Sau 30 năm, ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khỏe mạnh

Thời sự - 11/28/2024

Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang giảm nhanh, ngày càng được kiểm soát tốt, nhiều người mắc HIV được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị không lây nhiễm ra cộng đồng, có tuổi thọ gần như người bình thường.

Sau 30 năm, ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên của Việt Nam vẫn sống khỏe mạnh

Mở rộng xét nghiệm, điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: TTXVN

Trung bình còn 10.000 ca nhiễm HIV mỗi năm

Năm 1990, người phụ nữ 30 tuổi ở TP Hồ Chí Minh sững sờ phát hiện bị mắc HIV khi làm thủ tục xuất cảnh sang châu Âu mà trước đó không hề hay biết. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên của Việt Nam được ghi nhận đến thời điểm đó.

Người phụ nữ này cho biết, bà bị lây HIV từ chồng sắp cưới; trước đó, chồng sắp cưới của bà từng bị nhiễm HIV vì có quan hệ tình dục với một số phụ nữ khác. Từ khi phát hiện mắc bệnh, bà được theo dõi định kỳ; đến năm 1997 bà bắt đầu được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV).

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết: Đến nay, bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam này đã 60 tuổi, sức khỏe của bệnh nhân vẫn ổn định, sinh hoạt hàng ngày diễn ra hoàn toàn bình thường nhờ tuân thủ điều trị. Hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị thì tuổi thọ của họ gần như người bình thường.

Tính đến nay đã tròn 30 năm Việt Nam đương đầu với dịch HIV/AIDS. Kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào năm 1990 tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước có 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: 'Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang giảm nhanh, ngày càng được kiểm soát tốt. Hiện Việt Nam duy trì tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0.3% theo như mục tiêu đã đề ra; số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới từng năm có xu hướng giảm từ năm 2007 đến nay. Nếu trong giai đoạn năm 2005- 2007 số ca bệnh phát hiện mới trung bình là hơn 28.000 người nhiễm HIV/năm thì giai đoạn năm 2008- 2012 con số này 17.000 người nhiễm HIV/năm và từ 2012 đến nay trung bình chỉ còn 10.000 trường hợp nhiễm HIV/năm'.

Kết quả trên cho thấy việc triển khai tích cực và hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua đã giúp giảm rõ rệt số nhiễm mới HIV, giảm tỷ lệ tử vong. Kết quả ước tính cho thấy, trong giai đoạn từ 2001 đến 2018, chương trình đã dự phòng nhiễm mới HIV được cho hơn 460.000 người, giảm tử vong được cho hơn 200.000 người.

Hiện hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để tăng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân được điều trị tăng nhanh. Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có 150.984 bệnh nhân HIV đang điều trị (hơn 75% số người biết tình trạng nhiễm HIV của mình) được tiếp cận với chương trình điều trị ARV. Nhiều mô hình điều trị đã được triển khai như: Mô hình điều trị nhanh, điều trị trong ngày và cấp phát thuốc nhiều tháng; điều trị cho cặp bạn tình dị nhiễm…

Việc xét nghiệm sàng lọc HIV cũng đã bao phủ tới 100% tuyến huyện, xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Đây cũng là nền tảng rất vững chắc đã được xây dựng giúp bao phủ quản lý, điều trị người nhiễm HIV, kiểm soát dịch.

Huy động mọi nguồn lực để chấm dứt dịch

Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều khi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện.

Đơn cử như hiện nay, hình thái lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới gây khó khăn trong công tác phòng dịch. Trong khi đó, vấn đề nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống HIV/AIDS hiện bị thiếu ở các tuyến, nhất là tuyến huyện, tỉnh do việc thành lập/sáp nhập Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh. Nhiều người đã được đào tạo trong nhiều năm phải chuyển công tác khác dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực.

Hiện kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2005 - 2020 chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế; tuy nhiên, nguồn viện trợ này lại đang bị cắt giảm nhanh, trong khi nguồn kinh phí trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Vì vậy, các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo TS. Hoàng Đình Cảnh, để đáp ứng đủ kinh phí cho nhu cầu phòng, chống HIV/AIDS, cần định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Bên cạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước, cần tiếp tục huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, triển khai các sáng kiến, cập nhật các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV. Đồng thời, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, viên gan vi rút/HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến huyện, tăng cường điều trị ARV trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín…

Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị tại các tỉnh, thành phố cũng tiếp tục nâng cao quản lý chất lượng điều trị, tối ưu hóa phác đồ, dự phòng và giám sát HIV kháng thuốc, tăng cường năng lực hỗ trợ kỹ thuật về điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt, triển khai các hoạt động thông tin truyền thông về hiệu quả điều trị thuốc ARV đến các cộng đồng nguy cơ cao; chuẩn hóa công nghệ thông tin trong quản lý điều trị HIV đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh BHYT; thúc đẩy mở rộng thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước tạo thuận lợi cho việc cung ứng thuốc ARV qua BHYT.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS một cách rất nhanh chóng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác phòng chống dịch HIV/AIDS. Luật mới được thông qua cũng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 người, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân; với chính sách cơ bản là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!