Vi rút HIV. Ảnh minh hoạ.
Tờ The Sun dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết họ hoàn toàn 'lạc quan' về tương lai khi quá trình thử nghiệm ba loại vaccine khác nhau đang gần bước vào giai đoạn cuối cùng. Kết quả của chương trình thí nghiệm vaccince mang tên HVTN 702, Imbokodo và Mosaico sẽ được công bố sớm nhất vào năm sau.
Khi một người bị chẩn đoán mắc HIV, các bác sĩ cho họ điều trị kháng virus ngay lập tức. Sự kết hợp của ba loại thuốc trên trong cùng một viên nén có công dụng ngăn chặn virus sản sinh trong cơ thể người. Bằng cách này, nó giúp giảm lượng virus HIV trong máu bệnh nhân.
Một khi lượng virus HIV trong máu giảm xuống dưới ngưỡng nhất định, nó được mô tả là 'không thể phát hiện được' – đồng nghĩa với việc người bệnh không thể lây virus cho bạn tình, ngay cả khi họ quan hệ tình dục không an toàn.
Mặc dù biện pháp điều trị này cho thấy hiệu quả cao nhưng nó không phải là một cách chữa trị hoàn toàn bệnh HIV. Thay vào đó, virus gây bệnh vẫn còn hoạt động trong cơ thể, song chỉ ở mức độ rất thấp.
Nếu ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus, những ổ HIV nằm im lìm này có thể được đánh thức trở lại. Tuy vậy, các thí nghiệm trên vẫn đem đến hy vọng rằng giới nghiên cứu đã bước gần hơn đến việc tìm ra một loại vaccine chữa căn bệnh thế kỷ.
Là người giám sát hai trong số ba chương trình thử nghiệm thuốc, Tiến sĩ Susan Buchbinder – Giám đốc chương trình nghiên cứu HIV tại Sở Y tế Cộng đồng San Franciso – đánh giá đây 'có lẽ là một trong những thời khắc lạc quan nhất mà chúng ta từng có'. Bà cho biết thậm chí một loại vaccine có hiệu quả điều trị phần nào căn bệnh HIV cũng sẽ là một 'bước đột phá chấn động' và 'thực sự sẽ có sức mạnh để thay đổi quỹ đạo của dịch bệnh'.
Tiến sĩ Buchbinder trả lời kênh NBC: 'Chúng tôi có ba vaccine đang được thử nghiệm hiệu quả và phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để thực sự tiến vào giai đoạn nghiên cứu hiệu quả.'
Kết quả của chương trình thí nghiệm vaccince mang tên HVTN 702, Imbokodo và Mosaico sẽ được công bố sớm nhất vào năm sau. Ảnh minh hoạ
Cuộc thử nghiệm vaccine HIV kéo dài lâu nhất hiện nay – hay còn gọi là HVTN 702 – được tiến hành tại Nam Phi năm 2016. Nó được dựa trên 'người tiền nhiệm' RV144, giúp giảm tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 30%. RV144 vẫn là vaccine HIV duy nhất từng chứng minh được hiệu quả chống lại virus. Tuy nhiên, các nhà khoa học muốn làm cho nó mạnh hơn.
Chương trình thử nghiệm thứ hai mang tên Imbokodo bắt đầu tại 5 quốc gia ở phía Nam châu Phi năm 2017. Imbokodo sử dụng các kháng thể dòng thể khảm - là thành phần vaccine được thiết kế để tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nhiều loại HIV trên toàn cầu.
Loại vaccine thứ ba là Mosaico cũng dựa trên cách tiếp cận của kháng thể dòng thể khảm độc nhất vô nhị trên và được bắt đầu thử nghiệm tháng 11 vừa qua. Mỗi loại vaccine bao gồm 6 mũi tiêm được tiêm trong hai lần khám lâm sàng cuối cùng.
Đáng chú ý, nước Anh đang trên hành trình trở thành quốc gia 'không HIV' vào năm 2030 khi tỷ lệ nhiễm bệnh giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ. Các ca chẩn đoán mắc HIV mới đã giảm hơn ¼ từ 6,721 ca năm 2015 xuống còn 4.484 ca năm 2018.
Tại Việt Nam, Ngày 1/12, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ phát động Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm dự.
Theo Ban tổ chức, chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay 'Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS' nhằm thực hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam hưởng ứng mục tiêu: 90-90-90 làm tiền đề cho việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Phát biểu ý kiến tại buỗi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Việt Nam đang ở chặng cuối để cùng thế giới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Với tổng số 140 nghìn người nhiễm HIV đang điều trị và mỗi năm có khoảng 10 nghìn người nhiễm mới, vì thế, nếu lơ là, HIV/AIDS sẽ bùng phát thành đại dịch. Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra của Tháng hành động, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, công tác điều trị, cần cho những người nhiễm HIV biết tình trạng của mình và được kịp thời tiếp cận với điều trị một cách sớm nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!