Tư vấn trực tiếp: Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Chương trình được phát trực tiếp trên Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn.

Là loại vi-rút khiến hàng ngàn trẻ em ra đời có bộ não kém phát triển, Zika hiện đang trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho thấy bệnh do vi-rút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh chóng mặt, tính đến ngày 18/2, đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh do nhiễm vi-rút này.

Để giúp người dân có thêm kiến thức phòng bệnh trước tình hình diễn biến phức tạp của vi-rút Zika, Cổng thông tin Y tế Sức khỏe Songkhoe.vn thực hiện buổi tư vấn truyền hình trực tiếp với chủ đề Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika.

Khách mời tham gia chương trình:

- Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái, bác sĩ Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai.

- Ths. Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng Truyền thông chỉ đạo tuyến, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika (P1)

MC: Quý vị và các bạn thân mến, vi-rút Zika được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda. Thời gian gần đây, loại vi-rút này trở lại và bùng phát thành dịch. Điều khiến các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước lo ngại là sự gia tăng bất thường của dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh khi người mẹ trong thời gian mang thai không may bị nhiễm Zika. Thưa ThS Nguyễn Thành Đồng, tình hình dịch bệnh nguy hiểm này ở các quốc gia hiện nay thế nào?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Mới bùng phát, đặc biệt ở Nam Mỹ, khi có hiện tượng biến đổi khí hậu, muỗi phát triển, liên quan tới hội chứng teo não ở trẻ em. Các xét nghiệm cho thấy vi-rút Zika có trong cơ thể những người mẹ nhiễm vi-rút đó. WHO đưa ra cảnh báo đây là sự quan ngại với sức khỏe cộng đồng quốc tế.

MC: Thưa anh, WHO đã đưa ra cảnh báo gì và các biện pháp phòng dịch bệnh lây lan thế nào?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Các quốc gia tăng cường giám sát các trường hợp đầu tiên nhiễm vi-rút Zika.

MC: Thưa Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái, bác sĩ Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, những đối tượng nào có thể nhiễm vi-rút Zika và nguy cơ mắc bệnh ở từng đối tượng thế nào? Và loại vi-rút này lây lan qua những con đường nào?

BS Quốc Thái: vi-rút Zika có nguồn gốc hơn 60 năm nay, được nghiên cứu nhiều nhưng biểu hiện nhẹ. Các nghiên cứu thường không để ý đến vì ở châu Phi lưu hành trên khỉ, không phải trên người. Vi-rút Zika chưa có biến đổi nhiều về gen. Đến Brazil, con số tăng đáng kinh ngạc.

Viêm đa rễ thần kinh có biểu hiện liệt chân, tay, cơ hô hấp... Điều trị: cần chủ động sẵn sàng tìm, phát hiện và giải quyết các trường hợp liệt bất thường, nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị được. Ngoài muỗi truyền, vi-rút Zika còn lây truyền qua QHTD (dù chưa nhiều nhưng vi-rút Zika có trong tinh dịch); truyền máu (dịch năm 2014, máu của người cho có sự hiện diện của vi-rút Zika); lây truyền từ mẹ sang con. Nhiều trường hợp sau đình chỉ thai nghén, vi-rút Zika vẫn còn nhân lên trong thai nhi. Tất cả những người chưa có miễn dịch hoàn toàn có thể mắc bệnh.

Tư vấn trực tiếp: Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika

Ths. Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng Truyền thông chỉ đạo tuyến, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế

MC: Được biết, Zika xảy ra ở vùng nhiệt đới nơi có các quần thể muỗi lớn và loại vi-rút này do muỗi Aedes truyền bệnh. Loại muỗi này có gì đặc biệt, việc diệt loại muỗi này có khó khăn hơn các loại muỗi khác không? Đặc điểm nhận dạng của loại muỗi này?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Về cơ bản, muỗi truyền vi-rút Zika trùng lặp muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Muỗi vằn, khi đốt người nhiễm vi-rút, sau 3 ngày sẽ đẻ trứng, trứng có thể tồn tại cả năm trong điều kiện bình thường. Chỉ cần 1 giọt nước, trứng sẽ nở ra thành loăng quăng. Muỗi này thường đốt vào ban ngày. Không để muỗi sinh sôi ở vùng nước đọng.

