Nuôi dạy con vốn là một công việc vô cùng khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Mức độ khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba nếu bạn là mẹ đơn thân. Là mẹ đơn thân có nghĩa bạn phải ‘2 trong 1’: Hiền dịu và tình cảm như mẹ, mạnh mẽ và lý trí như cha. Nhưng nếu biết cân đối và rút ra cho mình những bài học thì bạn sẽ thấy rằng việc nuôi dạy con một mình không phải là quá khó.
Dưới đây là một số phương pháp ứng xử tình huống cho mẹ đơn thân khi nuôi dạy con:
Không nói dối với trẻ về người bố: Bạn cần thành thật khi trẻ hỏi ‘Mẹ ơi, bố đâu rồi ạ? Tại sao con không có bố như các bạn, bố không yêu con à?’ - câu hỏi dạng này sẽ xuất hiện khi trẻ 2,5 – 3 tuổi. Và nếu trẻ chưa từng được biết đến một người bố, bạn hãy chuẩn bị một câu trả lời hợp lý về việc này. Nếu trẻ đã từng được sự chăm sóc của bố và nhận biết được đấy là bố của mình thì bạn cần phải có sự giải thích cụ thể về mối quan hệ giữa 2 người.
Sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những câu hỏi của con làm bạn thấy tủi thân, thương con, khóc một mình. Và nếu có sự chuẩn bị từ trước với những câu trả lời hợp lý, bạn sẽ giảm thiểu được tối đa những cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Điều quan trọng nhất cần được thể hiện đó là tình yêu của bạn đối với con luôn luôn không đổi và bạn sẽ không bao giờ từ bỏ đứa trẻ.
Không nên lấy bố của trẻ ra làm chủ đề ‘nói xấu’: Đừng bao giờ nói những lời như: ‘Đều tại ông bố chết tiệt của con’. Bạn nên hiểu rằng, oán hận, trách móc người từng làm tổn thương mình suy cho cùng chỉ là tự làm khổ bản thân với những vết thương cũ. Tốt hơn hết bạn hãy học cách quên đi quá khứ.
Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình đơn thân, việc thiếu đi hơi ấm của người cha hoặc người mẹ là khiếm khuyết đáng tự ti nhất của chúng. Người mẹ không nên dồn thêm áp lực cho trẻ bằng những lời kết tội về người bố của trẻ.
Không nên cấm mối quan hệ bố-con:Đó là khi bạn nói một số câu tương tự như: ‘Không được đến nhà bố con!’, ‘Không được nghe điện thoại của bố con!’… Cho dù chồng cũ/người yêu cũ của bạn là người đàn ông tồi tệ, xấu xa đến thế nào thì đó cũng là bố của con bạn. Đây là thực tế không thể thay đổi. Mệnh lệnh của người mẹ vô tình tập cho trẻ cách sống vô tình, lãnh cảm và bất hiếu; thậm chí rất dễ khiến cho đứa trẻ hoang mang, stress khi đứng giữa lựa chọn bố hoặc mẹ.
Nên chiều con đúng lúc, đúng chỗ: Đôi lúc, trẻ hay đòi mẹ cái này, cái kia, và dù biết không nên chiều con nhưng với suy nghĩ sợ con bị thiệt thòi, nên bạn hay có suy nghĩ ‘không sao, chiều lần này nữa thôi’. Đừng suy nghĩ cảm tính như thế bởi như vậy trẻ sẽ bắt được thóp của bạn, trẻ sẽ tìm cớ để ‘mè nheo’ bạn cho đến khi bạn đồng ý thì thôi. Ví dụ như: khi trẻ đòi mua một món đồ chơi, hoặc cuốn sách trẻ thích, có thể bạn thấy đó là mong muốn hợp lý nhưng bạn nên tạo sự hồi hộp và cố gắng cho trẻ: ‘mẹ sẽ thưởng cho con đồ chơi/cuốn sách đó nhưng nếu cuối tuần này con được 5 điểm 10’, nó sẽ làm trẻ cố gắng và bạn không phải chiều con một cách vô cớ.
