Tuyệt đối không tùy tiện bôi thuốc cho trẻ

Làm mẹ - 11/24/2024

Làm dịu, làm mát tức thời cho tổn thương da của trẻ nhưng vô tình khiến tình trạng da tệ hơn nếu bôi thuốc không đúng loại.

Không phải lúc nào các sang thương da do bệnh viêm nhiễm, côn trùng cắn, té ngã… ở trẻ em cũng có thể xử lý bằng các loại thuốc bôi thông dụng hay những 'mẹo vặt'.

Bé T.S (4 tuổi) một lần chạy chơi trong nhà vô tình va phải pô xe máy còn nóng nên bỏng nhẹ ở chân. Thấy S. kêu đau, mẹ bé tìm thuốc trị bỏng trong nhà nhưng không thấy nên dùng kem đánh răng pha nước mắm bôi lên vết thương cho con. Vì kem đánh răng khá mát nên một lúc sau, S. không khóc nữa, cha mẹ cũng quên bẵng vết thương của bé. Không ngờ 2 ngày sau, S. bỗng bị sốt, kêu đau. Người mẹ đưa con đến bác sĩ (BS) mới biết rằng vết thương của bé đã nhiễm trùng vì không được sơ cứu đúng cách.

Tuyệt đối không tùy tiện bôi thuốc cho trẻ

Cẩn thận với dấu vết trên da

Mùa mưa, một số bệnh nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… tăng cao hơn bình thường. Không ít bé được cha mẹ đưa đi BS khám với làn da… xanh màu methylene - một loại thuốc bôi da thông dụng. Điều đáng nói là màu xanh của thuốc này che lấp mất các sang thương da, gây trở ngại trong chẩn đoán.

'Tốt nhất là đừng bôi gì cả trước khi đưa bé đi khám mà không có chỉ định của bác sĩ. Những biểu hiện trên da của nhiều bệnh, nhất là tay chân miệng, sốt xuất huyết - 2 bệnh 'nóng' mùa này - thường sẽ tự khỏi mà không cần bôi thuốc. Trong nhiều trường hợp, ví dụ bệnh tay chân miệng, mức độ sang thương da có thể biểu hiện tình trạng của trẻ nhưng những loại thuốc có màu như xanh methylene sẽ che mất triệu chứng. Trong các bệnh nhiễm, thường chỉ có thủy đậu là nên dùng xanh methylene bôi lên sang thương' - BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), lưu ý.

Một loại thương tích da hay được xử lý sai lầm là những vết bỏng nhẹ. Vết bỏng nặng thường được xử lý đúng cách: làm mát bằng nước, sau đó đưa vào bệnh viện. Song, với vết bỏng nhẹ có thể xử lý tại nhà, nhiều phụ huynh đã tìm cách 'làm mát' và sát trùng cho trẻ bằng kem đánh răng, nước mắm, nước muối, một số loại rau, lá giã nhỏ, xà bông bột pha nước ấm, đá lạnh… Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cách làm mát vết bỏng đơn giản và đúng nhất vẫn là ngâm nước sạch.

'Ngâm vùng bị bỏng trong nước sạch 20-25oC khoảng 30 phút để làm mát da, không dùng đá lạnh vì sẽ làm tấy da. Nếu muốn đắp lá theo đông y thì nên chú ý dùng đúng cách: Lá trầu rửa sạch, giã nát hòa với rượu trắng 40˚ vắt lấy nước, thấm bông rồi bôi lên chỗ bỏng. Nước cốt nghệ hòa với mật ong hoặc dầu mè, dầu đậu phộng; lá cây lô hội (nha đam) đã được bỏ phần vỏ hoặc dùng lá cây sống đời rửa sạch bằng nước muối pha loãng, rửa lại bằng nước sạch và giã nát đắp lên vết thương. Hoặc có thể dùng dầu mù u, các tiệm thuốc đông - tây đều có bán. Đặc biệt, không nên quấn băng' - ông Bảy lưu ý.

Tuyệt đối không tùy tiện bôi thuốc cho trẻ

Bong gân: Bôi dầu nóng là sai

Một loại thuốc bôi hay được phụ huynh tin dùng nữa là dầu gió. Té ngã - bôi dầu, động vật cắn - bôi dầu, ngứa - bôi dầu; nhiều khi bị bỏng, bị bệnh nhiễm cũng… bôi dầu. 'Phải tùy vào tình huống, ví dụ côn trùng nho nhỏ đốt thì còn có thể bôi dầu khuynh diệp, chứ những con lớn hơn như rắn thì phải sát trùng, băng ép vết thương, buộc garo và vào viện, thậm chí chuyển tuyến trên ngay, dầu không có tác dụng. Té ngã làm bong gân mà bôi dầu nóng cũng sai, nên chườm lạnh mới đúng…' - BS Tiến đơn cử vài trường hợp.

Theo lương y Đinh Công Bảy, những quan niệm dân gian xử lý các vết thương nhỏ ở trẻ như 'sát trùng' bằng dầu gió, nước mắm, xà bông bọt… là hoàn toàn không nên. 'Thậm chí, đừng vội rửa bằng nước lạnh vì nếu nước không sạch sẽ gây nhiễm trùng. Nếu không muốn dùng nước bụi bẩn, cát dính thì hãy dùng nước đun sôi để nguội, có thể dùng thêm ôxy già pha loãng thấm vào bông sạch. Sau đó, hãy bôi thuốc đỏ hoặc những loại thuốc bôi chuyên dùng để kháng khuẩn và làm lành vết thương. Nếu muốn sử dụng các dược liệu theo đông y, hãy dùng những thứ thông thường và đơn giản như dầu mù u, củ nghệ, lá trầu nhưng nên bảo đảm mình biết cách sử dụng và sơ chế chúng trong điều kiện sạch sẽ. Đừng đắp, bôi những thứ mà mình không rõ tác dụng' - ông khuyến cáo.

Sốt xuất huyết: Đừng bôi gì cả!

Với căn bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trong mùa mưa, các chuyên gia đông - tây y đều có lời khuyên chung: Đừng bôi gì cả! 'Những vết xuất huyết dưới da sẽ tự khỏi. Nhiều người thấy trẻ ngứa, khó chịu thì hay bôi các loại dầu nóng lên, điều này rất nguy hiểm vì có thể làm tình trạng xuất huyết nặng thêm' - lương y Đinh Công Bảy cho biết. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng có trường hợp trẻ nhập viện với những mảng xuất huyết lớn, bầm đỏ trên da vì bị mẹ bôi dầu và cạo gió.

Theo các bác sĩ, những việc làm nêu trên có thể kích thích hệ thống đông máu ngoại sinh, gây rối loạn đông máu.

>>Xem thêm: Cẩn thận với kem chống muỗi cho trẻ

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!