Ba vị khách mời đặc biệt sẽ đồng hành với chương trình hôm nay là: Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh; cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội; bạn Nguyễn Quang Minh, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Liên tiếp các vụ việc đánh nhau xảy ra như: nữ sinh đánh nhau ngất xỉu ở Hậu Giang, nữ sinh đánh bạn trai ở Nghệ An, nam sinh hỗ chiến tranh 'bá vương'… đã trở thành hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức, kỷ luật của học sinh.
Người ta không thể hiểu tại sao và cũng không hình dung được rằng các em học sinh lại dễ bị kích động và chọn lối hành xử theo hướng tiêu cực như vậy khi vấp phải những lý do 'không đáng có'.
Điều gì khiến tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng? Những bậc phụ huynh khi có con em là nạn nhân của bạo lực học đường…
Chúng ta cần phải làm những gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra hết sức phổ biến hiện nay. Câu trả lời được giải đáp trong chương trình Giao lưu tư vấn Vì tương lai: Bạo lực học đường ngày hôm nay. Chương trình do Cổng nội dung giáo dục trực tuyến ViettelStudy.vn và Trang thông tin điện tử Tiin.vn phối hợp với Báo Đất Việt cùng thực hiện.
Ba vị khách mời đặc biệt sẽ đồng hành với chương trình hôm nay là: Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh; cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội; bạn Nguyễn Quang Minh, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh
Theo dõi chi tiết nội dung chương trình:
MC: Mở đầu chương trình, chúng ta vừa xem lại những clip đánh nhau giữa các em học sinh được phát tán trên mạng trong thời gian vừa qua. Câu hỏi đầu tiên tôi muốn hỏi các vị khách mời, đó là các vị khách mời có cảm xúc như thế nào khi xem những clip trên? Xin mời cô Lệ Hằng.
Cô Lệ Hằng: Khi mà tôi xem những clip này tôi tương đối bất ngờ và đau lòng. Tôi thấy các bạn ấy đánh nhau vì những lí do lãng xẹt, có những cuộc đánh nhau chỉ vì thấy khó chịu. Điều này rất đáng đánh động, lớp trẻ bị lung lay giá trị tinh thần. Tuy nhiên, tôi lại thương các bạn.
TS Thụy Anh: Bản thân tôi rất là sốc khi thấy cái cách giải quyết của các em quá mạnh tay. Tôi sốc vì sự việc này xảy ra ở diện rộng, ở tất cả các lứa tuổi. Đặc biệt là sự cổ vũ của các bạn bên cạnh. Thực sự bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn. Điều này có nghĩa là bản thân con của chúng tôi cũng có thể là nạn nhân.
Quang Minh: Em nghĩ những việc như vậy có thể gây ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Bản thân em chưa từng tham gia bạo lực học đường, nhưng cũng có chứng kiến.
MC: Vậy theo các khách mời nguyên nhân từ đâu dẫn đến bạo lực học đường diễn ra nhiều như vậy?
TS Thụy Anh: Tôi nghĩ cái này cần có cuộc khảo sát lớn. Nhưng bản thân tôi cho rằng do các em chịu áp lực học tập lớn. Những đứa trẻ sống trong bầu không khí không tốt, từng là nạn nhân của bạo lực. Vì các phụ huynh cũng sẵn sàng dùng bạo lực giải quyết.
Thứ hai, các em không nhận được giá trị sống hằng ngày. Đó là tình người, tình mẹ con, tình bạn và sự tử tế gần như là thiếu và khó đưa đến cho học sinh. Vì vậy nhà trường nên thông qua các môn học như Giáo dục công dân, hay Văn học để giáo dục, nâng cao tinh thần của các em hơn nữa.
MC: Cô Hằng, cô có ý kiến gì không ạ?
Cô Hằng: Theo tôi, việc giáo dục con người là của cả xã hội chứ không riêng gì môn học nào cả. Nhưng tôi để ý môn Giáo dục công dân ít đề cập về kỹ năng sống mà là lý thuyết chung. Bản thân tôi khi giảng dạy cũng lồng ghép nhiều tình huống thực tế. Tôi cũng thường xuyên đưa ra cho các em bàn luận cách ứng xử với các tình huống. Tôi nghĩ bố mẹ cũng là phần quan trọng trong giáo dục con cái. Muốn con cái thành siêu nhân thì phải là người bình thường trước.
