Các biện pháp hướng tới chấm dứt dịch AIDS

Thời sự - 04/27/2024

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, năm nay là dịp kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và hướng tới chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Các biện pháp hướng tới chấm dứt dịch AIDS

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Hướng tới chấm dứt dịch

TS Cảnh cho biết 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã giảm tỉ lệ người nhiễm HIV; Giảm tỷ lệ người chuyển sang AIDS và giảm người tử vong có liên quan đến HIV/AIDS; Kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng xuống dưới 0,3%. 

Trong những năm qua người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng. 

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500 nghìn người không bị lây nhiễm HIV và 200 nghìn trường hợp không bị tử vong do AIDS. Hiện tại, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa.

Theo BS Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục phòng chống HIV/AIDS, chất lượng điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam rất tốt. Ca mắc HIV đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1990 đến nay vẫn sống khỏe mạnh, chị vẫn làm việc bình thường và đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. 

'Nếu được đưa vào điều trị sớm, tuân thủ điều trị ARV, một người từ 20 tuổi nhiễm HIV, có thể sống thêm 50-60 năm, tuổi thọ gần như người bình thường. Quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm', BS Hải nói.

Chất lượng điều trị ARV ở Việt Nam rất tốt, hiện có hơn 153 nghìn bệnh nhân đang điều trị ARV, tỷ lệ tuân thủ 12 tháng đạt 88%.

Thuốc ARV được BHYT chi trả, hiện có gần 50 nghìn bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua BHYT. Để giảm bớt gánh nặng chi phí, người nhiễm HIV cần phải mua BHYT để nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài tuổi thọ.

Người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện sẽ không có nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính. Việc uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị cũng giúp người nhiễm HIV giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Các biện pháp hướng tới chấm dứt dịch AIDS

Tư vấn dự phòng phơi nhiễm HIV bằng Prep.

Đẩy mạnh dự phòng phơi nhiễm

Hiện nay, Việt Nam đang ở năm thứ 2 triển khai mở rộng chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP) tại 27 tỉnh, thành phố. Tại Hội thảoĐiều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 2018-2020 và kế hoạch 2021 tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) đã chia sẻ báo cáo về chương trình PrEP quốc gia, cho thấy sự gia tăng nhanh số người duy trì và đăng ký sử dụng PrEP mới, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.

Việc triển khai PrEP không ngừng được đổi mới và sáng tạo nhằm cung cấp các lựa chọn tiếp cận mới và đa dạng cho những người có nguy cơ nhiễm HIV. PGS.Ts. Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDScho biết năm 2020 do có dịch Covid-19 nên Cục đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để đảm bảo nhóm đích vẫn có thể tiếp tục tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong đó có dịch vụ HIV như PrEP'.

PGS. TS. Phan Thị Thu Hương cũng chia sẻ: số người đăng ký sử dụng PrEP mới vẫn cao, cho thấy rõ nhu cầu đối với dịch vụ này.

Thành công của chương trình cho đến nay là nhờ vào các chiến dịch tạo cầu mạnh mẽ và đa dạng hóa các dịch vụ, chẳng hạn như PrEP tình huống (ED-PrEP) mới được giới thiệu cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và triển khai cung cấp PrEP tại một loạt các phòng khám công, tư nhân và phòng khám cộng đồng. ED-PrEP là một cách sử dụng thuốc PrEP theo tình huống với liều lượng khác so với PrEP hằng ngày.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày, như một phần của chiến lược dự phòng tổng thể. PrEP được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017 trong khuôn khổ chương trình Prepped for PrEP - một chương trình thí điểm do Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) và dự án USAID PATH Healthy Markets phối hợp triển khai. Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao. Từ tháng 11 năm 2019, PrEP đã được mở rộng thêm ra 15 tỉnh, thành phố, đưa dịch vụ này sẵn có tại 26 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và Chính phủ Việt Nam. Kể từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đã có hơn 12.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó chỉ riêng dự án USAID/PATH Healthy Markets đã có 6.678 người sử dụng PrEP trong năm 2020, tăng 3.946 người so với năm 2019.

Chiều 16/11, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trước đó, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!