MC: Những triệu chứng của bệnh vi-rút Zika là gì và làm sao để phát hiện mắc vi-rút Zika thưa BS Quốc Thái?

BS Quốc Thái: Đa số trường hợp nhiễm vi-rút Zika đều không có triệu chứng. Tỉ lệ có triệu chứng thường sốt không cao, một số trường hợp có phát ban, mắt bị viêm kết mạc, đau khớp hoặc biểu hiện khác kèm theo. Biểu hiện này có thể nhầm lẫn với nhiều trường hợp bệnh khác. Điểm khác biệt là đi đến vùng đang lưu hành dịch vi-rút Zika sau đó quay về nước. Để phát hiện vi-rút Zika cần làm xét nghiệm sớm, 4-7 ngày sau khi có triệu chứng, hoặc xét nghiệm kháng thể.

MC: Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh vi-rút Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau như sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ…, vậy đâu là dấu hiệu khác biệt giữa sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do vi-rút Zika?

BS Quốc Thái: Cùng do 1 loại muỗi truyền nhưng SXH thường sốt cao, đau đầu, nguy cơ xuất huyết, giảm tiểu cầu, nặng hơn có thể sốc. Vi-rút Zika không có biểu hiện như vậy. Nếu bệnh nhân từ vùng có vi-rút Zika trở về, xét nghiệm không có SXH thì cần nghĩ đến Zika. Nếu không có biến chứng cụ thể, không có biểu hiện nặng thì mọi người hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, liên quan đến dị tật teo não ở trẻ sơ sinh nên đối tượng cần được quan tâm là phụ nữ mang thai (cần khám thai thường xuyên) và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (hoãn mang thai trong vòng 4 tuần sau khi trở về từ vùng dịch).

Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika (P2)

MC: Vi-rút Zika gây ra những biến chứng tiềm ẩn gì ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Đối với trẻ có bệnh miễn dịch, mạn tính khác kèm theo có thể thêm hội chứng đa rễ thần kinh. Đặc biệt là vấn đề thông tin, không nên hoang mang nhưng không được lơ là mất cảnh giác. Cơ quan truyền thông Bộ Y tế đã có kế hoạch giám sát vi-rút Zika ngay từ đầu. Những người đi về từ các quốc gia vùng dịch, khi có triệu chứng sốt nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám sớm.

MC: Dị tật đầu nhỏ là gì và có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển trí não của trẻ em? Câu hỏi này xin được dành cho BS Quốc Thái? Các bà mẹ mang thai phát hiện ra nhiễm vi-rút Zika thì phải làm gì để giảm thiểu rủi ro hay buộc phải đình chỉ thai sản?

BS Quốc Thái: Dị tật đầu nhỏ là vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn ngưỡng trung bình, kèm theo teo vỏ não, não mịn, không có nếp nhăn, dẫn đến tình trạng chậm phát triển. Bên cạnh tổn thương não, nhiều trẻ sơ sinh bị tổn thương võng mạc, thoái hóa điểm vàng, giảm thị lực, càng làm cản trở sự phát triển của trẻ. Đây là gánh nặng của cả cộng đồng khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. WHO hy vọng trong 6 tháng tới sẽ có quyết định cuối cùng về vi-rút Zika có phải là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ dị tật trẻ đầu nhỏ hay không. Ngoài ra, vi-rút Zika còn gây nên hội chứng Guillain-Barré - viêm đa rễ thần kinh. Các kháng thể tấn công hệ thần kinh trung ương gây viêm, biểu hiện liệt từ chân, người, tay, lan đến cơ quan hô hấp, không thể thở được. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Quá trình điều trị tốn kém, phức tạp và bệnh nhân rất dễ tử vong. Hiện chưa có kết luận cuối cùng vi-rút Zika có phải là thủ phạm gây viêm đa rễ thần kinh hay không.

MC: Các bà mẹ mang thai phát hiện ra nhiễm vi-rút Zika thì phải làm gì để giảm thiểu rủi ro hay buộc phải đình chỉ thai sản?

