'Vạch mặt' loại măng tẩm hóa chất gây ung thư

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Để nhận diện măng tẩm hóa chất độc hại, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn cách đơn giản phân biệt như sau.

Mới đây tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện măng tươi được nhuộm chất vàng ô. Trước đó, Hà Nội và một số tỉnh, thành cũng từng phát hiện măng tươi ngâm hóa chất. Làm sao để tránh ăn phải măng độc?

9 mẫu măng có 7 mẫu nhuộm chất cấm

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng vừa công bố kết quả xét nghiệm 9 mẫu măng tươi bán ở các chợ thì có đến 7 mẫu có chất Vàng ô. Trước đó, tháng 1/2016, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở chế biến khoảng 7 tấn măng tươi, trong đó có hơn 300kg măng đang ngâm trong hóa chất.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vàng O (Auramine O) là chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, có nhân vòng phenol, dễ tan trong nước và cồn, được nhập khẩu từ nước ngoài. Chất này thường dùng để nhuộm màu sợi vải, làm nguyên liệu sơn quét tường có tính độc tới mức Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) đã xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 – có thể gây bệnh cao, ở Việt Nam cũng không được phép dùng cho thực phẩm.

'Vạch mặt' loại măng tẩm hóa chất gây ung thư

Rất nhiều cơ sở dùng hóa chất để măng trông tươi ngon hơn

Việc luộc măng nhiều lần sẽ làm cho măng dai, mềm đều, giảm độ độc nhưng mất thời gian và tiền than củi. Vì vậy một số người làm ăn chộp giật đã cho măng ngâm hóa chất lưu huỳnh, bột măng theo (Viện Công nghệ hóa học TP Hồ Chí Minh) thì sodium sulphite (Na2SO3) và sodium hyposulfite (Na2S2O3) – 2 chất tẩy rửa cực mạnh có gốc sulphite, dùng trong công nghiệp như để rửa phim ảnh và tẩy trắng vải, len, chất hóa lưu để xử lý mủ cao su, thuộc da…

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về Công nghệ thực phẩm (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm), măng bị tẩy trắng, làm đẹp bằng hóa chất tạo màu công nghiệp ăn lâu dài sẽ gây tổn hại dạ dày, thủng ruột, tổn hại thận, phá nát gan... Nguy hiểm hơn là chúng tồn dư và kích hoạt hàng loạt bệnh trong cơ thể như ngộ độc thận, da lở loét, suy hô hấp, nhiễm độc đường ruột, ngộ độc cấp, tiêu chảy nặng… và nếu không cấp cứu kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng về sức khỏe và có thể tử vong.

Phân biệt măng tẩm hóa chất

Chỉ cần một thìa vàng ô hòa loãng ngâm cả tấn măng tươi đã luộc chín thì sau 5 giờ măng luộc màu trắng đục sẽ chuyển màu vàng tươi rất đẹp mắt. Những lát măng tươi màu càng vàng đẹp thì người ăn càng rước họa vào thân. Để nhận diện măng tẩm hóa chất độc hại, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh hướng dẫn cách đơn giản phân biệt như sau:

'Vạch mặt' loại măng tẩm hóa chất gây ung thư

Măng được tẩy trắng, nhuộm màu trông bắt mắt nhưng nguy hại tới sức khỏe vô cùng

Măng tươi không hóa chất:

- Có màu vàng nhạt, có thể hơi thâm đen do ngâm muối.

- Măng tự nhiên được ngâm muối sẽ dai, không dễ gãy khi bẻ.

- Cọng măng to nhỏ không đều, nhìn không thấy bóng bẩy, đẹp mắt.

- Không hóa chất có mùi chua thơm tự nhiên, không có mùi lạ, không bị mốc.

Măng có hóa chất:

-Thường bóng đẹp, bắt mắt, vỏ ngoài láng mịn, củ măng đều, sờ vào có cảm giác dính tay.

- Màu vàng đậm, hoặc trắng phau (do ngâm hóa chất). Màu măng hóa chất bóng đẹp, không bị ẩm mốc.

- Dùng tay sờ, bẻ măng ngâm hóa chất giòn, dễ bẻ gãy vụn.

- Dùng mũi ngửi măng thấy mùi hóa chất (mùi lưu huỳnh sẽ khét đặc trưng của diêm sinh SO2).

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao nếu ăn vào sẽ gặp các enzym của đường tiêu hóa tác động sẽ biến thành axit cyanhydric (HCN) - chất cực độc với cơ thể, trẻ em, người già, người đau yếu dễ nhạy cảm với độc tính đó. Chỉ cần 50 - 60mg HCN (có trong 200g măng tươi chưa luộc) cũng có thể gây tử vong, với các triệu chứng khó thở, mất tri giác, liệt cơ, co giật, ngừng thở...

'Vạch mặt' loại măng tẩm hóa chất gây ung thư

Ngoài việc chọn măng sạch thì cách chế biến cũng quan trọng để loại bỏ bớt độc tốt trong măng

Do đó, bạn nên học cách chế biến măng an toàn bằng cách:

- Bóc hết vỏ măng, cắt lát mỏng, hoặc xé nhỏ thành sợi rồi ngâm nước ấm, nước gạo, nước vôi trong… giúp giảm độc tố. Khi ngâm măng nên cho thêm một ít muối. Trước khi chế biến cần rửa thật sạch.

- Với măng khô cần đổ ngập nước ấm, hoặc dùng nước gạo ngâm nhiều ngày. Luộc măng bỏ nước vài lần, mỗi lần 10 - 20 phút và luộc ít nhất 2 lần, luộc nhiều càng sạch độc tố, ăn măng mềm ngon hơn. Việc luộc măng giúp bay hơi độc tố, sạch cả hóa chất bảo quản măng khô (có thể cho ớt bỏ hạt, hoặc rau ngót để luộc măng giúp khử độc nhanh hơn). Khi măng không còn vị đắng, nước trong hãy chế biến món ăn.

Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn quá nhiều măng, nhất là măng luộc, kể cả khi luộc kỹ cũng vẫn có thể gây ngộ độc và suy nhược cơ thể. Hạn chế mua măng chua trái mùa.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Quá trình luộc măng cần mở vung/nắp nồi để chất độc nhanh bay hơi, loại bỏ được độc tố nhanh hơn. Nếu măng có màu trắng/vàng bất thường, hoặc có mùi lạ (dấu hiệu măng bị ngâm hóa chất) nên bỏ không dùng. Măng luộc không kỹ có thể gây ngộ độc cấp.

Nhưng ngay cả khi đã luộc kỹ, nếu bạn ăn món măng nhiều và thường xuyên cũng có thể gây ngộ độc mạn tính, khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu. Vì vậy, sau khi ăn măng thấy các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt buồn nôn… cần tới bệnh viện sớm, bởi trường hợp nặng rất có thể bị tử vong.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!