Như nhiều khi học sinh vi phạm, tôi mời phụ huynh đến, nhưng họ lại bảo con tôi ở nhà ngoan lắm. Họ không tin, nên là cũng rất bất cập.
MC: Vâng thưa các vị khách mời. Trong một cuộc Hội thảo về thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức gần đây, trong số 297 em học sinh khi được hỏi 'hành động phản ứng nếu là nạn nhân của bạo lực học đường?' thì có 29,6% ý kiến học sinh trả lời sẽ đánh lại bạn, 38,8% phản ứng tức thời bằng cách nói lại bạn và 36,7% về nhà nói với người thân.
Một số lượng ý kiến khác cho biết sẽ mách lại với thầy cô giáo, hoặc nói với người thân. Chỉ có 4% cho biết nghỉ học vì sợ và số ít khác cho rằng im lặng trước tình huống này.
Vậy thì Quang Minh, giả sử em là nạn nhân của bạo lực học đường em ứng xử thế nào?
Quang Minh: Nếu mà tình huống nhẹ thì mình chịu được còn nặng thì về nói với người thân.
MC: Thế em có nói với thầy cô không?
Quang Minh: Nhiều bạn lo nếu mách thầy cô, các bạn sẽ thù, đánh tiếp mình. Nến em sẽ nói với bố mẹ để bố mẹ nói lại với thầy cô. Còn nếu em là người chứng kiến em sẽ nói với người xung quanh để vào can thiệp.
MC:Mặc dù em Quang Minh có nói là có chuyện gì sẽ kể với bố mẹ, nhưng mà nhiều trường hợp học sinh đánh nhau xong, khi clip tung lên mạng, bố mẹ mới biết. TS Thụy Anh nghĩ sao ạ?
TS Thụy Anh: Tôi nghĩ tính chất của lứa tuổi này là không phải chuyện gì cũng nói với bố mẹ, mà tìm đến bạn nhiều hơn. Vậy nên bố mẹ phải xây dựng mối quan hệ khăng khít với con từ bé thì mới trò chuyện gần gũi với con được.
Tôi cũng phải nói đến những đối tượng chứng kiến các vụ đánh nhau mà reo hò cổ vũ và quay clip, có vẻ là các bạn xem đó là cuộc vui. Tôi nghĩ các em thiếu những sân chơi lành mạnh, thiếu thốn những hoạt động vui, ý nghĩa vậy nên các em tự xem những vụ đánh nhau là cuộc vui để giải trí. Vậy nên, phía nhà trường xã hội phải tạo cho các em nhiều sân chơi bổ ích. Tạo những buổi giao lưu đưa ra các tình huống cho các bạn xử lý để rèn luyện kĩ năng.
MC: Thưa cô Hằng, tại sao nhiều học sinh không chọn cách chia sẻ với thầy cô khi bị đánh hoặc chứng kiến bạo lực học đường.
Cô Hằng: Tôi nghĩ các em chưa có sự tin tưởng với thầy cô. Vì có những lúc báo với thầy cô, thầy cô không quan tâm hoặc giải quyết không triệt để khiến các em mất lòng tin. Ngoài ra tôi nghĩ các thầy cô, nhà trường thiếu định hướng, mà định hướng này phải xây dựng từ lâu. Tôi cảm thấy rằng các em có rất nhiều thứ nhưng cái thiếu nhất lại không có đó là sự định hướng. Mà định hướng này phải từ bố mẹ, thầy cô.
Tôi nghĩ bố mẹ, thầy cô phải là người bạn của con, chứ nhiều khi nghiêm khắc thái quá, bắt con phải thế này thế kia thì không nên.
TS Thụy Anh: Tôi nghĩ các trường học nên có 1 phòng bí mật cho các em chia sẻ và tư vấn cho các em. Những người hoạt động trong phòng này phải có kỹ năng để giúp các em, mang cho các em niềm tin tưởng.
MC:Vậy dưới góc độ của các bậc cha mẹ thì chúng ta nên làm gì khi mà con mình bị bạo lực học đường?
Cô Hằng: Tôi nghĩ đầu tiên mình muốn xử lý thì phải tìm nguyên nhân của sự việc. Có thể tôi sẽ trao đổi với cô giáo và trao đổi với bố mẹ của bạn học sinh đã đánh con tôi để tìm tiếng nói chung.