BS Quốc Thái: Hiện nay khuyến cáo cuả các cơ quan y tế ở nơi có dịch vi-rút Zika lưu hành, những người mang thai cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn để sớm phát hiện dị tật ở thai nhi. Từ 15 tuần trở ra có thể chọc thăm dò nước ối.

Tư vấn trực tiếp: Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika

Bác sĩ nội trú Nguyễn Quốc Thái, bác sĩ Phòng cấp cứu Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai

MC: Được biết, không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng là đối tượng dễ bị Zika tấn công rồi làm lây lan dịch bệnh vì vi-rút này có thể tồn tại trong tinh dịch. Vậy thông thường vi-rút có thể sống trong môi trường tinh dịch trong khoảng thời gian bao lâu, thưa BS?

BS Quốc Thái: Trên thế giới có 3 trường hợp báo cáo có sự tồn tại của vi-rút Zika trong tinh dịch. Biểu hiện xuất tinh, trong tinh dịch có máu. Thời gian từ lúc nghi nhiễm đến khi xét nghiệm tinh dịch khá dài, từ 2 tuần trở ra, nên WHO khuyến cáo, đàn ông đến vùng có dịch vi-rút Zika lưu hành, khi trở về, không quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục sử dụng bao cao su trong 4 tuần.

MC: Thưa ThS Nguyễn Thành Đồng, vi-rút Zika có nguy cơ xâm nhập vào VN không khi mà Trung Quốc và Thái Lan - các quốc gia gần VN - đã ghi nhận những trường hợp lây nhiễm đầu tiên?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Bộ Y tế lên kế hoạch ứng phó và nhận định, vi-rút Zika hoàn toàn có thể xâm nhập vào VN. Nếu thực sự không có việc cần thiết, mọi người nên trì hoãn đến những nơi có vi-rút Zika. Nếu buộc phải đi, cần tìm hiểu kĩ thông tin y tế tại những quốc gia này. Biện pháp hữu hiệu nhất, ngăn chặn muỗi đốt ban ngày: Dùng kem xoa, ngủ màn, mặc quần áo dài. Khi trở về, nếu có bất thường về sức khỏe, nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám sàng lọc.

MC: Những thông tin về vi-rút Zika được Cục Y tế dự phòng, Bộ y tế cập nhật tới người dân như thế nào để có thể nắm bắt rõ thông tin mới nhất?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế liên hệ với các chuyên gia và tổ chức Y tế, lên tình huống từ khi dịch chưa xâm nhập, cách xử lí khi phát hiện có dịch, giám sát tại các cửa khẩu, sân bay... với các trường hợp di chuyển từ các quốc gia có dịch trở về (có tiền sử bệnh).

Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika (P3)

MC: Hiện nay chưa có vắc-xin ngừa vi-rút Zika, vậy BS có lời khuyên gì trong việc điều trị bệnh khi bị lây nhiễm Zika?

BS Quốc Thái: Rất nhiều vi-rút hiện chưa có thuốc đặc trị, nên cần theo dõi sát người bệnh, xem có triệu chứng gì thì xử lí theo triệu chứng đó. VD: Vắc-xin phòng sốt xuất huyết cần vài chục năm. Hy vọng trong thời gian ngắn có thể có vắc-xin khống chế thành công vi-rút Zika nhưng thời điểm hiện tại thì chưa thể có.

MC: Nhằm kiểm soát dịch bệnh Zika, MC được biết các nhà khoa học Trung Quốc sẽ thí điểm một loại muỗi nhiễm khuẩn gây vô sinh cho muỗi vằn cái truyền vi-rút. Chuyên gia đánh giá thế nào về việc này?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Bệnh do côn trùng, muỗi truyền, nếu làm được điều này thực sự rất tốt, không riêng gì vi-rút Zika. Khi các nhà khoa học đưa ra muỗi biến đổi gen, trước tiên là ý tưởng, cũng khiến nhiều người yên tâm hơn. Ở Việt Nam từng áp dụng cách thả cá ăn loăng quăng, bọ gậy để tiêu diệt mầm mống muỗi vằn.

