Tự dùng thuốc chữa bệnh cho con: Nhanh khỏi, chớ vội mừng

Nuôi dạy con - 03/29/2024

Ra hiệu mua thuốc, tự chăm sóc trẻ bị bệnh tại nhà chỉ có thể áp dụng với một số triệu chứng ho, sốt thông thường, hoặc dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Lại có những bậc phụ huynh vẫn gắng làm thầy thuốc, hoặc áp dụng những phương pháp không chính thống như hạn chế ăn, uống… dù con mắc bệnh nặng, bệnh nan y. Những hậu quả thường rất nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới điều trị sau này, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.

Tự chữa - Sức mòn, bệnh nặng thêm

Cách đây vài tháng, một bé gái 10 tuổi ở Vĩnh Phúc được bố mẹ đưa đến BV Hữu nghị Việt Đức để khám. Sau khi khám và có kết quả chiếu chụp, các bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, cháu bị u tế bào thần kinh đệm (là khối u xảy ra ở não và tủy sống) và khuyên gia đình cho cháu phẫu thuật sớm.

BV cũng đã lên kế hoạch và báo ngày mổ. Tuy nhiên, bố mẹ cháu đến gặp bác sĩ xin cho con về nhà vì thấy cháu ổn hơn sau khi dùng thuốc chống phù não và hứa sẽ cho con trở lại BV khi có vấn đề xảy ra.

Tự dùng thuốc chữa bệnh cho con: Nhanh khỏi, chớ vội mừng

Đôi khi việc phụ huynh tự dùng thuốc đặc trị cho trẻ lại gây những hệ luỵ khôn lường.

2 tháng sau ngày gia đình cháu bé xin về, bố mẹ đã phải gọi điện tới BV nhờ tư vấn và đưa cháu lên gấp khi thấy con có biểu hiện yếu hơn nhiều, hay nôn trớ và lơ mơ. PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh BV Việt Đức cho biết, gia đình bộc bạch đã tự chữa bệnh cho con theo phương pháp gì đó đọc được trên mạng và bạn bè... “chỉ dẫn”.

Họ chỉ cho cháu ăn rau, đậu, không thịt, không cá, không trứng sữa, không protein... Do đó, cháu bé vừa không khỏi bệnh mà thể lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến sụt cân, gầy yếu, khối u não của cháu còn to thêm. Dù sức khỏe của con đã nguy, giảm hơn 3kg so với khám lần đầu, cần phải mổ càng sớm càng tốt nhưng các bác sĩ cũng phải mất rất nhiều công giải thích, thuyết phục bố mẹ bệnh nhi đồng ý cho con phẫu thuật.

Vẫn may mắn là sau ca phẫu thuật, kíp mổ đã cắt hết được khối u. Sau mổ, bệnh nhân tiến triển sức khỏe tốt và đã tỉnh lại. Sau vài ngày điều trị, cháu bé đã được xuất viện với nụ cười tươi, đi lại bình thường.

Trước đó chưa lâu, BVĐK Hùng Vương - Phú Thọ cũng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 17 tháng tuổi (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) bị suy thượng thận cấp. Nguyên nhân bất ngờ là do cha mẹ tự ý cho con uống thuốc ho chứa corticoid.

Mẹ cháu bé cho bác sĩ biết, do con trai thường xuyên bị tiêu chảy, ho, viêm họng nên gia đình đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Sau uống, bé khỏi ngay nên mỗi khi bé bị ho chị lại tiếp tục tự mua thuốc cho con uống. Sau 2 tháng, gia đình thấy con tăng cân bất thường mà vẫn thường xuyên ho và viêm họng nên đưa bé đến viện khám. Bé được chẩn đoán bị suy thượng thận cấp, cần nhập viện điều trị.

Hỏi người mẹ về loại thuốc tự mua cho con uống trị ho, chị này nói không biết tên loại thuốc cụ thể, chỉ thấy thuốc có dạng hình tròn màu hồng, uống với liều lượng 4 viên/ngày. Bác sĩ cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bé được điều trị bằng thuốc có chứa corticoid kéo dài gây biến chứng suy thượng thận.

Lạm dụng thuốc và những hệ lụy khó lường

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chế phẩm có chứa corticoid tại phòng khám tư nhân, đông y gia truyền không đúng liều, không đúng chỉ định trong thời gian dài để chữa các bệnh xương khớp, gout, hen phế quản, bệnh hệ thống. Việc lạm dụng quá liều lượng sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, thậm chí làm chậm quá trình phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ.

Một ca bệnh điển hình gần đây là cháu bé Nguyễn T.D. (5 tuổi, trú tại Sông Mã, Sơn La) nhập Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng béo phì, mặt nặng, mọc lông và rậm lông vùng mặt và mép. Người nhà cho biết, trước đó, cháu ho và sốt, khám và điều trị tại bệnh viện tuyến huyện nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Sau đó, người nhà tự ý đưa trẻ tới phòng khám tư tại địa phương và được nhân viên y tế tại đây cho tiêm corticoid 4 ngày liên tục, mỗi ngày 2 mũi không rõ liều lượng.

Sau khi tiêm, trẻ đỡ ho nhanh, tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng, trẻ bắt đầu có dấu hiệu nặng mặt, ăn khỏe hơn bình thường, tăng 3-4kg, tóc mọc thấp, xuất hiện ria mép. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và được chẩn đoán suy thượng thận do sử dụng corticoid. Sau vài ngày điều trị tại BV, chức năng tuyến thượng thận của trẻ đã hồi phục và sau 1 tuần, chức năng tuyến thượng thận bình thường.

Lạm dụng kháng sinh chữa bệnh thông thường cho con cũng là một thực tế phổ biến đáng ngại hiện nay. Thường xuyên dùng kháng sinh cho con dù chỉ mới có biểu hiện ho, sốt, ngạt mũi, sổ mũi... có thể là nguyên nhân của những hệ lụy khôn lường. Các chuyên gia y tế cho biết, việc lạm dụng này là nguyên nhân chính gia tăng khả năng kháng thuốc (tạo ra các loại siêu vi khuẩn đề kháng lại kháng sinh) dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém.

Trong cơ thể luôn luôn tồn tại cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vi khuẩn có lợi ức chế sự sinh sản của vi khuẩn có hại, đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, nhưng chính lạm dụng kháng sinh sẽ diệt cả những vi khuẩn có lợi, khi đó, khả năng “phòng thủ” của cơ thể cũng sẽ giảm khiến hệ miễn dịch suy yếu. Nguy hiểm hơn, kháng sinh nếu không sử dụng đúng còn có thể ảnh hưởng chức năng gan, thận, các tế bào thần kinh khiến trẻ càng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn hơn và có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ của thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!