Xã hội phát triển dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc gia đình truyền thống Việt Nam. Thời nay, mô hình gia đình có bố hoặc bà mẹ đơn thân xuất hiện và có xu hướng ngày một tăng. Việc thay đổi các giá trị sống, người trẻ được ủng hộ nhiều hơn trong việc tự do lựa chọn cuộc sống của họ đã ảnh hưởng đến cái gọi là ‘gia đình đơn thân’ hay còn gọi là ‘gia đình khuyết’.
Ly thân, ly dị, lựa chọn sống độc thân, vợ chồng không cần hôn thú, hay vợ chồng đồng tính chia tay nhau, tất cả đều được liệt vào danh sách ‘gia đình đơn thân’ hay còn gọi là ‘gia đình khuyết’. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập sâu hơn về gia đình với ông bố/bà mẹ đơn thân và con của họ.
MC Thùy Minh và con trai
‘Gia đình khuyết’ là xu hướng?
Hiện tượng tự nguyện làm mẹ đơn thân cho thấy, nhiều phụ nữ bị mất lòng tin vào hôn nhân, đặc biệt với những phụ nữ có học thức và điều kiện kinh tế. Họ nhìn thấy những người sau khi lấy chồng bị bất hạnh nhiều, sự ghen tuông của người chồng, hạn chế sự nghiệp của họ, nhất là đàn ông Việt Nam còn chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến, ‘phu xướng phụ tùy’ (chồng nói vợ phải theo). Nhiều người chồng gia trưởng áp đặt, bạo hành vợ dẫn đến ly hôn gia tăng. Thậm chí, nhiều phụ nữ Việt Nam hiện này còn ‘sính’ lấy chồng ngoại vì suy nghĩ, đàn ông phương Tây có xu hướng tôn trọng vợ, dễ có hạnh phúc hơn.
Lựa chọn làm mẹ đơn thân có rất nhiều lí do. Đó có thể là những người đã từng kết hôn nhưng đổ vỡ hay những cô gái lỡ có thai nhưng bị người yêu ruồng bỏ. Cũng có nhiều người cô gái trẻ lựa chọn một cuộc sống của một bà mẹ độc thân vì họ cần có một đứa con nhưng lại không muốn bị ràng buộc bởi bất kỳ người đàn ông nào. Họ cá tính, yêu thương con và đủ điều kiện để chăm lo tốt cho đứa con của mình.
Ca sĩ Hiền Thục và con gái
Cuộc sống của trẻ trong ‘gia đình khuyết’
Thường khi có sự chăm sóc của cả bố và mẹ, đứa trẻ sẽ phát triển hoàn thiện hơn về mọi mặt so với những trẻ thiếu tình thương, sự chăm sóc của bố hoặc mẹ (đa phần vẫn là mẹ nuôi con sau khi các cặp vợ chồng ly hôn hay các cô gái trẻ lựa chọn làm mẹ đơn thân). Trẻ thiếu bố, hay mẹ thường có một sự mất thăng bằng nhất định trong cuộc sống, cụ thể:
- Xu hướng độc lập và chủ động làm việc nhà khi cần.
- Chín chắn và có trách nhiệm hơn.
- Có nhiều thời gian rảnh hơn do không bị bố/mẹ giám sát chặt chẽ so với trẻ sống trong gia đình có cả bố lẫn mẹ; có lòng tin vững chắc hơn giữa trẻ và người bố/người mẹ nuôi dạy mình. Ngược lại, nhiều thời gian rảnh rỗi hơn cũng có thể mang lại rắc rối.
- Gia đình đơn thân thường ít phân biệt loại công việc nhà nào là của nam hay của nữ. Mọi người đều có trách nhiệm như nhau và cùng chia sẻ việc nhà mà không câu nệ theo quan niệm giới tính truyền thống.
- Băn khoăn không biết nên dành cảm xúc ra sao cho người bố/mẹ đẻ ở xa.
Xu hướng cuộc sống của bố/mẹ đơn thân
- Độc lập hơn, ít phụ thuộc vào người khác để giải quyết vấn đề.
- Được bạn bè xem là hình mẫu có năng lực, đặc biệt đối với những ai đang gặp rắc rối trong việc nuôi dạy con cái.
- Giỏi tổ chức và nhận biết bản thân cần làm gì và làm như thế nào.
- Biết cách quản lý thời gian và tiền bạc
- Có thể cảm thấy phẫn uất, tổn thương, giận dữ người vợ hoặc chồng đã chia tay, mất nhiều thời gian công sức để chống chọi lại những cảm xúc này và ngày càng đắm chìm trong lối sống tiêu cực.
- Tìm cách giải quyết vấn đề trong quan hệ với con cái, thường giải thích với con nhiều hơn so với các cặp vợ chồng bình thường khác.
- Có thể khó tìm được bạn mới. Các nghiên cứu cho thấy đàn ông đơn thân nuôi con thường có khả năng tái hôn hoặc tìm bạn gái mới nhanh hơn phụ nữ cùng hoàn cảnh.
- Có thể rất gần gũi con cái và quan tâm tới bạn bè của con nhiều hơn các cặp vợ chồng bình thường.
- Có thể cảm thấy có lỗi vì không thể nuôi dạy con theo kiểu ‘truyền thống’ với cả bố lẫn mẹ.
- Cảm thấy quá mệt mỏi và kiệt sức vì luôn phải một mình đáp ứng nhu cầu của con cái.
- Phát triển các kỹ năng giúp trẻ thoải mái nói về người bố/mẹ không sống chung. Cách nói có thể theo hai hướng: tích cực và tiêu cực.
Lời khuyên dành cho bố/mẹ đơn thân:
Dù với lý do gì đi nữa, rõ ràng làm bố/mẹ đơn thân rất vất vả, chưa kể đứa trẻ sẽ bị nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý. Bởi lẽ, người mẹ/bố dù cố gắng đến đâu cũng không thể thay thế vai trò của người bố/mẹ kia.
- Khi làm bố/mẹ đơn thân hãy chia sẻ khó khăn của mình với người thân, hoặc có thể đến với các trung tâm tham vấn tâm lý để được giúp đỡ.
- Đối với các phụ nữ/những bạn gái, trước khi quyết định về việc đơn thân có con, cần chuẩn bị về điều kiện kinh tế, kiến thức, tâm lý cho mình cũng như con sau này.
Hôn nhân đồng giới: Mảnh ghép của xã hội hiện đại
Ảnh minh họa: Internet
Thùy Chi
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!