Mới đây, chiều ngày 6-11, PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện SR-KST-CT TP.HCM cho hay: 'Qua sự giám sát phía Nam, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) TP.HCM phát hiện ổ bệnh sán dây heo từ những con heo ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước'.
Kết quả xét nghiệm những con heo nghi bị nhiễm ấu trùng sán dây heo, ghi nhận các mẫu thịt heo bị nhiễm với mật độ rất lớn (50-70 nang ấu trùng/kg thịt). Các bộ phận của heo như cơ, não, lưỡi… cũng nhiễm nang ấu trùng.
Theo ông Đồng, Viện cũng đã phát hiện nhiều người nhiễm bệnh sán dây heo (heo gạo) ở địa phương này và các xã lân cận như Phú Nghĩa, Đăk Ơ, Bù Gia Mập. Kết quả xét nghiệm trên người cho thấy xã Phú Nghĩa có 108/904 mẫu máu (gần 12%) nhiễm ấu trùng sán dây heo. Trong đó xã Phú Nghĩa có 26/283 mẫu (gần 10%), xã Đăk Ơ có 48/322 mẫu (gần 15%). Riêng xã Bù Gia Mập có 34/299) mẫu (trên 11%).
Sán dây heo nguy hiểm như thế nào?
Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay bệnh sán dây hoặc ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo xuất hiện ở tất cả các vùng miền. Ông cũng cho hay việc gia súc, gia cầm chứa giun sán là điều không khó gặp.
PGS Thịnh cho hay, giun sán thông thường ký sinh trong đường ruột của gia súc, gia cầm. Nếu trong quá trình chế biến, người thực hiện tống được chúng ra ngoài thì không ảnh hưởng gì khi ăn. Tuy nhiên, một số trứng giun, sán lại chui qua màng ruột động vật, đi vào các thớ thịt, não, gan của chúng... một số con sẽ nở thành giun, sán, một số thì không; và khi con người ăn phải thịt bị nhiễm giun, sán, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể.
'Với trường hợp chẳng mấy con người ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sau khi vào dạ dày sẽ nở thành ấu trùng chúng tiếp tục di chuyển đến ruột non, ấu trùng có thể xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu. Lúc này, ấu trùng sẽ di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt, não, mật… Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nặng. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau', PGS Thịnh cho biết. PGS cũng thông tin thêm, với trường hợp trứng của giun, sán đó đã nở thành con thì khi con người ăn vào chúng sẽ bị cơ thể bài tiết ra ngoài.
Sán dây lợn khi đi vào các bộ phận cơ thể sẽ gây hại cho con người. Ảnh: Internet
Chia sẻ cụ thể về mức độ nguy hiểm của sán dây heo, PGS Thịnh cho hay, nếu nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Ấu trùng sán ký sinh trong cơ với mật độ cao sẽ gây viêm cơ khiến trương lực cơ giảm, làm giảm khả năng lao động, còn ký sinh ở da gây nên những “hạt gạo” dưới da...
Cách nhận biết thịt bị nhiễm sán dây heo
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay việc sán dây heo đi vào cơ thể và gây hại cho con người hay không phụ thuộc vào quy trình chế biến. Có nhiều nguyên nhân khiến con người bị nhiễm sán dây heo như ăn phải thịt nấu tái, sống, nem chua... Hoặc do quá trình lây nhiễm chéo giữa thịt sống nhiễm sán dây heo và thịt chín như dùng chung thớt thái thịt, người nấu không rửa tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống chứa sán dây...
'Tuy nhiên, về thực tế trứng giun hay trứng sán dây heo có thể bị tiêu diệt khi lưu trữ thịt trong tủ đông có nhiệt độ dưới -12 độ C hoặc khi nấu chín kỹ, khi đó chúng sẽ bị chết ', vị chuyên gia này cho hay.
Thịt heo bị nhiễm sán dây. Ảnh: TH
Do đó, khi chế biến người nội trợ nên chú ý khâu mua thịt, sơ chế, và chế biến. Để tránh nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn, người tiêu dùng không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn), không nuôi lợn thả rông. Cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh tại các các lò giết mổ.
Ông cũng cho hay, thịt heo bị nhiễm sán dây có thể nhận biết bằng cách khi mua quan sát kỹ ở các thớ thịt có các hạt như hạt gạo nổi lên hay không, các hạt nổi lên đó chính là nang của ấu trùng sán dây.
Còn nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc (đậu phộng), di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
Với trường hợp bị nhiễm sán dây lợn cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh nguy hiểm xảy ra. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi điều trị liên tục bằng thuốc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!