Anh Trung 25 tuổi ở TP HCM, gần đây chỉ ho chút ít, không có triệu chứng gì khác. Xét nghiệm và chụp phim kiểm tra thì phát hiện có rất nhiều nốt bất thường ở phổi, các bác sĩ nhận định đây là hình ảnh điển hình của ung thư từ một cơ quan khác di căn đến phổi.
Bác sĩ Vinh thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Thăm dò chức năng Hô hấp. Ảnh: TT.
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết trong các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ ung thư di căn như trên, các bác sĩ cần phải làm thêm nhiều xét nghiệm để tìm kiếm bộ phận nào trong cơ thể bị ung thư (gọi là ổ nguyên phát) dẫn đến di căn đến phổi. Thông thường, các bộ phận bị ung thư di căn đến phổi là vú (ở phụ nữ), tinh hoàn (nam giới), đại tràng, thận, vòm hầu, xương, tuyến giáp...
Xét nghiệm tổng quát của bệnh nhân bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu đều cho kết quả hoàn toàn bình thường. Sức khỏe tổng thể của anh Trung tương đối tốt nên các bác sĩ lưu ý đến các cơ quan thường bị bỏ sót trong quá trình khám và xét nghiệm tổng quát là tinh hoàn. Khi hỏi về các triệu chứng ở tinh hoàn, người bệnh cho biết không có gì bất thường, ngoại trừ trước đó vài tháng từng bị sưng tinh hoàn phải, sau đó tự hết.
Khi khám tinh hoàn cho bệnh nhân, bác sĩ Vinh phát hiện có khối u cứng, không sưng đau. Vì không gây đau nên người bệnh đã không đi khám, đây chính là lý do ung thư tinh hoàn có thời gian di căn lên phổi. Bệnh nhân đang được điều trị. Quá trình chữa trị khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những trường hợp ung thư giai đoạn sớm, song các bác sĩ tiên lượng ung thư tinh hoàn di căn xa vẫn còn khả năng chữa khỏi cao hơn rất nhiều so với các loại ung thư khác khi đã di căn.
Bác sĩ khuyến cáo ung thư tinh hoàn là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới từ 15 đến 35 tuổi, chiếm khoảng 1% tổng các loại ung thư ở nam giới ở mọi lứa tuổi. Thời gian qua phòng khám y học gia đình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ung thư tinh hoàn giai đoạn trễ đã di căn mà không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe tổng quát.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, hầu hết trường hợp nam giới bị ung thư tinh hoàn đều phát hiện có bất thường ở bìu trước đây nhưng do chủ quan nên người bệnh không đi khám. Một số trường hợp khi đi khám không nói với bác sĩ về các bất thường ở bộ phận sinh dục vì ngại hoặc cho rằng triệu chứng như vậy là bình thường. Hệ lụy là ung thư không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đức cho biết ung thư tinh hoàn có thể chữa khỏi. Theo thống kê năm 2017 ở Mỹ chỉ có 400 người chết vì căn bệnh này, một con số rất nhỏ so với các ung thư khác. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người ung thư tinh hoàn là 95%, nghĩa là nếu có 100 người bị ung thư tinh hoàn thì sau điều trị 95 người còn sống sau 5 năm. Trong khi với ung thư phổi tỷ lệ sống sau 5 năm là 1 đến 49%, ung thư dạ dày từ 4 đến 71% tùy theo giai đoạn bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!