Xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Thời sự - 11/24/2024

Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS, theo đó trẻ em có quyền được học tập và không bị phân biệt đối xử.

Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV đều là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.

Xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được yêu thương và phát triển toàn diện như mọi trẻ em (ảnh minh họa).

Đẩy mạnh việc trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ trẻ em nhiễm HIV/AIDS là một trong những đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV.

Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 90% số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội; 90% số cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 100% các trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu. Cho đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch. Công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), qua triển khai thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các mục tiêu của Quyết định bước đầu đạt được, giúp cho quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện tốt hơn về cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ; về nâng cao nhận thức của cán bộ ở các cơ sở trợ giúp trẻ em, về các cơ sở điều trị trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các trường học và những tổ chức liên quan được nâng cao năng lực. Các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện; mạng lưới liên kết dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ đã được xây dựng. Mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai và được đánh giá bước đầu có hiệu quả, phù hợp với các địa phương và được địa phương nhân rộng triển khai tại cơ sở.

Xóa bỏ rào cản và những khoảng trống

Mặc dù đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực nhưng công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế, trẻ em bị ảnh hưởng HIV còn khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với các em. Vấn đề này làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhóm quyền của trẻ em, nhất là quyền được học tập của trẻ.

Việc tiếp cận BHYT cho người nhiễm HIV nói chung và trẻ em còn rất thấp. Nhiều trẻ sinh sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc người thân nhiễm HIV/AIDS chưa được xét nghiệm định kỳ phát hiện HIV do kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện đi lại hoặc chưa nhận thức hết về sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm để phòng ngừa và phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Trong khi đó, cơ chế bình xét hộ nghèo tại cộng đồng cùng với tâm lý e ngại bị kỳ thị lại chính là rào cản khiến nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình bị hạn chế năng lực tham gia, đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy... Đến thời điểm này, có 36 cơ sở điều trị nhi, còn lại là các cơ sở lồng ghép, thiếu người có trình độ chuyên môn sâu về điều trị nhi và xử lý các tình huống. Việc điều trị bằng thuốc ARV ở tuyến huyện được mở rộng xuống tuyến xã vẫn còn nhiều khoảng trống trong điều trị nhi.

Một vấn đề nữa, do quy định về bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV/AIDS nên cán bộ y tế còn dè dặt trong việc cung cấp thông tin về người nhiễm HIV cũng như trẻ nhiễm HIV cho các bên liên quan, đặc biệt là chuyển thông tin cho cán bộ xã hội khiến công tác phát hiện các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa thể tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ. Đặc biệt, việc thiếu thông tin, không cập nhật đầy đủ thông tin về trẻ bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV đã hạn chế đáng kể đến việc triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ trẻ em của ngành LĐ-TB&XH và ngành GD&ĐT, dẫn đến những thiệt thòi trước mắt cho trẻ em thuộc diện đối tượng và về lâu dài đã có ảnh hưởng tiêu cực đến việc đảm bảo quyền trẻ em đối với nhóm trẻ em bị nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ADIS. Ngoài ra, việc thiếu chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên làm công tác trợ giúp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng dẫn đến tình trạng trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/ADIS không được phát hiện kịp thời để có các biện pháp trợ giúp phù hợp và hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017-2020, các Bộ ngành, đoàn thể sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ hành vi của trẻ và thiếu niên trong trường học và ngoài cộng đồng, qua đó, giúp trẻ tự phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho cá nhân, cộng đồng, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ em và người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong mọi trường hợp, việc trợ giúp trẻ em dưới mọi hình thức, góc độ đều phải tuân thủ các nguyên tắc: Bảo đảm sự tham gia của trẻ em, bảo đảm không kỳ thị, không phân biệt đối xử và bảo đảm bảo mật thông tin.

Tại nghiên cứu 'Rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS' do Cục Trẻ em thực hiện cũng đã đề xuất tiến hành rà soát các dịch vụ khám và điều trị HIV được bảo hiểm y tế hỗ trợ, trong đó xem xét đưa thuốc kháng HIV, thuốc bổ trợ và một số xét nghiệm vào danh mục chi trả bởi BHYT; cần có cơ chế cho phép người nhiễm HIV được thanh toán bảo hiểm tại tất cả các phòng khám điều trị ngoại trú; đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác rà soát trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về trẻ em nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ADIS giữa 3 ngành chức năng Y tế - LĐ-TB&XH – GD&ĐT; tăng cường tập huấn kĩ năng cho cán bộ làm công tác trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; có chính sách hỗ trợ nhóm cộng tác viên của mô hình kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhằm đảm bảo thực hiện các nhóm quyền của trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình trợ giúp nhóm đối tượng này. Theo đó, quy trình trợ giúp phải bảo đảm sự tham gia của trẻ em; bảo đảm không kỳ thị, không phân biệt đối xử; bảo đảm bảo mật thông tin, việc tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em phải tuân thủ quy định của pháp luật và bảo đảm vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Đặc biệt, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn: Tư vấn cho gia đình của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về chăm sóc trẻ em tại gia đình, giới thiệu trẻ và gia đình tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp; chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục tư vấn, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, các gia đình chăm sóc thay thế; kịp thời trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan; có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!