Có tới 90% trường hợp u tinh hoàn là ung thư, vì vậy có thể gọi là u tinh hoàn hoặc ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, một dấu hiệu khá lạc quan là ung thư tinh hoàn có tỷ lệ chữa khỏi từ 80 - 90% nếu phát hiện sớm.
Nhận biết u và ung thư tinh hoàn
U tinh hoàn hay ung thư tinh hoàn là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới nhưng lại có tỷ lệ mắc cao nhất ở nam giới lứa tuổi từ 25-35.
Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư tinh hoàn là tinh hoàn ẩn. 80-85% những người có tinh hoàn ẩn bị ung thư tinh hoàn và 15% -20% xảy ra ở tinh hoàn đối bên. Những yếu tố khác gây bệnh là tiền sử mắc bệnh quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn.
U tinh hoàn xuất hiện một cách âm thầm, không gây đau, không có triệu chứng gì đáng chú ý ngoài biểu hiện duy nhất là có một khối u cứng và không đau ở một bên tinh hoàn. Bệnh nhân có thể tự phát hiện khối u này một cách ngẫu nhiên hay nhân một sang chấn ở vùng bìu.
Cách tự khám tinh hoàn để phát hiện những bất thường như sau: Đứng trước gương kiểm tra có dấu hiệu sưng ở vùng tinh hoàn hay không. Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn. Nắn nhẹ nhàng hai bên tinh hoàn, không phải quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.
Kiểm tra mào tinh hoàn, đây là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng. Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên, cũng có thể ở phía trước.
Nam giới có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm. Triệu chứng hay gặp và dễ phát hiện nhất đó là phát hiện có một khối u hoặc có cảm giác vùng xung quanh tinh hoàn bị sưng to.
Khối u này có thể có cảm giác đau hoặc không. Ngoài ra, bệnh còn có những triệu chứng khác như: có cảm giác đau âm ỉ ở vùng bụng hoặc bẹn. Bìu có cảm giác nặng, tụ dịch đau hoặc khó chịu. Có cảm giác đau lưng. Một triệu chứng có thể gặp đó là ngực căng to và đau.
Khi u to ở mức độ nhất định thì bệnh nhân mới cảm thấy nặng và vướng ở một bên, tinh hoàn bên bị bệnh xệ thấp hơn so với bên lành. Tuy vậy, vì u không gây đau nên người bệnh thường ít chú ý và không đi khám sớm.
Tỷ lệ chữa khỏi ung thư tinh hoàn khá cao.
Bệnh khó tiên đoán dù triệu chứng dễ nhận biết
U tinh hoàn thường có hình trứng, kích thước vài centimet với trọng lượng có thể vài chục gam. U có vỏ xơ nhẵn bao bọc, ở dạng nang chứa dịch nâu hoặc vàng... Biểu hiện của bệnh là tinh hoàn to dần, chắc nhưng không sưng nóng đỏ, có hạch bẹn to hoặc u ổ bụng khi đã có di căn. Mặc dù triệu chứng của bệnh dễ dàng nhận thấy nhưng cũng có những trường hợp chẩn đoán lâm sàng là u, phải mổ cắt bỏ tinh hoàn, khi xét nghiệm mô bệnh học thì lại là lao hoặc viêm tinh hoàn hoại tử.
Khi u tinh hoàn ở giai đoạn muộn hơn, tinh hoàn to, cứng, có chỗ lồi lõm. Màng tinh hoàn có thể thâm nhiễm và tiết dịch gây nước màng tinh hoàn. Tinh hoàn bên u nặng hơn và xệ thấp xuống kéo căng thừng tinh gây đau vùng bẹn và bụng dưới.
Biểu hiện của u tinh hoàn rất thất thường, khó tiên đoán, được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: u nằm trong tinh hoàn, chưa có di căn ở hạch và các cơ quan khác hoặc đã di căn sang hạch bạch huyết.
Giai đoạn 2: Đã có triệu chứng di căn sang hạch nhưng chưa di căn sang các cơ quan khác.
Giai đoạn 3:Đã có triệu chứng di căn sang cơ quan khác như gan, phổi...
Những di căn sớm qua đường máu và đường bạch huyết làm tăng phần nguy hiểm của u tinh hoàn. Trước đây, u tinh hoàn có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong khoảng 70% nhưng hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, kết quả điều trị u tinh hoàn khả quan hơn, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, nhiều trường hợp đã khỏi hẳn, thậm chí nhiều trường hợp ác tính nặng, rất nguy hiểm cũng được điều trị khỏi.
Cơ hội chữa khỏi rất lớn
Một điều đáng mừng cho những người không may mắc phải ung thư tinh hoàn là có đến khoảng 90% trong tổng số các ca được chẩn đoán mắc bệnh, kể cả những trường hợp đã có những di căn xa vẫn có cơ hội chữa được lên đến 70 - 80%. Các phương pháp chủ yếu để trị bệnh là: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn khi bệnh nhân có khối u nhỏ và ung thu không phải dòng tinh. Đối với những trường hợp bệnh mà tế bào ung thư đã lan rộng sang các hạch bạch huyết của vùng lân cận thì lúc này người bệnh sẽ được dùng phương pháp xạ trị để điều trị. Nếu bệnh đã di căn đến cơ quan khác xa hơn thì phương pháp được chọn sẽ là hóa trị.
Việc cắt bỏ một bên tinh hoàn không làm ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt tình dục hay sinh con của người bệnh.
Để phòng tránh căn bệnh này, nam giới nên tự kiểm tra tinh hoàn của mình thường xuyên. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường như không thấy tinh hoàn, tinh hoàn sưng to..., cần đưa ngay đến cơ sở chuyên khoa để khám và có sự can thiệp kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!