nước ngoài có thể chi phí đến hàng chục ngàn USD.

Trực tiếp: Tư vấn xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh

Phan Thị Anh Đào (Khánh Hòa) gửi câu hỏi: Chào chương trình, con gái thứ 3 nhà tôi năm nay 9 tuổi, tuần trước trong lúc ở trường, cháu bất ngờ bị khó thở, mệt và ngất xỉu. Khi đưa cháu vào bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh lý về tim, hở van 2 lá 3/4 - suy tim độ 2. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên cho cháu khám thêm gì để có căn cứ bệnh chính xác. Với tình trạng bệnh này cháu có phải tiến hành phẫu thuật không, nếu có thì nên phẫu thuật ở đơn vị y tế nào và chi phí là bao nhiêu?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Đưa cháu đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để xác định nguyên nhân hở van để tiến hành phẫu thuật. Nên phẫu thuật sửa (giữ lại van tim), một số Trung tâm sửa van rất tốt, tránh bị thay van, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

MC: Bệnh nhân nữ, 17 tuổi, có tiền sử ho, đau ngực, đã khám và điều trị nhiều nơi không khỏi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột ngột mất ý thức, tràn dịch đa màng, hẹp khít động mạch phổi. Kết quả chụp chiếu cho thấy có một khối u trung thất khá lớn, chèn ép mạnh tĩnh mạch chủ trên, chèn ép mạnh động mạch phổi và các mạch máu vùng cuống tim. Người nhà bệnh nhân này có hỏi khối u này lành hay ác tính?. Phương pháp điều trị nào phù hợp?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Bệnh nhân phải đến Trung tâm y tế, phẫu thuật để xác định dưới kính hiển vi xem tế bào có ác tính hay không.

MC: Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần làm gì để biết được con em mình có bị khuyết tật về tim hay không? Cách nào có thể phát hiện được các dị tật TBS nặng ở trẻ?

TS. Nguyễn Sinh Hiền: Các cháu bé khi được sinh ra, các BS sẽ kiểm tra toàn diện, nếu có nghi ngờ cần chuyển đến Trung tâm tim mạch để xác định, càng sớm càng tốt. Đơn giản nhất có thể nhìn, ống nghe để nghe tim cho trẻ, cha mẹ có thể áp tai vào ngực nghe tiếng thổi bất thường ở tim của trẻ... Ống nghe có thể phát hiện 90% tỉ lệ TBS.

MC: Trẻ mắc bệnh TBS cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có được sức khỏe tốt. Vậy thưa BS có lời khuyên gì cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc con bị TBS không?

TS.BS Vũ Quỳnh Nga: Cha mẹ không nên tạo áp lực cho con nhưng cũng không nên chủ quan trước tình trạng sức khỏe của con trẻ. Cần khám sức khỏe định kì để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường của bệnh TBS ở trẻ nhỏ.

Trên đây là phần tư vấn của 2 vị khách mời:

-  TS. Nguyễn Sinh Hiền – PGĐ Bệnh viện Tim Hà Nội.

- TS.BS Vũ Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tim Hà Nội

với những thông tin vô cùng hữu ích về Xử lý các ca khó trong điều trị tim bẩm sinh. Hy vọng rằng thông tin của chương trình sẽ giúp ích được cho nhiều bậc cha mẹ trong việc điều trị bệnh cho con em mình.

Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các số tiếp theo của chương trình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!