Đừng dùng vật chất để bù đắp tình cảm:Rất nhiều bà mẹ đơn thân đi vào vết xe đổ là dùng vật chất để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm khi thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của người bố. Điều này là hoàn toàn không nên. Thiếu tình cảm thì chỉ có thể bù đắp bằng tình cảm, hãy cho trẻ thứ mà cuộc đời không thể mang lại cho trẻ, đó chính là tình thương. Mỗi ngày mẹ hãy dành thời gian chơi đùa và tâm sự với trẻ về bạn bè, lớp học, cuộc sống quanh trẻ (hay chẳng hạn như giải đáp những thắc mắc trong lòng trẻ về bố của trẻ...).
Không nên nói với trẻ một số câu như:
- Con nghĩ mẹ sung sướng lắm hay sao? Câu nói này rất dễ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Có những khổ đau, người mẹ phải lặng lẽ học cách quên đi; có những gian khổ, bạn nên học cách chấp nhận và vượt qua hơn là bắt trẻ phải nhìn nhận thực tế đó.
- Con làm như vậy, có xứng đáng với mẹ không? Câu nói này đơn thuần chỉ bày tỏ sự tức giận nhất thời của người mẹ đối với trẻ, nhưng nhìn nhận từ góc độ tâm lý học, nó lại chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa hơn thế. Nó khiến trẻ có cảm giác gò bó, trói buộc, giống như bị tước đoạt quyền tự do sống và khám phá.
- Mẹ rất ân hận vì đã sinh ra con: Đây là câu nói gây tổn thương lớn nhất cho trẻ, không những xúc phạm nghiêm trọng tới lòng tự trọng của trẻ mà còn rất dễ khiến chúng nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Một khi trẻ tỏ thái độ phản kháng với bạn thì quan hệ mẹ con sẽ ngày càng xa cách, việc dạy dỗ trẻ trưởng thành cũng trở nên khó khăn hơn.
Đừng nên đổi lỗi cho chính mình:Bạn luôn có cảm giác có lỗi với trẻ. Vì muốn trẻ có cuộc sống tốt, bạn cố gắng làm nhiều việc nhưng sau đó lại trách bản thân không dành thời gian nhiều cho trẻ, chưa làm tốt để cho trẻ một gia đình đủ đầy… Tuy nhiên, sau tất cả, bạn nên hiểu rằng ai cũng có sai lầm và hãy cố gắng yêu và nuôi trẻ tốt từng ngày, từng giây phút thì bạn vẫn luôn là một người mẹ tốt.
Tạo một số kỷ luật với con:Đi ngủ sớm, giúp mẹ việc nhà khi có thời gian, không được xem ti vi nhiều, mua cái này cái kia… Hãy tạo cho trẻ những thói quen tốt để trẻ không ỷ vào ‘mẹ không nói gì đâu, mẹ sẽ đồng ý với mình thôi’ để bạn luôn biết rằng trẻ vẫn là một đứa trẻ ngoan, biết yêu thương bạn.
Hãy sáng tạo: Đôi lúc phương pháp kỉ luật ép buộc, cứng rắn, nguyên tắc sẽ dễ gây tâm trạng buồn chán cho trẻ và vì thế không hiệu quả. Trong trường hợp này, bạn hãy sáng tạo. Ví dụ, bạn đặt 1 món đồ chơi trẻ thích ở trên cao và thỏa thuận: Nếu con có hành vi tốt, con có thể được chơi đồ chơi đó.
Dạy con cách bảo vệ mình trước cuộc sống: Trẻ em từ 1 đến 18 tuổi đâu cần phải bảo vệ người khác ngoài chính bản thân mình. Bạn không cần phải dạy trẻ những vấn đề lớn lao, trở thành người này người kia trong xã hội, cái đó cuộc sống sẽ dạy con. Bạn chỉ cần dạy trẻ cách tự bảo vệ mình trước cuộc sống và dạy con từ những câu chuyện rất nhỏ nhặt, hãy dạy con tìm chỗ đi vệ sinh nơi công cộng, hãy dạy con gái biết đề phòng trước người lạ…Tùy từng lứa tuổi của trẻ, mẹ hãy học cách buông tay ra, để trẻ tự bảo vệ mình trước cuộc sống.
Với những lời khuyên trong cư xử cuộc sống hàng ngày với trẻ trên đây, hy vọng các mẹ đơn thân sẽ vững tâm hơn khi nuôi dạy và chăm sóc các thiên thần của mình.
Nguồn ảnh: Internet
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!