TS Thụy Anh: Tôi cũng đồng ý với cô Hằng là phải tìm nguyên nhân. Ngoài trao đổi với cô giáo, phụ huynh của bạn đánh con mình mà trao đổi với bố mẹ của các bạn trong lớp biết chuyện để cùng nhau ngăn chặn sự việc này, giúp các con giải quyết chuyện này. Đây là giúp các con chứ không trách phạt các con, hoặc đến gia đình kia để chửi mắng.
MC: Đối nghịch với bạo lực là sự an toàn. An toàn là nhu cầu mà ai cũng cần có. Và đặc biệt là đằng sau những cánh cổng trường học. Năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục có thêm một chủ đề mới là 'Nói không với hành vi bạo lực' nhưng thực tế đã cho thấy tinh thần của khẩu hiệu này đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để
Vậy làm thế nào để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, để trường học thật sự trở thành môi trường an toàn, thân thiện?
Cô Hằng: Tôi nghĩ cái này phải là tất cả chung sức chứ không phải của bất cứ riêng ai, mà cũng không phải một sớm một chiều mà được ngay. Trước hết, gia đình bố mẹ quan tâm đến con nhiều hơn, động viên con, bố mẹ chưa nghe ra đã đánh con, phạt con. Chúng ta nên nghe con trình bày thế nào rồi hướng dẫn con.
TS Thụy Anh: Tôi nghĩ chúng ta phải tạo cho các bạn nhỏ ngay từ khi mầm non phải hiểu giá trị của bản thân. Nếu từ nhỏ các bạn được đọc những câu chuyện cổ tích nhân văn, những mẩu chuyện mang bài học cuộc sống. Các bố mẹ quan tâm, nhưng cũng đừng quá quan tâm, vì khiến các em dễ sinh hư, coi mình là nhất.
MC: Trở lại với những nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đến với những câu hỏi thắc mắc của các học sinh gửi về.
Đầu tiên là bạn Nguyễn Huy Hoàng ở Hà Nội hỏi: Em muốn hỏi làm thế nào để kiềm chế mỗi khi cảm thấy rất muốn đánh 1 bạn cùng lớp ạ?
TS Thụy Anh: Tôi nghĩ đây là câu hỏi hay đấy. Tôi nghĩ có nhiều cách để chúng ta luyện. Nhưng chúng ta phải luyện từ trước thì chúng ta mới kiềm chế được. Cố gắng trước các tình huống hãy nghĩ đến câu phải kiềm chế và có thể bạn đi ra khỏi chỗ đó để giảm bớt sự bực tức.
Cô Hằng: Tôi nghĩ giải pháp tức thời là ra khỏi chỗ đó và cố gắng nghĩ đến việc khác. Khi nào bình tĩnh rồi thì phân tích lại câu chuyện và tham khảo ý kiến của các bạn.
MC: Vâng, thưa quý vị và các bạn giáo dục con trẻ ngày nay không như thời đã qua. Chúng ta có lẽ không nên và không thể áp dụng hình phạt roi vọt, mắng mỏ. Dùng cách ấy khiến trẻ em dễ bị tổn thương đâm chai lỳ, thậm chí dữ dằn khi lớn lên.
Nhân chi sơ, tính bản thiện, Từ khi sinh ra trẻ em đã luôn có một tâm hồn trong sáng. Và khi lớn lên, môi trường gia đình và xã hội mới ảnh hưởng đến tính cách, hành vi của chúng ta. Bởi vậy, để giải quyết triệt để vấn đề trên, cần đến sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Không có một giáo trình đầy đủ nào cho mọi gia đình, cho việc dạy bảo mọi đứa trẻ. Không thể và cũng không nên giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào trong nhà trường. Hãy bắt đầu bằng sự gương mẫu của người lớn, bằng lòng vị tha và một phương pháp mềm dẻo... Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ gia đình. Cha có thể dạy con tính trung thực mạnh mẽ đối với con trai. Mẹ có thể dạy con gái đức hiền lành, chăm chỉ, nhân hậu...Và truyền lại những cách thức xử lý tình huống cụ thể trong cuộc sống...
Gia đình, nhà trường và xã hội cùng kết hợp chặt chẽ với nhau, hướng tới một mục đích chung cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho HS. Giúp học sinh có tâm hồn lành mạnh, có đạo đức trong sáng, có tri thức và biết chia sẻ, bao dung.
>> Xem thêm chuyên đề Bạo lực học đường: Hãy ngăn ngừa khi chưa quá muộn!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!