UNFPA nhấn mạnh, giải quyết tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới để không còn thiếu trẻ em gái và phụ nữ.
Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA cho thấy cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái.
4,1 triệu trẻ em gái trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ
Báo cáo chỉ ra rằng, mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em. Điều trớ trêu là gia đình, bạn bè và cộng đồng của các em đều biết rõ những tác hại này nhưng vẫn để cho những thực hành có hại này tiếp tục hoành hành.
Cũng theo báo cáo của UNFPA, có ít nhất 19 thực hành có hại được coi là vi phạm quyền con người, từ là ngực đến kiểm tra trinh tiết. Trong đó báo cáo tập trung vào ba thực hành phổ biến nhất là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn và định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai.
Giám đốc điều hành của UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem cho biết: 'Những thực hành có hại đối với trẻ em gái gây ra những sang chấn sâu sắc và dai dẳng, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình.'
Năm nay, ước tính 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện nay, 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự 'thiếu hụt' tới 140 triệu nữ giới.
Một số thực hành có hại đã có chiều hướng thuyên giảm ở một số quốc gia. Tuy nhiên, do sự tăng trưởng dân số tại các quốc gia này, số lượng trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành này sẽ gia tăng vào các thập kỷ tới nếu không có các biện pháp quyết liệt.
Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Ảnh minh họa.
Báo cáo của UNFPA nhận định, kinh nghiệm và nghiên cứu tích lũy hàng thập kỉ nay cho thấy các hướng tiếp cận cấp cơ sở mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tạo ra sự thay đổi. Cũng theo Tiến sĩ Kanem: 'Chúng ta cần giải quyết vấn đề này qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cộng đồng để họ tự hiểu được tác động tiêu cực mà những thực hành này đang gây ra cho các bé gái và lợi ích mà xã hội sẽ được hưởng khi chấm dứt những thực hành đó.'
Lựa chọn giới tính vẫn tồn tại dai dẳng trong xã hội
Tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội. Thực hành này cũng được xác định là nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam. Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số 'tự nhiên' là 105 bé trai trên 100 bé gái. Dựa trên sự mất cân bằng tỷ số giới tính, Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ LĐTB-XH cho biết: 'Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững. Chúng tôi đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này. Tuy vậy, do chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm Nho giáo, nên những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều.
Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 mà chúng tôi đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 này.'
Chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ
Bằng chứng cũng cho thấy sự mất cân bằng về nhân khẩu học chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam kêu gọi 'Chúng ta phải chấm dứt tình trạng trọng nam khinh nữ này để thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Việt Nam đang đạt được tiến bộ, nhưng những tiến bộ ấy cần được đẩy mạnh nhanh hơn nữa trong Thập kỷ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Để triển khai nhiệm vụ này, nam giới cần đóng vai trò đặc biệt. Tôi kêu gọi nam giới tại Việt Nam hãy nâng cao giá trị của trẻ em gái và yêu cầu đối xử bình đẳng, quyền bình đẳng cho trẻ em gái. Chúng tôi đặc biệt cần nam giới và trẻ em trai góp sức thực hiện nỗ lực này.'
Tại buổi lễ công bố, Chính phủ Việt Nam và UNFPA đã khẳng định cam kết mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi hành động khẩn trương nhằm chấm dứt thực hành có hại này. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau xóa bỏ tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vì thế hệ tương lai của chúng ta.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!