Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Ung thư là một căn bệnh khiến các tế bào trong cơ thể phát triển vượt tầm kiểm soát. Tên bệnh ung thư thường được đặt theo tên bộ phận cơ thể mà nó bắt đầu phát triển, mặc dù đôi khi ung thư có thể sẽ lan đến cả các bộ phận khác về …

Ung thư là một căn bệnh khiến các tế bào trong cơ thể phát triển vượt tầm kiểm soát. Tên bệnh ung thư thường được đặt theo tên bộ phận cơ thể mà nó bắt đầu phát triển, mặc dù đôi khi ung thư có thể sẽ lan đến cả các bộ phận khác về sau.

Khi ung thư phát sinh tại cổ tử cung, căn bệnh này được gọi là ung thư cổ tử cung. Cổ tử cung là phần hẹp dưới của tử cung, kết nối âm đạo với phần trên của tử cung. Tử cung (hay dạ con) là nơi em bé phát triển trong giai đoạn người phụ nữ mang thai.

Trong thời gian đầu, ung thư cổ tử cung có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Ung thư cổ tử cung nặng có thể gây chảy máu hoặc tiết dịch bất thường từ âm đạo, chẳng hạn như chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Nếu bạn gặp phải bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.

Làm gì khi nhận được thông báo đã bị ung thư cổ tử cung?

Nếu bác sĩ xác định rằng bạn bị ung thư cổ tử cung, hãy yêu cầu được chuyển đến điều trị với một bác sĩ chuyên khoa phụ khoa, những người được đào tạo chuyên sâu để điều trị bệnh ung thư hệ sinh sản của phụ nữ. Bác sĩ chuyên khoa phụ khoa cũng sẽ giúp bạn vạch ra kế hoạch điều trị bệnh.

Các mức độ của bệnh ung thư được phân chia theo giai đoạn. Những thông tin về mức độ của ung thư hoặc những bộ phận nào của cơ thể mà ung thư đã lan đến sẽ được sử dụng để xác định giai đoạn. Các bác sĩ cũng sử dụng những thông tin này để lên kế hoạch điều trị và theo dõi tiến độ điều trị.

Xem xét các loại hình điều trị

Ung thư cổ tử cung được điều trị bằng nhiều cách, phụ thuộc vào loại ung thư cổ tử cung và bộ phận cơ thể mà ung thư đã lan đến. Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

  • Phẫu thuật: các bác sĩ cắt bỏ mô ung thư bằng cách phẫu thuật.
  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc đặc biệt để thu nhỏ hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc này có thể được kê dưới dạng viên để uống hoặc dưới dạng thuốc tiêm vào tĩnh mạch, và đôi khi là sử dụng kết hợp cả hai loại.
  • Xạ trị: dùng tia năng lượng cao (tương tự như X-quang) để tiêu diệt ung thư.

Làm thế nào để ngừa ung thư cổ tử cung?

Hai loại xét nghiệm có thể giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung:

  • Xét nghiệm Pap (Phết tế bào tử cung) sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu của tiền ung thư cũng như những thay đổi ở tế bào cổ tử cung có thể trở thành ung thư cổ tử cung. Bạn nên bắt đầu xét nghiệm Pap khi 21 tuổi.
  • Các xét nghiệm HPV (xét nghiệm tìm kiếm virus gây u nhú ở người) giúp phát hiện các loại virus có thể gây ra những thay đổi tế bào dẫn đến ung thư.

Nếu kết quả xét nghiệm Pap của bạn là bình thường, cơ hội mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở những năm tiếp theo là rất thấp. Vì lý do đó, bạn có thể sẽ không cần xét nghiệm Pap trong vòng 3 năm tới. Nếu ở độ tuổi 30 trở lên, bạn có thể chọn đồng thời xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap. Nếu cả hai kết quả xét nghiệm đều bình thường, bạn có thể chờ đến 5 năm sau để làm xét nghiệm Pap lần nữa.

Đối với phụ nữ ở độ tuổi từ 21 tuổi đến 65 tuổi, cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và tiếp tục xét nghiệm Pap, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình đã quá lớn tuổi để sinh con hay không còn quan hệ tình dục nữa. Tuy nhiên, nếu bạn đã trên 65 tuổi hoặc đã cắt bỏ tử cung để điều trị một căn bệnh khác, bạn không cần phải làm xét nghiệm Pap nữa.

Tiêm vắc xin HPV

Có hai loại vắc xin HPV để bảo vệ nữ giới khỏi ung thư âm đạo, và ung thư âm hộ. Cả hai loại vắc xin này đều được khuyến nghị cho các bé gái 11 tuổi và 12 tuổi, và cho nữ giới từ 13 đến 26 tuổi (trong trường hợp chưa tiêm ngừa vắc xin này trước đó). Các bé gái nhỏ tầm 9 tuổi cũng có thể tiêm loại vắc xin này. 3 liều vaccine được khuyên dùng nên thuộc cùng một nhãn hiệu, và phụ nữ nên tiêm ngừa vắc xin bất cứ khi nào có thể. Điều quan trọng cần lưu ý đó là những phụ nữ đã được tiêm ngừa vắc xin HPV vẫn cần phải làm xét nghiệm Pap thường xuyên để phát hiện mầm bệnh ung thư cổ tử cung.

Các lưu ý khác giúp bạn ngăn chặn ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Không hút thuốc;
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn tình trong trường hợp không muốn có con và không muốn mắc bệnh;
  • Không quan hệ tình dục với quá nhiều người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!