MC: Hiện nay, giới chức y tế các quốc gia đã làm gì để ứng phó với vi-rút Zika? Bộ Y tế Việt Nam đã có những động thái ra sao trước tình hình dịch này?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Ngoài Brazil kết hợp trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ đã có những nghiên cứu dự kiến 18 tháng nữa sẽ cho ra đời loại vắc-xin đối phó tình trạng này. WHO vẫn khuyến cáo dùng biện pháp thông thường nhất để phòng ngừa dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan.

Để phòng nguy cơ dịch bệnh vào VN, Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo gì với người dân về biện pháp phòng tránh bệnh?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Ngoài kế hoạch giám sát, ứng phó vi-rút Zika nếu có xâm nhập VN, ngày 5/3, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch mít-tinh diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, giảm SXH tại khu vực phía nam.

Tư vấn trực tiếp: Làm gì để ứng phó với vi-rút Zika

MC: Tại cuộc họp của Bộ Y tế với Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh mới nổi (EOC) 16-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo Vụ Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cần tiến hành ngay việc hướng dẫn thai phụ nên tuân thủ 2 tháng đi siêu âm thai một lần để kịp thời phát hiện việc lây nhiễm Zika và có biện pháp xử lý đúng đắn. Vậy BS Quốc Thái có lời khuyên gì dành cho chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là đang mang thai, họ cần trang bị những kiến thức y tế gì để phòng vi-rút Zika?

BS Quốc Thái: Mang thai có kế hoạch, có sự chuẩn bị đầy đủ cả về kinh tế và y tế. Ngoài vi-rút Zika có 1 số vi-rút khác ảnh hưởng đến quá trình mang thai. Cần tiêm phòng vắc-xin ngừa Rubella (có thể để lại dị tật nặng nề, trẻ chậm phát triển, sống phụ thuộc...), vắc-xin ngừa cúm, viêm gan B... Trong thai kì, người mẹ nên kiểm tra kĩ, siêu âm có thể phát hiện sớm dị tật để có kế hoạch xử lí phù hợp.

MC: Nếu đang mang thai và mới đi du lịch tới khu vực có vi-rút Zika, thai phụ cần làm gì? Siêu âm hay xét nghiệm máu để phát hiện bệnh? Và nên thực hiện khám ở cơ sở y tế nào? Trẻ em mới sinh có cần xét nghiệm bệnh không?

ThS Nguyễn Thành Đồng: Chăm sóc sức khỏe của mình và thai nhi trước, sau đó lưu ý đến khu vực mình sẽ đến, phòng tránh muỗi đốt vì ngoài vi-rút Zika vẫn có thể nhiễm nhiều bệnh khác. Đối với vi-rút Zika, nếu có tiền sử đến quốc gia vùng dịch, đến đó bị muỗi đốt thì mới cần lưu tâm, còn trong thai kì bình thường không nên quá lo lắng.

BS Quốc Thái: Điều kiện tiên quyết để đi xét nghiệm là bạn từng đến vùng dịch vi-rút Zika lưu hành. BV nhiệt đới, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương... hoàn toàn có thể đáp ứng việc xét nghiệm này. Đến cơ sở y tế gần nhất để có lời khuyên tư vấn sức khỏe hợp lí.

MC: Độc giả Minh Anh (TP HCM) hỏi: Tôi năm nay 26 tuổi, đang mang thai 17 tuần, sắp tới có dự định sang Haiti thăm chồng đang công tác ở đó mà nghe tin quốc gia này cũng đang có vi-rút Zika hoành hành, tôi không biết có nên đi không? Và liệu có ảnh hưởng gì tới em bé trong bụng. Mong chuyên gia cho lời khuyên?

BS Quốc Thái: Ảnh hưởng của vi-rút Zika với thai nhi có nguy cơ cao nhất trong vòng 3 tháng đầu. Hiện bạn đang mang thai ở tuần thứ 17, ảnh hưởng không nhiều nhưng vẫn có nguy cơ. Nên trì hoãn sau khi sinh xong thì đi thăm chồng sẽ hợp lí hơn. Nếu cần thiết phải đi trong lúc này, có thể sử dụng kem, thuốc xịt chống muỗi, dùng cho vùng da bị lộ ra bên ngoài như tay, cổ... để tránh bị muỗi đốt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!